Southernbank: Những điểm mờ trước ngày sáp nhập
Southernbank xin “về một nhà” với Sacombank dưới góc nhìn của giới tài chính có những điểm thiếu thuyết phục. Những lo ngại đến từ những điểm “mờ” từ báo cáo tài chính của Southernbank.
Sacombank vừa thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông năm 2014 vào 25/3. Trong đó có nội dung xin chấp thuận chủ trương cho ngân hàng Phương Nam (Southernbank) sáp nhập. Câu chuyện Southernbank xin “về một nhà” với Sacombank đang là chủ đề nóng trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, giới tài chính lại có những nhìn nhận thiếu thuyết phục về thương vụ này xuất phát từ những điểm mờ trong báo cáo tài chính của ngân hàng.
Những câu hỏi?
Cho tới thời điểm hiện tại, Southernbank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2013. Báo cáo tài chính của Southern Bank mới chỉ có đến quý 3 năm 2013. Theo đó ngân hàng này có tổng tài sản gần 74.760 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 3,79%, tăng so với 3,02% đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) gần 1.000 tỷ đồng.
Giới tài chính đánh giá, thương vụ sáp nhập này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank. |
Đặc biệt theo báo cáo số nợ phải thu khá lớn, lên tới 25.057 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu là 15.042 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu là 10.015 tỷ đồng.
Các chuyên gia tài chính rất quan tâm đến con số 10.015 tỷ đồng thuộc các khoản lãi, phí phải thu. Với số lãi và phí phải thu cao như vậy, không ít người đã đặt câu hỏi, phải chăng nợ xấu của Southernbank đã được cơ cấu lại?.
Câu hỏi được đặt ra là liệu nợ xấu của Southernbank có cao hơn nhiều so với con số đã công bố 3,79%?
Theo các chuyên gia, khi nợ xấu đã được cơ cấu lại bằng các biện pháp kỹ thuật thì con số nợ xấu đương nhiên sẽ giảm và số nợ xấu này sẽ lẩn vào nợ trong hạn. Tuy nhiên đã là nợ trong hạn thì phải trả lãi, nhưng do là nợ xấu được cơ cấu lại nên không thể thu lãi. Chính vì vậy mà chuyển sang khoản lãi phải thu?
Bên cạnh đó là các khoản phí bảo lãnh được Southernbank bảo lãnh cho khách hàng. Liệu có phải đến hạn thanh toán nhưng khách hàng không trả được và Southernbank đã phải trả thay.
Nếu vậy, về nguyên tắc phải chuyển thành khoản cho vay bắt buộc và chuyển thành nợ xấu. Liệu có phải Southernbank đã "xử lý" để khoản này trở thành nợ mới cho vay và khoản phí này do không đòi được nên phải chuyển sang khoản phí phải thu?
Có phải vì vậy đã khiến cho khoản lãi và phí phải thu của Southernbank thể hiện trên báo cáo rất cao, lên tới 10.015 tỷ đồng tính đến hết qúy 3/2013 và liên tục tăng, tính từ năm 2010?
Từ thực tế này, những nghi vấn được đặt ra là có hay không động thái xử lý để che giấu nợ xấu thực, giảm phần trích lập dự phòng rủi ro, giúp đảm bảo lợi nhuận, làm đẹp báo cáo tài chính?
Chờ báo cáo tài chính 2014
Ngoài ra, một vấn đề mà nhiều người quan tâm là vì sao cho đến thời điểm này mà Southernbank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2013. Theo quy định, báo cáo tài chính công bố phải được kiểm toán. Có thể đến nay, việc kiểm toán vì một lý do gì đó chưa xong nên chưa thể công bố.
Thông thường báo cáo tài chính cả năm sẽ phản ánh đầy đủ các thông tin như nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, các khoản phải thu... thể hiện sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhưng những con số mới nhất mới chỉ công bố đến hết quý 3 coi như dở dang khiến mọi đánh giá trở nên khó chính xác.
Rất nhiều người đang quan tâm đến báo cáo tài chính 2013 của Southernbank. Ngoài các khoản phải thu, các chuyên gia tài chính cũng quan tâm đến trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro chung cho các khoản vay, nhưng đến nay, những thông tin này không có, nó trở thành những điểm mờ gây nghi vấn trong thời điểm nhạy cảm này.
Tuy nhiên với những gì Southernbank đã công bố, giới tài chính cũng hình dung ra và có so sánh thú vị, coi ngân hàng này giống như một cô gái đẹp nhưng lại thiếu cân đối.
"Cô gái có khuôn mặt lúc nào cũng xinh tươi nhưng chân thì ngắn, còn tay lại quá dài... không hiểu một "giai nhân" như vậy lại có thể làm lay động "anh chàng" Samcombank để kết duyên?', một chuyên gia tài chính so sánh.
Nếu so sánh với Samcombank thì rõ ràng Southernbank quá khập khiễng cả về quy mô, tiềm lực cũng như hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là con số nợ xấu.
Chính vì thế, điểm mấu chốt liên quan đến thương vụ sáp nhập này là vấn đề xử lý nợ xấu. Cần phải đưa ra một kế hoạch khả thi để giải quyết nợ xấu thì mới thành công.
Giới tài chính đánh giá, thương vụ sáp nhập này sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu lên Sacombank và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng do việc kinh doanh của Southernbank hiệu quả không cao như Sacombank.
Một số nhóm phân tích đã đưa ra các kịch bản khá u ám về con số nợ xấu của ngân hàng Sacombank mới sau sáp nhập. Qua đó sẽ khiến cho các cổ đông phải xem xét kỹ về kế hoạch sáp nhập. Trong khi đó, những nhận định mới nhất cho biết, Eximbank, ngân hàng đang sở hữu 10% cổ phần tại Sacombank có thể sẽ thoái vốn tại khỏi ngân hàng này./.
Theo vov