Sự cố hy hữu: Tàu ngầm hạt nhân Nga đâm hỏng tàu Mỹ

Chí Linh 10/01/2018 10:37

Sự việc sau đây xảy ra ngay sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, mặc dù Liên Xô không còn nhưng giữa hai siêu cường vẫn xảy ra sự việc nghiêm trọng.

Tạp chí National Interest cho biết, vào ngày 11/2/1992, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Baton Rouge (SSN 689), lớp Los Angeles của Mỹ đang ẩn mình ở độ sâu khoảng 20 m trong vùng nước nông ngoài khơi quần đảo Kildin, cách cảng Murmansk chỉ 64 km.

Mặc dù Liên Xô khi đó đã không còn nhưng Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động do thám để đề phòng những tình huống bất trắc phát sinh, các chuyên gia nhận định rằng tàu ngầm Mỹ đang tìm cách thu thập dữ liệu thủy âm từ tàu ngầm Nga.

Nhưng bất ngờ vào lúc 8 giờ 12 phút sáng, tàu ngầm USS Baton Rouge bị một vật thể chưa xác định húc từ dưới lên gây thủng phần vỏ khiến nước tràn vào trong khoang, tình huống này là vô cùng khẩn cấp.

Tháp chỉ huy của tàu ngầm B-276 Kostroma bị hư hỏng sau vụ va chạm.

Vật thể lạ sau đó được xác định chính là tàu ngầm tấn công hạt nhân B-276 Kostroma, lớp Sierra của Hải quân Nga, lúc này nó đang nổi lên thì bị va chạm vào tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Hậu quả của vụ va chạm là tàu B-276 Kostroma bị hư hỏng tháp chỉ huy, nó đã phải nằm tại cảng tới tận 5 năm để sửa chữa với chi phí khá tốn kém và chỉ quay lại được hạm đội vào năm 1997.

Nhưng dù sao thiệt hại trên vẫn quá nhẹ khi đặt cạnh tàu USS Baton Rouge (SSN 689), chiến hạm Mỹ bị loại biên sau chỉ 17 năm phục vụ do chi phí sửa chữa bị ước tính là quá cao.

Sau sự kiện này tháp chỉ huy mới của tàu ngầm B-276 Kostroma được sơn ngôi sao với số 1 ở trong, ngụ ý của Hải quân Nga muốn nói rằng nó đã tiêu diệt một tàu ngầm hạt nhân Mỹ mà không tốn một quả ngư lôi nào.

Ngôi sao 5 cánh với số 1 trên tháp chỉ huy của tàu ngầm B-276 Kostroma khi nó quay lại biên chế hạm đội.

Giải thích nguyên nhân dẫn tới sự cố hy hữu trên, chuyên gia phân tích hải quân Eugene Miasnikov nhận định rằng hai tàu ngầm đang hoạt động trong vùng nước nông, tiếng ồn do sóng trên mặt biển tạo ra nhiều tạp âm, khiến sĩ quan điều khiển sonar không thể phân biệt với âm thanh từ chân vịt tàu ngầm.

Trong môi trường vô số tạp âm ở vùng biển nông, phạm vi phát hiện tàu ngầm lớp Sierra chỉ khoảng 102 m, thậm chí ngắn hơn. Thậm chí tàu ngầm Mỹ chẳng thể phát hiện được nếu tàu ngầm Nga tiếp cận góc chết 60 độ phía sau, đây là khu vực không có mảng ăng ten của sonar cố định gắn trên thân tàu.

Ngược lại, tàu ngầm Nga cũng không thể phát hiện ra tàu ngầm Mỹ chạy êm hơn. Ông Miasnikov cho rằng tàu B-276 đang vận hành sonar ở chế độ thụ động nên cả hai đều không phát hiện ra sự có mặt của nhau trong khu vực.

Theo baodatviet.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Sự cố hy hữu: Tàu ngầm hạt nhân Nga đâm hỏng tàu Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO