Sư đoàn Vàng - đội quân rửa sạch vết nhơ từ cuộc chiến chống IS

Cuộc chiến chống IS ở Iraq có được những chiến thắng quan trọng gần đây là nhờ sự đóng góp của một đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ mang tên Sư đoàn Vàng.

su-doan-vang-doi-quan-rua-sach-vet-nho-tu-cuoc-chien-chong-is

Các binh sĩ thuộc lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ Sư đoàn Vàng của Iraq tập trung trước khi tham gia chiến dịch tái chiếm thành phố Fallujah hồi tháng 5. Ảnh: AP

Đơn vị chống khủng bố của Iraq mệnh danh Sư đoàn Vàng từng phải chịu nhiều kỳ thị đến mức họ bị gọi là Sư đoàn Dơ bẩn. Sau khi vướng vào cáo buộc điều hành những nhà tù bí mật hay giết người, lực lượng này đã bị một số nghị sĩ kêu gọi giải tán, theo Washington Post.

Thế nhưng, chính cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giúp họ khôi phục uy tín. Sư đoàn Vàng hiện là lực lượng tiên phong trong hầu hết các chiến dịch truy quét IS tại Iraq. Những chỉ huy dẫn dắt sư đoàn giờ đây trở thành các ngôi sao nơi trận mạc. Hàng loạt bài hát mới liên tục ra đời, ca ngợi sự anh dũng của họ.

Giới quan sát nhận định đội quân 10.000 người này là một điểm sáng hiếm hoi trong nỗ lực tái cấu trúc quân đội Iraq mà Mỹ thực hiện hơn 13 năm qua. Các quan chức Mỹ cho biết Sư đoàn Vàng là đối tác chống IS đáng tin cậy nhất của họ trên thực địa, trong bối cảnh quân đội Iraq đang phải vật lộn với vấn nạn tham nhũng và quản lý yếu kém.

Chiến tích lẫy lừng

su-doan-vang-doi-quan-rua-sach-vet-nho-tu-cuoc-chien-chong-is-1

Xe của lực lượng Sư đoàn Vàng tiến vào Fallujah hồi tháng trước. Ảnh: AP

Khi IS ráo riết tiến hành các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq ở thành phố Baiji, phía bắc thủ đô Baghdad, Sư đoàn Vàng cũng có mặt, chống cự mạnh mẽ và vẫn đứng vững trước hàng trăm đợt đánh bom tự sát của kẻ thù.

Năm ngoái, chính họ dẫn dắt chiến dịch tái chiếm thành phố Ramadi, dẹp tan phiến quân IS từ đông sang tây, dù trước đó cảnh sát liên bang Iraq gặp rất nhiều khó khăn trong việc tấn công.

Sư đoàn Vàng còn lập nhiều công trạng trên chiến trường thành phố Hit và Rutbah, chiến giữ thành công hàng loạt làng mạc dọc sông Euphrates.

Gần gây nhất, Sư đoàn Vàng phá vỡ thế phòng thủ của IS tại Fallujah. Với sự yểm trợ hỏa lực từ các chiến đấu cơ không quân Mỹ, những chiếc xe thiết giáp của Sư đoàn Vàng băng qua các khu vực bị IS cài bom, phá vỡ mạng lưới đường hầm do phiến quân thiết lập dưới thành phố.

"Họ là những người xung kích", đại úy Mick Bednarek, người đứng đầu chương trình đào tạo binh sĩ Iraq giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, ca ngợi Sư đoàn Vàng.

Xóa bỏ tiếng xấu

Lực lượng chống khủng bố Sư đoàn Vàng được thành lập vào năm 2003. Giới chức Mỹ khi ấy nhận ra rằng họ cần có một lực lượng chiến đấu sát cánh bên mình chống lại các phong trào nổi dậy. Đội quân chống khủng bố Iraq được đào tạo dựa trên mô hình đặc nhiệm Mỹ và tuyển chọn từ nhiều nhóm tôn giáo, sắc tộc khác nhau, bao gồm cả người Shiite, Sunni và Kurd.

Lúc mới ra đời, Sư đoàn Vàng gây nhiều hoài nghi do họ chịu sự điều hành trực tiếp từ văn phòng thủ tướng chứ không phải Bộ Quốc phòng hay Bộ Nội vụ. Thủ tướng Iraq khi đó là ông Nouri Al Maliki bị cáo buộc sử dụng lực lượng này để thanh trừng đối thủ chính trị.

Những cáo buộc đó đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trong dư luận Iraq, dẫn tới nhiều tiếng nói đòi giải tán lực lượng này. Sau khi ông Maliki từ chức, những cáo buộc về việc họ chỉ hoạt động như tay sai của thủ tướng chấm dứt.

"Người ta từng ghét bỏ chúng tôi", đại tá Arkan Fadhil, một trong những chỉ huy cấp cao của Sư đoàn Vàng, nói về "vết nhơ" của lực lượng trước cuộc chiến chống IS. "Nhưng bây giờ họ tôn trọng chúng tôi hơn nhiều".

Hồi cuối năm ngoái, khi một trong những chiếc xe chở binh sĩ Sư đoàn Vàng chạy qua khu vực người Sunni sinh sống ở ngoại ô Ramadi đúng lúc thành phố này vừa được giải phóng, trẻ em đã tặng kẹo và vây quanh họ để chụp ảnh. Theo một quan chức địa phương người Sunni, nếu vào hai năm trước, người dân sẽ đóng cửa và trốn trong nhà chứ không hồ hởi như bấy giờ.

"Sự biến đối của Sư đoàn Vàng trong hai năm qua hết sức ấn tượng", một đại tá đặc nhiệm quân đội Mỹ về hưu, từng làm cố vấn cho lực lượng chống khủng bố Iraq, nhận xét. "Họ đã bước qua bờ vực giải thể để trở thành những ngôi sao sáng của Iraq".

Chuyên gia đánh giá việc Sư đoàn Vàng được tách khỏi cấu trúc an ninh truyền thống của Iraq là một phần lý do khiến họ gặt hái thành công như ngày nay. Họ đã cố gắng tự mình tránh xa vấn nạn tham nhũng đang hoành hành trong hệ thống quân đội Iraq.

Sư đoàn Vàng vẫn đoàn kết ngay cả khi IS đẩy Iraq vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng hồi năm 2014. Hiện nay, Sư đoàn Vàng là "đơn vị chuyên nghiệp và có kỹ năng nổi bật nhất trong tất cả các lực lượng Iraq", ông Bednarek bình luận.

Trách nhiệm nặng nề

su-doan-vang-doi-quan-rua-sach-vet-nho-tu-cuoc-chien-chong-is-2

Các binh sĩ Sư đoàn Vàng tụ họp tại khu vực Al Haykil phía đông nam thành phố Fallujah. Ảnh: Washington Post

"Chúng tôi từng thực hiện các nhiệm vụ đối với những mục tiêu chọn lọc, có giá trị cao hay triển khai hành động theo đội hình nhỏ", Fadhil nói. "Chúng tôi chưa bao giờ tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nào mà phải huy động tới ba hay 4 tiểu đoàn".

Áp lực từ việc điều hành một cuộc chiến trên bộ quy mô đang đè nặng lên Sư đoàn Vàng, theo Washington Post. Ngay cả khi các tay súng của họ phải dồn sức cho chiến dịch Fallujah, một số người vẫn bị điều động về Ramadi để giành lại các khu ngoại ô mà họ chiếm cách đây mấy tháng từ tay IS, bởi cảnh sát và những bộ tộc địa phương đã đánh mất quyền kiểm soát ở đây một lần nữa.

"Sự yếu kém của quân đội cùng các lực lượng khác gia tăng áp lực lên chúng tôi", thiếu tướng Haider Al Obeidi, chỉ huy mặt trận của Sư đoàn Vàng, chia sẻ. "Khi tiến công, chúng tôi phải bỏ qua rất nhiều mục tiêu. Chúng tôi không có thời gian để lục soát từng ngôi nhà, từng đường hầm. Lẽ ra phải có một nhóm hỗ trợ theo sát chúng tôi".

Dân quân người Shiite cũng đến Fallujah để trợ giúp Sư đoàn Vàng. Tuy nhiên, sử dụng lực lượng người Shiite tại một khu vực đông người Sunni sinh sống là một  điều hết sức nhạy cảm. Quân đội Iraq đã yêu cầu họ rút lui sau đó và chỉ điều động một số thành viên Sư đoàn Vàng ở lại trấn giữ thành phố.

Trước đây, binh lính Sư đoàn vàng thường hoạt động 7 ngày, huấn luyện 7 ngày và nghỉ 7 ngày. Hiện nay, chương trình thay đổi thành 14 ngày hoạt động và 7 ngày nghỉ. Song, do mức độ khốc liệt của cuộc chiến, lịch trình trên không phải lúc nào cũng duy trì được.

"Chúng tôi không cho phép họ nghỉ. Họ phải quen với điều đó", đại tá Fadhil nói. Fadhil là người Iraq đầu tiên tốt nghiệp Trường huấn luyện Quân sự Ranger của Mỹ, và ông từng phải chiến đấu 118 ngày liên tục ở Ramadi.

Việc phải đứng trên tuyến đầu chống IS cũng khiến Sư đoàn Vàng phải chịu nhiều tổn thất. Đơn vị mà Fadhil chỉ huy hồi tháng 12/2013 có 240 người. Bây giờ, họ chỉ còn 190 binh sĩ.

Theo ông Fadhil, việc thay thế những người lính này là vô cùng khó khăn bởi "bạn không thể cho ra lò số lượng lớn các tay súng có kỹ năng và nghiệp vụ như vậy".

Theo VNE

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.