'Sự đồng cảm của khán giả là phần thưởng lớn nhất của người nghệ sỹ'

Thanh Nga 27/09/2020 12:20

(Baonghean.vn) - Sân khấu Dân ca xứ Nghệ đã có 60 năm xây dựng và trưởng thành, cũng chừng đó năm nhiều thế hệ diễn viên đã gây dựng được bề dày truyền thống với nhiều tiếng vang và sức ảnh hưởng lớn. Nhân ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với NSND Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ.

P.V: Thưa NSND Hồng Lựu, được biết sân khấu truyền thống Nghệ Tĩnh đã qua 60 năm xây dựng và phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng ánh đèn sân khấu luôn rực rỡ và luôn có một chỗ đứng sang trọng trong lòng khán giả. Vậy, xin chị cho biết những chặng đường đó chúng ta đã xây dựng và phát huy như thế nào để có được thành quả đáng nể ngày hôm nay?

NSND Hồng Lựu bên phải và bạn diễn. Ảnh: FBNV
NSND Hồng Lựu (bên phải) và bạn diễn. Ảnh: FBNV

NSND Hồng Lựu: Sân khấu truyền thống Dân ca Nghệ Tĩnh đi sau những loại hình khác như cải lương, chèo, tuồng rất nhiều năm, nhưng ngay từ những bước đi đầu tiên chúng ta đã xác định được sẽ xây cho nó một cái móng vững chắc để có những bước tiến dài, xứng đáng với nền tảng Dân ca Nghệ Tĩnh trường tồn hàng trăm năm.

Từ những bước chập chững đầu tiên, bao khó khăn, vất vả, nhiều bậc tiền bối đã góp công to lớn trong việc hình thành và phát triển Dân ca xứ Nghệ. Bởi khi đó các làn điệu trong Dân ca xứ Nghệ chưa thể phát triển được thành các lớp kịch, vì thế chúng ta phải vay mượn ở các loại hình khác rất nhiều. Ví dụ như nhạc sỹ Thanh Lưu người đã có công cải biên thành công làn điệu khuyên từ chèo, hay như nhạc sỹ Nguyễn Văn Tứ đã Nghệ hóa thành công làn điệu lập lơ cũng vay mượn từ chèo...

Vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn của tác giả Nguyễn Thế Kỷ được khán gải đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Thanh Nga
Vở kịch hát "Hoa lửa Truông Bồn" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trong ảnh: Một phân cảnh do NSND Hồng Lựu đảm trách. Ảnh: Thanh Nga

Sau khi thể nghiệm thành công và dần hoàn thiện các lớp diễn, những vở diễn đầu tiên ra đời như “Chiếc cày ông Tư”, “Khi ban đội đi vắng” (Nguyễn Trung Phong)... đã nhận được những tình cảm nồng nhiệt của khán giả. Sau này, khi những vở diễn nhỏ ấy có được chỗ đứng trong lòng khán giả, chúng ta đã mạnh dạn cải biên lại “Cô gái sông Lam”, ban đầu từ làn điệu chèo, thành kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, gây được tiếng vang lớn trong giới nhà nghề, cũng như trong lòng công chúng cả nước thời kỳ đó. Vở diễn còn là những thước phim lịch sử xuất sắc được lưu truyền mãi cho đến mai sau cùng tên tuổi nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong.

Một phân cảnh Hoa lửa Truông Bồn. Ảnh: FBNV
Một phân cảnh trong vở kịch hát "Hoa lửa Truông Bồn". Ảnh: FBNV

P.V: Vâng, ngay từ những ngày đầu bước chân vào sân khấu truyền thống, chúng ta đã sớm xây dựng cho mình được chỗ đứng vững chắc trong đời sống cũng như trong giới mộ điệu. Vậy có thể nói, sân khấu truyền thống Dân ca xứ Nghệ được xem là nơi chuyển tải hơi thở cuộc sống cũng là nơi để chúng ta chuyển tải cương lĩnh, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước?

NSND Hồng Lựu: Đúng vậy, có thể gọi sân khấu truyền thống xứ Nghệ được xem như là nơi phản ánh hiện thực một cách sống động, sân khấu hóa những vấn đề nóng trong cuộc sống, qua đó chuyển tải và định hướng những chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Điển hình như từ những năm 1980 – 1990, sau khi chúng ta đã có được một đội quân hùng hậu cả diễn viên lẫn nhà biên kịch, đạo diễn tài năng tâm huyết, chúng ta đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm hay cả về nghệ thuật lẫn nội dung. Mỗi khi công chiếu các tác phẩm như: “Hai ngàn ngày oan trái”, “Lời thề thứ 9” (tác giả Vũ Hải), “Mai Thúc Loan” (tác giả Phan Lương Hào), “Cô gái sông Lam (tác giả Nguyễn Trung Phong)..., khán giả đến xem rần rần, có những người xem đi, xem lại vẫn thổn thức tìm gặp cho được diễn viên, nghệ sỹ biểu diễn để nói lời trầm trồ. Cũng chính những tác phẩm đó đã cho nhà hát rất nhiều giải thưởng lớn, nhiều Huy chương Vàng trong các hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc.

Hồng Lựu trong một phân cảnh của vở diễn Hoa lửa Truông Bồn.
NSND Hồng Lựu trong một phân cảnh của vở diễn "Hoa lửa Truông Bồn". Ảnh: FBNV

Sau những tác phẩm này, đoàn đi đâu cũng được chào đón, mỗi hội diễn chúng ta đều được các đoàn bạn chờ đón để xem, thẩm thấu và chiêm nghiệm. Không chỉ hay về chất liệu nghệ thuật, mỗi vở kịch hát của đoàn ở thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước đều phản chiếu thực tế sinh động, chuyên chở những giá trị định hướng, và thông điệp cuộc sống. Chúng ta không ngại nói thẳng, nói thật, không ngại nói đến tệ nạn chạy chức, chạy quyền, quan liêu, bảo thủ, duy ý chí, níu kéo, kèn cựa lẫn nhau, cũng nói thẳng cả tệ nạn tham nhũng, tham ô thông qua những câu chuyện rất đời nhưng được văn học hóa, và chúng ta đã gây được tiếng vang lớn ở mảng đề tài này.

Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta đã có nhiều vở diễn vô cùng thành công khi nhanh nhạy đón đầu những biến động của thời cuộc, nhưng luôn bám sát cương lĩnh, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi có thể nói rằng sân khấu truyền thống Nghệ Tĩnh là sân khấu cách mạng, nơi nói được ý Đảng, lòng dân. Thời kỳ đó, những vở diễn “Lời thề thứ 9”, “Nỗi đau lòng mẹ”, “Nước mắt đứa con út” , “Quyền được hạnh phúc”, “Tôi và chúng ta” “Giá đời phải trả”... đã gây chấn động trong công chúng cũng như trong giới làm nghề. Đó là những vở diễn nói về thời thế, thân phận của con người trong sự vận chuyển của thế sự, và trên hết là chuyển tải mạnh mẽ việc cương quyết chống lại cái ác, cái xấu dù ở đâu, cương vị và môi trường nào. Có những trường đoạn mà cả rạp hát đều thổn thức, vì diễn viên lột tả quá xuất sắc tính cách, tâm lý của nhân vật. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi, những diễn viên thật sự xúc động khi Dân ca xứ Nghệ chuyển tải thành kịch hát đã thành công rực rỡ.

 Vở diễn Khi Ban đội đi vắng của Nguyễn Trung Phong được đội văn nghệ quần chúng xã Diễn Bình phục dựng lại trong đêm Giao lưu nghệ thuật và nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ảnh: Thanh Nga
Vở diễn "Khi Ban đội đi vắng" của Nguyễn Trung Phong được Đội Văn nghệ quần chúng xã Diễn Bình phục dựng lại trong đêm Giao lưu nghệ thuật và nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ảnh: Thanh Nga

P.V: Nhắc đến cô Nghệ trong vở “Cô gái sông Lam” (tác giả Nguyễn Trung Phong), chúng ta lại như được hồi tưởng lại cái thời kỳ mà diễn viên nhà hát đi đến đâu dân “vây” đến đó, có những buổi bán vé ở Rạp Bến Thủy mà người xem đến chật ních, không còn chỗ để đứng. Với vai diễn này, dù đã có nhiều người thành công trước đó nhưng NSND Hồng Lựu vẫn được đánh giá là một trong những nghệ sỹ hóa thân vào vai cô Nghệ thành công nhất. Xin chị cho biết một vài cảm nhận về vai cô Nghệ và những người phụ nữ mà chị hóa thân trong suốt thời kỳ kịch Dân ca xứ Nghệ được xây dựng và trưởng thành.

Một phân cảnh trong vở diễn Cô gái Sông Lam. Ảnh: Thành Cường
Một phân cảnh trong vở diễn "Cô gái sông Lam" của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ảnh: Thành Cường

NSND Hồng Lựu: Không chỉ vai cô Nghệ mà những người phụ nữ là nhân vật tôi đóng bao giờ cũng được tôi đầu tư rất kỹ lưỡng. Tôi nghiên cứu từ hình ảnh, thân phận đến nội tâm của một nhân vật trữ tình văn học. Thế nên, mỗi vai tôi diễn đều có một chất riêng của người con gái xứ Nghệ, nồng nàn, tha thiết nhưng lại bộc trực và kiên cường. Đặc biệt, nhiều vai diễn tôi còn xin phép đạo diễn cho tôi được tự chuyển thể kịch bản dân ca vai diễn của mình để có được sự tròn trịa về cảm xúc hơn, và thật may rất nhiều đạo diễn chuyển thể đã đồng ý, rồi dần dần tin tưởng. Đó là Mẹ Hoàng Thị Loan trong “Danh nhân lớn lên từ cau hò ví, giặm"; vai bà Nguyễn Thị Minh Khai trong “Sáng mãi niềm tin”. Nhiều vở tôi còn là người trực tiếp chuyển thể toàn bộ kịch bản chứ không chỉ môi vai diễn chính của mình như khi vào vai Nụ trong “Giá đời phải trả”; Xara trong “Người đẹp không tim”, Huyền trong “Vết chân trong bão tố”.

Lại nói về cô Nghệ trong “Cô gái sông Lam”, đây là vai diễn có rất nhiều đất diễn ai được giao vai này đều cảm thấy vô cùng tự hào vinh dự nhưng cũng vô cùng áp lực, vì đòi hỏi diễn viên ca kịch phải hết sức đầu tư về diễn xuất cũng như giọng hát. Bởi diễn viên kịch hát sân khấu khác với diễn viên kịch bình thường, ngoài diễn đạt bằng cử chỉ, hành động, lời nói, họ còn phải có giọng ca rất tốt, vừa diễn đạt được tâm lý của nhân vật, vừa bộc lộ được cái hay, cái đẹp của chất dân ca. Vai cô Nghệ đã cho tôi sự trưởng thành cũng như những vinh quang của thời kỳ kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh thăng hoa.

P.V: Vậy nếu được nêu dấu ấn của chị đối với kịch hát Dân ca xứ Nghệ chị có thể nói điều gì?

NSND Hồng Lựu: Tôi đã đi cùng với chiều dài của kịch hát dân ca từ những ngày đầu, từ cô diễn viên chân ướt, chân ráo, cho đến những kép chính, rồi người chỉ đạo nghệ thuật. Ở cương vị nào tôi cũng cố gắng hết tâm sức để mang đến cho sân khấu Dân ca Nghệ Tĩnh một hơi thở đương đại, hòa nhập mà không hòa tan, đặc sắc và đậm chất Nghệ.

Khi là diễn viên tôi luôn trau dồi nghiên cứu để khi vào vai tôi có thể lột tả tốt nhất hình tượng nhân vật, đồng thời luôn mạnh dạn thể nghiệm mới bằng những hiểu biết và khai phá sao cho kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh luôn được bảo tồn nhưng luôn bắt kịp xu hướng của thời đại.

Đến nhiều năm đảm trách là người chỉ đạo nghệ thuật, tôi luôn cố gắng tìm hiểu để làm giàu thêm cho sân khấu. Bất kỳ đêm diễn nào, dù ở đâu chúng tôi cũng xứng đáng là những diễn viên sân khấu Nghệ Tĩnh tài năng và đam mê. Từ cách chọn đề tài đến chọn ê-kip sản xuất đến việc thay đổi cảnh diễn, không gian diễn xướng, tôi luôn cố gắng để những diễn viên luôn tỏa rạng cái nhiệt, cái tâm và cái tình đối với nghề.

Vở Hừng Đông - Nguyễn Thế Kỷ,  biểu diễn ra mắt khán giả năm 2019 lập tưc thu hút đông đảo khá giả, gây nhiều tiếng vang trong giới nhà nghề. Ảnh: Lương Vân
Vở "Hừng Đông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, biểu diễn ra mắt khán giả năm 2019 lập tức thu hút đông đảo khán giả, gây nhiều tiếng vang trong giới nhà nghề. Ảnh: Lương Vân

P.V: Vậy chị có lo lắng về những chuyển động của thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, khiến khán giả không còn hào hứng với sân khấu truyền thống, nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0 này?

NSND Hồng Lựu: Dù bây giờ chúng tôi không còn được chào đón ở khắp nơi nhưng không có nghĩa là khán giả không còn yêu quý chúng tôi, cũng không phải họ không lui tới sân khấu truyền thống. Ngày nay, dù thị phần khán giả có ít hơn, nhưng ai đến với đêm diễn của chúng tôi đều không khỏi xúc động, ngợi khen. Gần đây khi chúng tôi biểu diễn những tác phẩm như “Hoa lửa Truông Bồn”, “Hừng Đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, vẫn có rất đông khán giả tìm đến. Chúng tôi cũng thấy được những giọt nước mắt đã rơi trên những gương mặt khán giả trẻ, chứng tỏ họ đã đồng cảm với vở diễn, đã yêu sân khấu. Đó chính là phần thưởng, là huy chương lớn nhất cho nghệ sỹ chúng tôi. Và điều này cũng khẳng định sân khấu truyền thống mãi mãi không bao giờ đánh mất hào quang trong lòng công chúng.

P.V: Xin cảm ơn NSND Hồng Lựu về cuộc trò chuyện này!

Theo (Thực hiện)
Copy Link
Mới nhất
x
'Sự đồng cảm của khán giả là phần thưởng lớn nhất của người nghệ sỹ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO