Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Đụng đâu cũng thấy sai phạm

08/09/2015 14:49

Không phải đến bây giờ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi mới được phanh phui mà đã trở thành vấn đề nhức nhối của những năm trước. Câu hỏi đặt ra là, tại sao mức độ vi phạm không những không giảm mà ngày càng tăng và tinh vi hơn? Phải chăng do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh?

Sai phạm hàng loạt

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thông tin ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, đưa ra khiến nhiều người phải giật mình. Nhưng có lẽ đó chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi khi đoàn kiểm tra đặc biệt của Bộ kiểm tra đến đâu là phát giác sai phạm đến đó.

Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với Salbutamol (chất tạo nạc) với hàm lượng cao từ 80 - 1.300 ppb thuộc 7 lô heo. Trong 7 lô heo dương tính với Salbutamol có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An.

Trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, sau khi có thông tin việc sử dụng chất cấm có dấu hiệu bùng phát, Chi cục đã kiểm tra 44 trong số gần 2.000 trang trại trên địa bàn và phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Salbutamol, tập trung tại hai huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Ngoài ra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cũng phải hiện 1 đại lý bán sản phẩm chứa Salbutamol.

Điều đáng lo ngại là, ngay cả trong các lô heo của các doanh nghiệp lớn như ANCO hay CP cũng phát hiện có chất cấm. Lý giải điều này, ông Dũng cho biết, cả hai công ty đều khẳng định không sử dụng chất cấm trong thức ăn và trong chăn nuôi gia súc nhưng chưa kiểm tra, giám sát kỹ các thương lái hay các trang trại gia công. “Mỗi tháng Công ty ANCO xuất ra thị trường khoảng 14.000 con heo, có thể các thương lái mua về tiếp tục sử dụng chất tạo nạc rồi mới bán, bởi công ty có cung cấp cho thương lái phiếu giao hàng với nội dung: số lượng, trọng lượng heo, số seri giấy tiêm phòng, biển số xe chở hàng, thương lái sẽ làm tiếp thủ tục kiểm dịch với Chi cục Thú y Đồng Nai với thời gian sau xuất chuồng khác nhau”, ông Dũng nói.

Kẽ hở từ sự thiếu phối hợp

Cũng theo ông Dũng, hành vi sử dụng chất cấm chủ yếu xảy ra ở những trang trại chăn nuôi nhỏ (quy mô 100 - 200 con heo), chất lượng con giống kém, đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng, nhằm thu lợi bất chính. Ngoài ra, một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 - 30 ngày sẽ tăng trọng thêm 20 - 30kg, heo sẽ có trọng lượng khoảng 130 - 140kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đồng thời quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Một số kiểm dịch viên chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình kiểm dịch heo, không kiểm soát được nguồn heo được kiểm dịch, tạo kẽ hở cho heo sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch.

Một điều bất ngờ là, khi đoàn thanh tra của Bộ làm việc với PC46, Công an tỉnh Đồng Nai, PC 46 cho biết, họ chưa nhận được hồ sơ các trang trại vi phạm do Sở Nông nghiệp và PTNT chuyển tới, chưa nhận được đề xuất của Chi cục Thú y Đồng Nai trong việc phối hợp truy xuất, xử lý với thương lái, chủ trang trại, chưa có động thái điều tra để tìm ra nơi cung cấp chất cấm và chưa làm rõ hành vi đưa chất cấm vào các trang trại để vỗ béo heo. “Sự kết hợp thiếu ăn ý này là một trong những nguyên nhân khiến những vụ vi phạm không giảm, thậm chí có dấu hiệu gia tăng”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi chưa được quan tâm, do đó việc cung cấp thông tin và hợp tác của người dân với cơ quan chức năng còn hạn chế; việc trao đổi thông tin, báo cáo của các đơn vị chức năng dưới địa phương chậm, chưa vào cuộc mạnh mẽ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các công ty, các cơ sở chăn nuôi chưa nhận thức và làm hết trách nhiệm trong việc kiểm soát các trang trại gia công cũng như sản phẩm đưa ra thị trường.

Tăng cường tuyên truyền

Ông Dũng cho biết, để xử lý tiến tới chấm dứt hành vi sử dụng chất cấm, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng, phối hợp với cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xác minh để làm rõ các hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật. Giao Cục Chăn nuôi dự thảo, trình Bộ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, sở dĩ tình trạng sử dụng chất cấm không giảm là do áp lực giá heo cao. Ngoài ra, còn có tình trạng thương lái ép người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm để tỷ lệ thịt nạc cao, đánh vào thị hiếu người tiêu dùng.

Về giải pháp chấm dứt tình trạng này, theo ông Dương, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chân chính phát giác, tố giác những người làm ăn gian dối. Các bộ ngành, đặc biệt là người dân cần phải vào cuộc, tố giác những đối tượng làm ăn phi pháp để người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm có chứa chất cấm. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, chúng tôi đang kiến nghị dùng biện pháp thử nhanh bằng que thử để ai cũng có thể làm được và phát hiện sớm sản phẩm có chứa chất cấm”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, nhiều ý kiến cho rằng, chế tài xử lý chưa đủ răn đe nhưng thực tế không phải. “Một đơn vị vừa bị kiểm tra, phát hiện sai phạm, bị phạt 400 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2 tháng thì phá sản chứ còn gì nữa. Chúng ta phải xử lý hết khung hình phạt, có hình phạt bổ sung, cần hình sự hóa các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Dương nhấn mạnh.

“Chất tạo nạc” là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Các chất này nằm trong nhóm chất có tên khoa học là beta2-agonist, gồm khoảng 30 chất, chúng có tính năng cơ bản là làm giãn cơ trơn phổi, phế quản, điều trị co thắt phế quản, hen suyễn. Ba chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol, trong đó Salbutamol được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000-6.000mg/ngày), nhóm chất này kích thích tuyến thượng thận sản sinh corticoid (làm béo) và làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm cho da bóng mượt. Thực chất, các chất tạo nạc không làm tăng trọng lượng thật, chỉ tạo ra vẻ ngoài cho lợn trông “ngon” hơn. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của Salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những chất gây ung thư.

Theo Kinhtenongthon

Mới nhất
x
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Đụng đâu cũng thấy sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO