Sử dụng xe hơi có động cơ tăng áp thế nào cho đúng?

Ngọc Anh 15/01/2019 13:29

(Baonghean.vn) - Hiện nay, dòng xe hơi có động cơ tăng áp đang trở nên phổ biến. Với số đông người dùng, bên cạnh cảm giác "phê" khi đạp ga, việc sử dụng, bảo dưỡng hệ truyền động mới mẻ này vẫn là điều lạ lẫm. Trong khi đó, đôi khi những quan niệm truyền thống nếu được áp dụng một cách máy móc sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc đối với những xe sử dụng động cơ tăng áp.

1. Để xe nổ máy một thời gian ngắn trước khi di chuyển

Đây là thủ thuật khá hữu ích cho các dòng xe với máy tăng áp thế hệ mới. Khi nổ máy chờ một thời gian ngắn giúp cho việc đảm bảo nước làm mát, dầu bôi trơn hệ thống tăng áp được bơm lên đủ, đạt độ tiêu chuẩn để vận hành. Điều này rất quan trọng, nhất là với các dòng xe sử dụng bộ tăng áp kích thước nhỏ, nhưng tốc độ quay cao.

Thời gian nổ từ 3 - 5 phút là tối ưu nhất; nhiệt độ để dầu lưu chuyển và bôi trơn các thành phần máy thường là từ 80 - 95 độ C, nên trong những ngày thời tiết quá lạnh thời gian chờ có thể dài hơn.

2. Đợi động cơ về trạng thái rỗi trước khi tắt máy

Trên một số mẫu xe cao cấp, nhà sản xuất thường thiết kế hệ thống bơm dầu vận hành thêm một thời gian ngắn kể cả sau đã tắt máy, nhằm đảm bảo làm mát các hệ thống nhạy cảm với nhiệt độ của động cơ xuống mức an toàn... Tuy nhiên, không phải chiếc ô tô với hệ thống tăng áp nào cũng được ưu ái đến vậy.

Vì vậy, nên đảm bảo xe về trạng thái vận hành rỗi trước khi vặn chìa khóa tắt máy - điều này rất quan trọng nếu xe vừa qua hành trình dài, hoặc chạy ở tốc độ cao. Nhờ thế, hộp số và nhiều thành phần truyền động khác trong xe không bị "sốc" do dừng quá đột ngột.

3. Lưu ý thay lọc xăng sau mỗi 15.000km

Với dòng xe sử dụng động cơ tăng áp, thay lọc xăng đúng thời điểm là cực kỳ quan trọng. Bởi động cơ tăng áp khá nhạy cảm với tỉ lệ pha xăng và khí khi nổ.

Khi lọc xăng bị bẩn sẽ khiến hai thành phần này bị thay đổi, dẫn đến hệ thống tăng áp dễ bị hỏng hóc. Ngoài ra, tua bin tăng áp vận hành nhờ khí thải động cơ, khi dính bụi bẩn qua tuyến lọc khiến "tuổi thọ" của hệ thống tăng áp giảm đi. Chú ý, khi thay lọc xăng hãy tìm đúng chủng loại chỉ định của nhà sản xuất.

4. Không sử dụng xăng chỉ số octane thấp hơn khuyến cáo nhà sản xuất

Nếu dùng xăng có chỉ số không theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì sẽ dẫn đến hiện tượng sai lệch thời điểm kích nổ nhiên liệu. Khi đó, sẽ xảy ra trục trặc trong quá trình xe vận hành, nhất là với những xe sản xuất cách đây 5 - 7 năm.

Sai lệch chỉ số này không ảnh hưởng đến tuổi thọ của bộ phận tăng áp nhưng lại có tác động xấu đến động cơ, nhất là hiện tượng động cơ kêu to do bị kích nổ nhiên liệu sai thời điểm xảy ra liên tục.

6. Bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp tăng áp sau mỗi 160.000km

Bảo dưỡng hệ thống làm mát, thay nước làm mát là vấn đề cần làm thường xuyên với dòng xe có động cơ tăng áp. Song song với đó người dùng cũng nên lưu ý bảo dưỡng cả hệ thống làm mát khí nạp của bộ phận này.

Tuy nhiên, việc bảo dưỡng bộ phận này khá khó khăn, người chủ xe khó có thể tự làm mà cần đến trợ giúp của thợ sửa chữa lành nghề để tháo toàn bộ hệ thống khí nạp tăng áp. Sau đó phải làm sạch dầu mỡ, kiểm tra các dấu hiệu bất thường… nhằm đảm bảo mọi chức năng đều vận hành tốt.

7. Kiểm tra định kì hệ thống đường dẫn khí cao áp

Đây là bộ phận thường bị bỏ quên khi bảo dưỡng động cơ tăng áp. Tuy nhiên, chỉ cần một lỗi nhỏ trên hệ thống này là đã dẫn đến suy giảm áp suất tăng áp. Lúc này, tua bin tăng áp cần vận hành tốc độ cao hơn để bù áp suất đã mất làm cho tuổi thọ của hệ thống bị giảm đi nghiêm trọng. Bởi vậy, hãy thường xuyên kiểm tra định kỳ hệ thống đường dẫn khí cao áp, tránh hỏng hóc đáng tiếc có thể xảy ra.

8. Không di chuyển quá chậm ở cấp số cao

Với động cơ tăng áp được trang bị lẫy chuyển số vô lăng (hoặc các cơ chế chuyển số bằng tay), việc di chuyển quá chậm ở cấp số cao khiến thành phần của hệ truyền động phải chịu áp lực rất lớn, gây giảm "tuổi thọ" của xe xe... Nếu không chắc về việc sử dụng các cấp số sao cho phù hợp, hãy để chiếc xe tự quyết định.

Xe số sàn có hệ thống tăng áp nên tận dụng tối đa khả năng của hộp số; hãy chọn số phù hợp để có đủ lực kéo cần thiết khi lên dốc hay xuống dốc thay vì cố đạp ga ở số cao, khiến bộ phận tăng áp phải làm việc ở cường độ lớn một cách không cần thiết.

9. Không nhấn lút chân ga, nhất là khi thoát góc cua

Một trong những sai lầm của người cầm lái xe động cơ tăng áp là cố gắng đạp lút ga khi cảm thấy xe không đủ lực kéo do hiện tượng trễ tăng áp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xe sẽ vọt lên ngoài tầm kiểm soát, khi hệ thống tăng áp bất ngờ được kích hoạt cung cấp cho chiếc xe động lực cực lớn.

Đặc biệt rất nguy hiểm khi xe đang thoát góc cua, hoặc trong các tình huống xoay xở ở nơi đông người. Không ít những tình huống "xe điên" đã xảy ra chỉ vì tài xế "non" kinh nghiệm cố đạp lút ga khi giai đoạn trễ tăng áp đang xảy ra.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Mới nhất
x
Sử dụng xe hơi có động cơ tăng áp thế nào cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO