Sự học ở Tri Lễ
(Baonghean.vn) - Tri Lễ từng là vùng đất "4 không", nơi có những bản làng người Mông dọc biên giới, khó khăn đủ bề. Sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, ngành Giáo dục và lực lượng chức năng trên địa bàn đã từng bước đưa xã biên giới này đổi thay. Nhận thức của người dân về sự học được nâng lên.
Nỗ lực đem con chữ tới bản xa
Từ Trung tâm xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để vào bản Mông Mường Lống, chúng tôi phải vượt qua con đường độc đạo gần 30km, phần lớn bám quanh sườn núi hiểm trở, trơn trượt, quanh co.
Đường vào bản Mông Mường Lống xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đình Tuyên |
Nhà của Trưởng bản Và Bá Mài nằm ngay đầu bản, cạnh điểm trường mầm non, thấy khách ghé thăm, con trai út của trưởng bản là Và Bá Mạnh, học lớp 2 đang say sưa bên bàn cờ Vua bẽn lẽn đứng dậy chào. “Cháu biết chơi cờ Vua à? – “Các chú Biên phòng trên trạm (Trạm Quân dân Y Mường Lống -PV) dạy cháu chơi”. Nói rồi, cậu bé dẫn chúng tôi vào chái bếp nhỏ nơi bố mẹ đang chuẩn bị nấu bữa tối.
“Hôm nay, nhà Trưởng bản nấu cơm sớm thế?” - “Nấu sớm hơn một chút để tối ta còn đi học lớp xoá mù của Bộ đội Biên phòng. Không học cái chữ thì không thi được bằng lái xe máy”, chị Xồng Y Đà (vợ Trưởng bản) đáp lời chúng tôi bằng tiếng phổ thông.
Trưởng bản Mường Lống Và Bá Mài (thứ ba trong cùng bên trái) trò chuyện với phóng viên và lực lượng chức năng. Ảnh: Đình Tuyên |
Trong câu chuyện bên bếp lửa bập bùng như xua tan cái lạnh buốt giá nơi bản làng cheo leo trên sườn núi, Trưởng bản Và Bá Mài cho biết: Bản có 135 hộ dân với 815 nhân khẩu là đồng bào Mông, trong hộ nghèo chiếm 73,3%. Đời sống của đa số người dân còn khó khăn, tồn tại nhiều tập quán lạc hậu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là, mấy năm gần đây, sự học của con em đã được dân bản quan tâm chăm lo hơn trước.
Toàn bản hiện có 27 cháu mầm non, 109 cháu học sinh tiểu học, 47 cháu học cấp 2, 27 cháu học cấp 3 và 5 cháu đang học đại học. Trong đó, gia đình cán bộ thôn, bản luôn nêu gương về sự học cho dân bản noi theo. Điển hình như nhà Bí thư Chi bộ Thò Thông Lỳ có 2 con là Thò Bá Trình, Thò Bá Zìa đều học đại học. Trưởng bản Và Bá Mài có 3 con đều đang đi học...
Nếu như trước đây, người dân bản Mường Lống quan niệm chỉ con trai mới đến trường học chữ, thì hiện tại đã có gia đình đầu tư cho con gái học lên đại học như em Xồng Ý Hoa, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Vinh. Nhiều phụ nữ trong bản Mường Lống chưa biết đọc, biết viết, biết tính toán nay cũng quyết tâm theo học các lớp xoá mù chữ do Đồn Biên phòng Tri Lễ mở. “Lớp xoá mù chữ có nhiều chị em đăng ký theo học lắm, vợ ta cũng ngày lên nương lên rẫy, tối vẫn đến lớp đều, không tin, tối nay mời các cô đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4 thăm lớp nhé”.
Phụ nữ Mông ở bản Mường Lống bất chấp thời tiết giá rét tới trường học chữ. Ảnh: Đình Tuyên |
Y hẹn, chập tối chúng tôi có mặt ở Trường Tiểu học Tri lễ 4, bất chấp thời tiết giá rét, mới hơn 7h tối đã thấy tiếng các em, các chị tay mang sách vở, tay cầm đèn pin rủ nhau tới lớp.
Đồng chí Lê Hội Viên - Đồn phó Đồn Biên phòng Tri Lễ cho hay: Lớp có 50 học viên đều là phụ nữ Mông thuộc bản Mường Lống. Theo chương trình, khóa học kéo dài 6 tháng, do 4 giáo viên gồm 2 cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ là Thượng úy Xồng Bá Rống và Trung úy Xồng Bá Khư thuộc Đội Vận động quần chúng và 2 tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 là Lỳ Bá Tu và Lỳ Bá Xành tốt nghiệp Trường Đại học Vinh đứng lớp. Cả 4 thầy giáo đều là người dân tộc Mông, am hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào nên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.
Lớp học xoá mù do Đồn Biên phòng Tri Lễ tổ chức ở bản Mường Lống. Ảnh: Đình Tuyên - Khánh Ly |
Đây không phải là lần đầu tiên Đồn Biên phòng Tri lễ mở lớp xoá mù hay chống tái mù chữ cho phụ nữ Mông ở các bản vùng cao. Trước đây, chúng tôi đã từng tới thăm các lớp học xoá mù của những thầy giáo quân hàm xanh mở vào buổi tối tại các bản Huồi Mới, Phả Khốm.
Thấy rằng, nhiều phụ nữ Mông tuy có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng thu xếp việc nhà, ngày lên nương lên rẫy, tối quyết tâm tới lớp để học cái chữ. Các chị đi học đúng giờ và rất chăm chỉ, nhiều chị không nghỉ buổi nào, những bàn tay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao cặm cụi trên nương rẫy kiên nhẫn cầm bút viết từng nét chữ. Việc biết chữ phổ thông giúp các chị tự tin hơn trong giao tiếp và hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động xã hội.
Các tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 hướng dẫn phụ nữ Mông viết chữ. Ảnh: Đình Tuyên |
Chị Lỳ Y Xai, bản Huồi Mới - một học viên đã được cấp chứng chỉ cho hay: “Bây giờ cuộc sống đổi mới rồi, phụ nữ Mông chúng tôi muốn học chữ để tiến bộ hơn và cũng để làm gương cho con cái học hành”. Theo chương trình, các khóa học thường kéo dài từ 3-6 tháng, chương trình học gồm hai môn là Toán (105 tiết) và Tiếng Việt (204 tiết), nhằm giúp chị em biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản.
Mừng hơn cả là cũng nhờ được đi học, nhờ biết cái chữ, nhiều phụ nữ Mông đã mạnh dạn vươn lên, tích cực tham gia hoạt động xã hội và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng như chị Lầu Y Lý ở bản Na Niếng, chị Lý Y Chù, Vừ Y Lầu ở bản Huồi Mới. Có chị còn được bầu làm đại biểu HĐND huyện như cô giáo Lầu Y Pay ở điểm trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ…
Đồng bào Mông ở xã Tri Lễ đã quan tâm nhiều hơn đến sự học của con em. Ảnh tư liệu: Thành Cường |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Là địa bàn có 98% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm khoảng 36%, tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn xã có 16 bản trong đó 5 bản Mông. Lãnh đạo địa phương cho hay, trước đây học sinh cứ học hết cấp 1,cấp 2 là nghỉ học, tập trung ở các em nữ người Mông tầm 13-14 tuổi, tỷ lệ học sinh học lên cấp 3 thấp, chưa đạt 30%.
Sau mỗi đợt nghỉ hè hoặc nghỉ tết, cấp uỷ chính quyền, các thầy cô giáo và BĐBP lại phải lặn lội vào các bản xa để tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Ý thức được trình độ dân trí hạn chế là “lực cản” đối với kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, không chỉ quan tâm công tác xóa mù cho phụ nữ mà cùng với sự giúp đỡ của huyện và các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền xã Tri Lễ dành nhiều sự quan tâm cho sự học của con em trên địa bàn.
Đồng bào Mông ở xã Tri Lễ chuẩn bị đưa con đến trường. Ảnh tư liệu Thành Cường |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ phổ cập tiểu học và THCS đạt 85-90%, Trường Mầm non và Trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Trên cơ sở đó, UBND xã đã ban hành đề án và được các trường trên địa bàn cụ thể hóa bằng chiến lược phát triển giáo dục của các nhà trường, tập trung huy động tổng thể mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh cấp 3 lên trên 50%.
Bí thư Đảng uỷ xã Tri Lễ Vi Văn Du cho biết: Hiện tại, trên địa bàn có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học (Tri Lễ 1,2,4) và Trường THCS bán trú Tri Lễ cùng một vài điểm lẻ. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục hiện tại tỷ lệ học sinh cấp 3 đã đạt trên 50%, phổ cập THCS đạt trên 98%. Hiện tượng học sinh bỏ học giảm dần, năm ngoái học sinh bỏ học trên 20 em, năm nay có 10 em, trong đó có 4 em nữ người Mông nghỉ học lấy chồng.
Sự học của con em đồng bào Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong được cấp uỷ, chính quyền, ngành Giáo dục và lực lượng chức năng trên địa bàn quan tâm. Ảnh: Đình Tuyên |
Ông Xồng Bá Cha - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cũng cho hay: Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được hoàn thiện. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong công tác vận động học sinh đến trường ở các bậc học mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong năm 2022, trường mầm non đã trở thành đơn vị văn hoá và đạt chuẩn quốc gia. Các trường học đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp được 456 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp các công trình phục vụ cho dạy và học, vận động thu hút đầu tư được 22,7 tỷ đồng.
Trường Tiểu học Tri Lễ 2 được xây dựng khang trang. Ảnh: Đình Tuyên |
Điển hình như trong năm, Trường Tiểu học Tri Lễ 2 đã được Tập đoàn TECCO hỗ trợ 19 phòng ở bán trú cho học sinh, 6 phòng học văn hoá, 1 phòng thư viện và 1 dãy nhà ăn trên diện tích rộng hơn 2.000m2. Công trình có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 16,5 tỷ đồng.
“Có trường mới khang trang, sạch, đẹp và đảm bảo chất lượng là niềm hạnh phúc và là động lực vượt khó của nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây. Sau khi trường được đầu tư mới đã tạo điều kiện đưa 135 em học sinh người dân tộc Mông, Thái và Khơ mú được hưởng chế độ bán trú thuộc khối 3, 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính” - ông Xồng Bá Cha cho hay.
Cô giáo Lầu Y Pay cùng các trò tại điểm Trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ. Ảnh: Kha Tím |
Đối với địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như Tri Lễ, để có những chuyển biến tích cực trong giáo dục, nhất là nâng cao nhận thức của bà con về sự học của con em, phải ghi nhận nỗ lực của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cắm ở các điểm trường nơi bản xa.
Họ đã nỗ lực vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, của những cung đường đến trường gian nan, cũng như phong tục tập quán còn lạc hậu của người dân để gieo con chữ cho trẻ em vùng cao. Điển hình như tấm gương vượt khó, yêu nghề, mến trẻ của cô giáo người Mông Lầu Y Pay ở điểm trường Mầm non Huồi Mới - bản sát biên giới Việt - Lào với hơn 140 hộ /824 nhân khẩu. Nơi đây có 5 lớp học, trong đó có 1 lớp mầm non và mẫu giáo với 35 học sinh.
Là người Mông, hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, cô giáo Y Pay thường tranh thủ những lúc không lên lớp đến từng nhà trò chuyện để người dân biết cái hay của sự học và hạn chế của việc không biết chữ. 11 năm là giáo viên cắm bản, đầu tuần đến lớp, cuối tuần trở về nhà trên cung đường khó khăn, gập ghềnh, mùa mưa trơn trượt, ngã lên ngã xuống không biết bao nhiều lần nhưng cô giáo Y Pay vẫn tâm huyết với nghề. Nhiều năm liền Y Pay là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cô còn được huyện Quế Phong tặng Giấy khen tuyên dương giáo viên cắm bản tiêu biểu. Hay câu chuyện truyền cảm hứng của các thầy giáo cõng chữ đến với các em nhỏ người Mông tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ngôi trường được thành lập hơn 40 năm, ngoài điểm chính với 5 lớp, 109 học sinh đóng tại bản Mường Lống còn có 3 điểm lẻ cắm tại các bản Huồi Xái, Nậm Tột, Huồi Mới. Điểm nào đường sá đi lại cũng cực kỳ gian nan, vất vả.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Đình Tuyên |
Thầy giáo Xồng Bá Thành - người đã có 23 năm dạy ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết: Trường có 31 giáo viên, trong đó có 5 người ở xuôi lên, nhưng điều đặc biệt là 100% giáo viên đều là nam giới nên mọi người hay gọi đùa là “trường không cô”.
Bởi các điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, đường sá đi lại hiểm trở. Vào mùa mưa để vào được trường có khi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ, giáo viên phải chia từng tốp hỗ trợ nhau vượt qua các con dốc cao trơn trượt, ngập trong bùn đất, sạt lở…
Đường vào Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Ảnh: Đình Tuyên |
Khó khăn, gian nan là vậy nhưng theo chia sẻ của những người “cõng chữ lên non” động lực giúp các giáo viên cắm bản như họ vượt khó, bám trường chính là sự tiến bộ từng ngày của học sinh, là niềm vui được góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao.
Thầy giáo Xồng Bá Thành - người đã có 23 năm dạy ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vui mừng trước sự tiến bộ từng ngày của con em đồng bào Mông. Ảnh: Đình Tuyên - Khánh Ly |
“Trước đây sau nghỉ Tết, nhà trường thường phải phối hợp với các ban, ngành vận động các em đến trường, nhưng từ 2-3 năm nay, rất vui là đúng lịch, học sinh tự giác rủ nhau đến trường dù bà con dân bản vẫn đang chơi Xuân…”, thầy Xồng Bá Thành cho hay.