Sự kiện “nóng” của thế giới 24h qua

Thái Bình 26/02/2018 06:33

(Baonghean.vn) - Tổng thống Hàn Quốc gặp đoàn đại biểu Triều Tiên tại PyeongChang; Bầu cử Thượng viện Campuchia: Đảng CPP giành thắng lợi tuyệt đối; Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với Chủ tịch;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Tổng thống Hàn Quốc gặp đoàn đại biểu Triều Tiên tại PyeongChang

Phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc dự bế mạc Olympic.

Chiều 25/2 đã có cuộc gặp với đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018. Cuộc gặp này diễn ra chỉ vài giờ sau khi phái đoàn gồm 8 người này đi qua biên giới liên Triều. Đây là cuộc gặp thứ 2 của ông Moon với các quan chức Triều Tiên chỉ trong 2 tuần vừa qua.

Trước đó, ông Moon đã có cuộc gặp tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Seoul ngày 10/2 với một phái đoàn cấp cao khác của Triều Tiên do ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao, làm trưởng đoàn.

Cuộc gặp ngày 25/2 là một bất ngờ, do phái đoàn Triều Tiên lần này có vị trưởng đoàn là ông Kim Yong-chol, một vị tướng bị cho là chủ mưu của vụ việc xảy ra tháng 3/2010 mà Hàn Quốc cáo buộc là Triều Tiên đã phóng ngư lôi đánh chìm chiếc tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

2. Bầu cử Thượng viện Campuchia: Đảng CPP giành thắng lợi tuyệt đối

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen thắng tuyệt đối. (Nguồn: EPA)
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen thắng tuyệt đối. (Nguồn: EPA)

Chiều tối 25/2, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia đã công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV vừa được tiến hành từ 7-15 giờ cùng ngày.

Theo đó, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã thắng tuyệt đối, giành được toàn bộ 58 ghế được bầu.

Thượng viện Campuchia có nhiệm kỳ 6 năm. Là cơ quan lập pháp có quyền quyết định đối với các văn bản pháp luật của Quốc hội trước khi trình Quốc vương ký thông qua./.

3. Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với Chủ tịch

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.

Ủy ban đề xuất bỏ điều khoản "không phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" khỏi hiến pháp, Xinhua ngày 25/2 đưa tin. Trung Quốc hiện giới hạn người giữ chức chủ tịch và phó chủ tịch trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ dài 5 năm. Động thái có thể mở đường cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức sau năm 2023.

Ủy ban cũng đề xuất đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về Xã hội chủ nghĩa Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới" vào hiến pháp. Cải cách hiến pháp cần được quốc hội thông qua. Các đề xuất trên sẽ được đệ trình trong kỳ họp quốc hội thường niên, khai mạc ngày 5/3.

4. Triều Tiên lên án các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Triều Tiên ngày 25/2 đã lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cáo buộc Mỹ đang cố gắng làm xói mòn việc cải thiện quan hệ liên Triều.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, hai miền Triều Tiên đã hợp tác cùng nhau và Thế vận hội mùa đông PyongChang 2018 đã diễn ra thành công.

Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Chính phủ Mỹ đã làm xói mòn việc cải thiện quan hệ liên Triều bằng việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trước khi diễn ra lễ bế mạc Thế vận hội. Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ được coi là một hành động chiến tranh.

5. Tướng Iran tuyên bố sẽ cùng Syria dồn sức tấn công ở ngoại ô Damascus

Khói bốc lên từ khu vực Arbin, ngoại ô Damascus, Syria ngày 8/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ khu vực Arbin, ngoại ô Damascus, Syria ngày 8/1. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 25/2, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Baqeri cho hay nước này và Syria sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Damascus do "những kẻ khủng bố" kiểm soát.

Tuy nhiên, hai bên vẫn tôn trọng nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu một lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trên khắp Syria để cho phép hoạt động vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế.

6. Lãnh đạo Mexico hủy thăm Mỹ sau điện đàm nảy lửa với ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Ảnh: CNN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Ảnh: CNN.

Tổng thống Enrique Pena Nieto đang lên kế hoạch cho chuyến thăm vào tháng này hoặc đầu tháng ba, nhưng chuyến thăm bị hoãn sau cuộc điện đàm hôm 20/2, một quan chức Nhà Trắng hôm 24/2 xác nhận với CNN. Điện đàm được cho là kéo dài 50 phút.

Theo Washington Post, báo đầu tiên đưa tin về việc hủy thăm, quan chức hai nước cho biết ông Pena Nieto "hủy kế hoạch sau khi ông Trump không đồng ý công nhận lập trường của Mexico rằng nước này sẽ không trả tiền xây tường biên giới".

7.Afghanistan mở chiến dịch tấn công đồng loạt Taliban ở hai tỉnh

Lực lượng quân đội Afghanistan. Nguồn: cnn.com
Lực lượng quân đội Afghanistan. Nguồn: cnn.com

Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 25/2 cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt 19 phiến quân Taliban và làm 17 đối tượng bị thương trong các cuộc tấn công nhằm vào thành trì của Taliban tại tỉnh miền Bắc Baghlan và tỉnh miền Tây Farah.

Theo người phát ngôn quân đội Afghanistan tại miền Bắc, Thiếu tá Mohammad Hamid Rezai, ít nhất 9 tay súng Taliban bị tiêu diệt và 3 đối tượng bị thương trong chiến dịch tấn công phối hợp được tiến hành tại huyện Tala-o-Barfak, tỉnh Baghlan. Ông Rezai khẳng định chiến dịch trên sẽ được duy trì cho đến khi khu vực này không còn phiến quân.

7. Thủ tướng Đức Merkel sẽ bổ nhiệm một loạt Bộ trưởng trẻ

Chính trị gia 37 tuổi Jens Spahn được bà Merkel dự định bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng y tế. Ảnh: Getty
Chính trị gia 37 tuổi Jens Spahn được bà Merkel dự định bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng y tế. Ảnh: Getty

Trong thông báo đưa ra trước báo giới Đức tối Chủ nhật 25/2, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố tên của một loạt nhân vật dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng trong chính phủ mới của Đức.

Đáng chú ý nhất trong số này là chính trị gia 37 tuổi Jens Spahn. Đây là nhân vật được coi là đứng đầu phe đối lập với bà Merkel trong nội bộ đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) và luôn yêu cầu đảng CDU phải thay đổi đường lối, thậm chí là thế hệ lãnh đạo.

8. Putin điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, bàn về khủng hoảng Syria

Từ trái qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.
Từ trái qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga tập trung trao đổi với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức về tình hình ở Đông Ghouta, Syria, trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 25/2.

"Các bên thảo luận những vấn đề Syria liên quan đến diễn biến gần đây ở Đông Ghouta và việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực này cùng một số khu vực khác", Tass dẫn thông báo từ văn phòng báo chí Điện Kremlin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Sự kiện “nóng” của thế giới 24h qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO