Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

15/01/2017 12:17

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn văn từ biệt Nhà Trắng đầy xúc động; Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu phát biểu trước Hội đồng Bảo an; Mưa lũ bất thường ở Thái Lan khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng;...là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

1. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu chia tay Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:Reuters.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:Reuters.

Sáng 11/1, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu thôi nhiệm ở thành phố Chicago, quê hương ông.

Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống, ông Obama đã một lần nữa nhấn mạnh thông điệp “thay đổi” trong suốt chiến dịch tranh cử của ông 8 năm về trước, đồng thời đề cao vai trò của người dân trong việc định hình nước Mỹ.

“Chính các bạn là sự thay đổi. Nhờ có các bạn, nước Mỹ đã tốt đẹp hơn và vững mạnh hơn so với thời điểm tôi bắt đầu công việc”.

Ông Obama đã điểm lại những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, bao gồm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng tỷ lệ người dân được hưởng bảo hiểm y tế, đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden...

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa từ trong nước lẫn nước ngoài: “Bất bình đẳng gia tăng, những thay đổi về nhân khẩu học và bóng ma của chủ nghĩa khủng bố không chỉ đặt ra thách thức về an ninh và sự thịnh vượng mà còn là mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta”.

2. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu phát biểu trước HĐBA

Tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
Tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Ngày 10/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có bài phát biểu đầu tiên trước Hội đồng Bảo an kể từ khi nhậm chức.

Ông Guterres chính thức tiếp quản nhiệm vụ từ ông Ban Ki-moon hôm 1/1 vừa qua với cam kết tăng cường sức mạnh của Liên Hợp quốc, thúc đẩy những nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu - từ vấn đề Syria đến Nam Sudan.

Vị cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đang phải đối mặt với một Hội đồng Bảo an bị chia rẽ sâu sắc, không thể có hành động mang tính quyết định giúp chấm dứt cuộc chiến tại Syria – hiện đã bước sang năm thứ 6.

"Khiếm khuyết lớn nhất của cộng đồng quốc tế hiện nay là sự thất bại trong việc ngăn chặn xung đột và duy trì an ninh toàn cầu", ông Guterres viết trong một bài báo được đăng tải trên tạp chí Mỹ Newsweek hôm 9/1.

"Những nơi có chiến tranh hoành hành, chúng ta cần có sự hòa giải, trọng tài và ngoại giao sáng tạo được tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng ủng hộ", ông nói thêm.

3. Mỹ dừng chính sách 'chân ướt, chân ráo' với người Cuba

Tổng thống Obama đến thăm Cuba tháng 3-2016. Ảnh: WIKIMEDIA
Tổng thống Obama thăm Cuba tháng 3/2016. Ảnh: WIKIMEDIA

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama quyết định chấm dứt chính sách cho phép người dân Cuba đã tới Mỹ mà không có thị thực vẫn được phép ở lại và cư trú.

Chính sách "chân ướt, chân ráo" được Tổng thống Bill Clinton ban hành vào năm 1995. Chính phủ Cuba không ủng hộ chính sách này, nói rằng nó khiến nước này bị “chảy máu chất xám” và khuyến khích những người di cư có những chuyến đi liều mạng.

Sự thay đổi trong chính sách này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ và có khả năng sẽ là thay đổi lớn cuối cùng của ông, cũng như là dấu ấn cuối cùng của ông trong việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Cuba.

Theo thống kê, trong năm tài khóa 2016, kết thúc vào tháng 9 năm ngoái, 41.500 người Cuba – mức cao nhất trong vòng 5 năm – đã đến Mỹ qua biên giới phía bắc. 7.000 người Cuba khác cũng đã đến Mỹ trong tháng 10 và 11 năm ngoái.

4. Ông Trump bổ nhiệm con rể làm cố vấn cao cấp Nhà Trắng

Vợ chồng Jared Kushner và Ivanka Trump (trái) đóng vai trò cực kỳ tích cực trên chính trường suốt chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Cả 3 người này đều thông thạo thương trường và chưa từng có kinh nghiệm chính trường
Vợ chồng Jared Kushner và Ivanka Trump (trái) đóng vai trò cực kỳ tích cực trên chính trường suốt chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Cả 3 người này đều thông thạo thương trường và chưa từng có kinh nghiệm chính trường

Sát tới ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã chính thức công bố việc bổ nhiệm con rể Jared Kushner - chồng của trưởng nữ Ivanka - vào chức vụ cố vấn cao cấp Nhà Trắng, phụ trách cả chính sách đối ngoại lẫn đối nội.

Con rể Kushner, 35 tuổi là một cố vấn cực kỳ tích cực, đóng vai trò then chốt trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump thời gian qua. Vai trò này tiếp tục duy trì trong quá trình chuẩn bị chính quyền chuyển tiếp của ông Trump. Ông Kushner cũng đã ngồi bên cạnh ông Trump trong nhiều cuộc phỏng vấn chính trị và có mặt trong các buổi tiếp lãnh đạo nước ngoài của ông Trump.

Suốt thời gian dài qua đã râm ran tin đồn ông Trump muốn đưa con rể Kushner và cả con gái tài ba nhất của mình là Ivanka vào Nhà Trắng. Vi phạm luật chống gia đình trị cũng là những tranh cãi ầm ĩ trong thời gian qua trước khả năng này.

Tuy nhiên, ông Trump đã chứng tỏ rõ mình thuộc típ người không dễ gì chùn bước một khi đã muốn. Hãng truyền thông BBC dẫn tuyên bố của ông hôm 9/1 vừa qua: “Jared là tài sản vô cùng quý giá và là một cố vấn rất đáng tin cậy trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như giai đoạn chuyển tiếp chính quyền. Tôi tự hào có cậu ấy giữ vai trò lãnh đạo then chốt trong chính quyền của tôi”.

5. Trung Quốc bắt giữ 720 người gây ô nhiễm môi trường

Toàn cảnh các tòa nhà ở quận Puxi nhìn từ Jin Mao Tower trong thời tiết sương mù ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS / Aly Song
Toàn cảnh các tòa nhà ở quận Puxi nhìn từ Jin Mao Tower trong thời tiết sương mù ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS.
Theo Reuters, Trung Quốc đang trong năm thứ 3 tiến hành “cuộc chiến chống ô nhiễm” nhằm ngăn chặn và hạn chế những tác động đối với không khí, đất và nước sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế một cách chóng mặt. Chỉ mới tuần trước, Bắc Kinh đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc nhiều người phải ở trong nhà.

Tân Hoa xã cho biết, trong năm 2016, 720 người đã bị bắt giữ vì làm tổn hại môi trường. Năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã từ chối 11 dự án trị giá 97 tỷ nhân dân tệ vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời cũng đã phạt 13.127 trường hợp vi phạm môi trường, với tổng hình phạt 21,8 triệu USD.

Ngoài ra, hàng trăm chuyến bay và đường cao tốc đóng trên khắp miền bắc Trung Quốc bị hủy trong kỳ nghỉ năm mới vì nồng độ trung bình của các hạt PM2.5 tăng vọt trên 500 microgram mỗi mét khối ở Bắc Kinh và các khu vực xung quanh.

6. Mưa lũ bất thường ở Thái Lan, 30 người thiệt mạng

Số người thiệt mạng trong các trận lũ lụt tồi tệ vừa qua ở miền Nam Thái Lan đã lên tới 30 người và ảnh hưởng đến khoảng 370.000 hộ gia đình.
Số người thiệt mạng trong các trận lũ lụt tồi tệ vừa qua ở miền Nam Thái Lan đã lên tới 30 người và ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 370.000 hộ gia đình.

Mưa lớn hoành hành ở các tỉnh miền Nam Thái Lan hơn 1 tuần qua đã khiến 12 tỉnh miền Nam nước này ngập chìm trong nước do trận lũ được cho là nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua.

Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết mưa lũ kéo dài đã tác động tới đời sống sinh hoạt của hơn 700.000 người và làm tê liệt hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt.

Hiện tượng thời tiết bất thường này đã làm ảnh hưởng lớn đến mùa cao điểm của du lịch, ngành kinh tế chủ chốt của Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, hơn 1.600 km2 trồng cao su tại khu vực phía nam nước này đã bị ngập lụt, gây thiệt hại trị giá 400 triệu Baht, tương đương khoảng 11 triệu USD.

7. Châu Âu chật vật chống chọi với đợt giá lạnh kỷ lục

Con tàu mắc kẹt trên dòng sông Danube đã đóng băng tại Belgrade, Serbia. (Ảnh: EPA)
Con tàu mắc kẹt trên dòng sông Danube đã đóng băng tại Belgrade, Serbia. Ảnh: EPA.

Đợt giá rét kỷ lục đã làm tê liệt nhiều khu vực tại châu Âu, trong đó người tị nạn, người vô gia cư, người già và trẻ em là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ít nhất 61 người đã thiệt mạng, 1/3 trong số đó là người Ba Lan, khi nhiệt độ không khí tiếp tục giảm mạnh và duy trì ở mức dưới 0oC tại nhiều khu vực.

Chính quyền Serbia đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền lưu thông trên sông Sava do những ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết - khiến 2 người thiệt mạng tại miền nam nước này.

Cảnh sát Rumania đã phong tỏa hơn 900km sông Danube đoạn chảy qua nước này. Croatia và Serbia cũng tạm ngừng mọi hoạt động trên sông Danube. Chính quyền tại các địa phương đã khuyến cáo người vô gia cư cần tới các khu trại và trường học địa phương để tránh rét.

Thành phố Saranda tại miền nam Albania lần đầu tiên có tuyết rơi trong suốt 32 năm qua. Tại thị trấn trung tâm Bulqizw, nhiệt độ giảm xuống -22oC và hầu hết các khu vực nông thôn đều bị chia cắt do lớp tuyết dày. Nhiều vùng còn phải chịu cảnh mất điện và nước. Trực thăng quân đội đã được huy động để cung cấp hàng cứu trợ cho các khu vực bị chia cắt.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO