Sự mù quáng của những kẻ ‘cố đấm ăn xôi’
(Baonghean.vn) - Đến hẹn lại lên, mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lại ra rả xuyên tạc, bôi lem để phủ nhận thành quả cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân cả nước.
Hầu hết các đối tượng đó là những kẻ phản động lưu vong với ý thức hệ mù quáng, lạc hậu, không chịu thừa nhận thực tiễn phát triển của lịch sử đất nước Việt Nam.
Cứ vào tháng Tư, các trang mạng xã hội, các kênh youtube như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Vietline.TV, VOA, RFA, Tin Tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel..., đồng loạt đăng tải các bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc về sự kiện 30/4/1975. Các phần tử phản động thường xuyên tạo ra các diễn đàn ảo để livestream nhằm bôi xấu chế độ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thành tựu đổi mới của đất nước. Chúng thường xuyên rêu rao rằng, 30/4 là “ngày quốc hận”, “Tháng Tư là tháng vo gạo bằng nước mắt”, “Tháng Tư đen”… Các phần tử phản động lưu vong còn tập hợp một số tàn dư của chế độ Việt Nam Cộng hòa để bình luận, cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta “thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”…
Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng phản động lưu vong tổ chức các buổi livestream nhằm xuyên tạc, bôi lem để phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam. |
Đó là những luận điệu hoàn toàn sai trái, sáo rỗng với mục đích chống phá cách mạng Việt Nam, khơi gợi “chủ nghĩa xét lại” để phủ nhận sự hy sinh xương máu của lớp lớp đồng bào, chiến sĩ dân tộc ta. Tuy nhiên, những luận điệu đó đã bị chính những giá trị lịch sử, ý nghĩa trọng đại của Chiến thắng 30/4/1975 và thành tựu qua hơn 35 năm đổi mới của đất nước ta phủ nhận, phản biện.
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội và Nhân dân cả nước. Hàng triệu người dân Việt Nam cùng chung ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”,… Cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới và ngay cả người Mỹ ủng hộ. Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đường lối kháng chiến tài ba, quân và dân ta đã tạo nên sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và, từ đó, “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”…
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Hòa bình, thống nhất, Nhân dân Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng mà tiếp tục đồng sức, đồng lòng, chung một ý chí để phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế phát triển mạnh, quốc phòng, an ninh được giữ vững, củng cố và tăng cường. Nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Nước ta bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng với phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".
Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động hội nhập mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhất là có uy tín, vị thế cao trong hoạt động của Liên hợp quốc (gia nhập ngày 20/9/1977), là quốc gia điển hình, được nhân dân thế giới yêu mến khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; thành viên trách nhiệm, tích cực của tổ chức ASEAN (gia nhập ngày 28/7/1995), APEC (gia nhập ngày 14/11/1998), WTO, CICA, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025,…
Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu: VNE |
Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Việt Nam đang triển khai quyết liệt đã nhận được lòng tin và sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế. Thực tế, các nhà đầu tư tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư lâu dài. Hàng tỷ USD rót vào Việt Nam là minh chứng cho thấy: Niềm tin càng trở nên mạnh mẽ. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà cho doanh nghiệp đang giảm mạnh. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài và là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đầy khó khăn này. Chống tham nhũng không hề khiến cho guồng máy kinh tế chậm lại mà thực sự đang tạo đà cho phát triển.
Những thành quả đổi mới rõ ràng như vậy đã khiến cho rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cảm thấy hân hoan, tin tưởng. Nhiều doanh nhân, nhà khoa học gốc Việt đã về nước để đầu tư phát triển quê hương. Thậm chí, nhiều người ở hệ tư tưởng cũ cũng đã nhận ra giá trị của hòa bình, thống nhất. Họ khuyến khích con, cháu của họ trở về học tập và sinh sống ở đất mẹ Việt Nam; nhiều người chỉ mong muốn được trở về Tổ quốc trước khi qua đời…
Những tàn dư của chế độ Việt Nam cộng hòa hiện sống lưu vong tại Mỹ thường “phô trương lực lượng” vào tháng Tư hàng năm. Nhưng càng ngày càng ít người hưởng ứng, chỉ còn lại những người tuổi cao sức yếu. |
Mỗi độ tháng Tư, một số tàn dư của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước kia (hiện sống lưu vong tại Mỹ) lại giăng cờ đèn kèn trống diễu binh, diễu hành, phô trương lực lượng trên một tuyến phố nhỏ. Những năm gần đây, “đội quân” này chỉ còn vỏn vẹn một hàng ngang. Tất cả đều đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, chẳng còn người trẻ nào tham gia. Chương trình livestream trên youtube cũng không nhiều người xem, chỉ vài ông, bà tham gia rồi “tự sướng” bằng vài cái like dạo và bình luận phiếm. Có lẽ họ cũng đã nhận ra ngày 30/4/1975 là sự kiện lịch sử tất yếu và là lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Có điều, giờ đây, sống bám ở đất khách quê người, họ đành phải “cố đấm ăn xôi”...