Sự thắng kiện của một người Mỹ và vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam

Tháng 8 vừa qua sự việc một công dân Mỹ tên là Dewayne Johnson thắng kiện hãng Monsanto, một trong những hãng sản xuất hóa chất lớn của Mỹ và là hãng sản xuất chất độc màu da cam được sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông quốc tế.

Dewayne Johnson tại phiên tòa với hãng Monsanto.
Dewayne Johnson tại phiên tòa với hãng Monsanto.

Dewayne, khi còn là nhân viên vệ sinh của một trường học ở California, mỗi năm sử dụng thuốc diệt cỏ 30 lần cho công việc dọn vệ sinh và được phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết vào năm 2014. Anh đâm đơn kiện hãng Monsanto vì “đã không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate” của hãng này. Những gì anh làm tưởng chừng như lấy trứng chọi đá, tuy nhiên, sau quá trình thu thập chứng cứ, ngày 10/8/2018 Tòa án cấp cao Francisco ra phán quyết buộc công ty Monsanto phải bồi thường cho nguyên đơn 289 triệu USD. Sự thắng kiện của Dewayne Johnson chắc hẳn khiến nhiều người đang sống ở Việt Nam giật mình, khi biết mỗi năm Việt Nam nhập 244 nghìn tấn thuốc diệt cỏ và theo nhà chức trách, 60% trong số đó có chứa glyphosate.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn nhỏ, sống với ông bà nội làm nông nghiệp, tôi đã tham gia hầu hết các công việc của nhà nông. Tôi nhớ khi cây lúa mới cấy còn non, cỏ mới mọc lún phún, tôi theo bà đi làm cỏ lần 1:dùng tay vơ cỏ đồng thời mát-xa cho gốc lúa thông thoáng; cây lúa “dễ thở”; lần 2 khi cây lúa đã cứng cáp thì dùng cào gỗ có răng cưa khua quanh các hàng lúa để loại bỏ cỏ, vừa làm cỏ vừa sục bùn. Khi ấy tôi chỉ ước sau này nước ta phát triển hơn người nông dân sẽ có những cái máy làm cỏ chạy rì rì giữa ruộng lúa với những bàn tay bằng chất liệu tổng hợp vơ cỏ giữa những gốc lúa để người trồng lúa đỡ vất vả và tốn ít thời gian hơn cho việc diệt cỏ.

Tôi không thể ngờ rằng, hai mươi năm sau, cách làm cỏ thủ công  hầu như đã biến mất khỏi đồng ruộng Việt Nam, nhưng thay vào đó, không phải là những chiếc máy làm cỏ như tôi mơ ước mà là thói quen diệt cỏ bằng hóa chất độc hại trên khắp các cánh đồng từ miền ngược đến miền xuôi. Ở cái làng nhỏ của tôi, đất của nghề trồng lúa, bây giờ nếu được hỏi đến việc làm cỏ thì các bác nông dân hồ hởi nói, “bây giờ chỉ phun vài gói thuốc là xong, tiện lắm, không phải làm cỏ như ngày xưa nữa đâu!”.Thuốc diệt cỏ “thần thánh” rất dễ mua, dễ sử dụng khiến cho những người nông dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt không hề băn khoăn khi sử dụng cho thửa ruộng nhà mình.

Nông dân Mỹ biểu tình phản đối thuốc diệt cỏ Monsanto.
Nông dân Mỹ biểu tình phản đối thuốc diệt cỏ Monsanto.

Bao nhiêu người nông dân đang sử dụng thuốc diệt cỏ tại đồng đất Việt Nam ý thức được rằng trong khi sử dụng hóa chất để diệt cỏ trên mảnh ruộng nhà mình họ cùng đồng thời làm hóa chất phát tán ra không khí, ngấm vào đất, vào nguồn nước, vào cơ thể những sinh vật sống trong môi trường như cua cá và côn trùng, và vào chính họ?. Nếu có biết, thì họ cũng chỉ tặc lưỡi và tiếp tục sử dụng bởi vì xung quanh họ mọi người đều làm thế cả. Một điều dễ nhận thấy là giờ đây ở đồng ruộng, mương máng ở các làng quê rất ít thấy tôm tép, cua cá, ếch nhái  và các loài côn trùng khác sống cộng sinh. Rõ ràng hệ sinh thái gắn với nông nghiệp đã và đang bị phá vỡ, và thuốc diệt cỏ được cho là một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này.

Mỗi năm nước ta có 124 000 ca mắc ung thư mới và có 94 nghìn người chết vì ung thư. Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy mối liên quan giữa tỉ lệ người mắc ung thư với con số 244 tấn thuốc diệt cỏ được nhập khẩu và sử dụng ở Việt Nam, nhưng không thể loại trừ nguyên nhân môi trường sống ô nhiễm và sự phơi nhiễm đối với các loại hóa chất độc hại có đóng góp vào tỉ lệ người bị ung thư cao đến mức đáng lo ngại này. Rất cần có một cuộc điều tra rộng rãi trên cơ sở khoa học về thực trạng sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan cho nông nghiệp ở nước ta hiện nay để từ đó những cảnh báo và khuyến cáo nghiêm túc, đáng tin cậy được đưa đến với những người nông dân góp phần thay đổi thói quen lạm dụng hóa chất độc hại, đặc biệt là thuốc diệt cỏ cho sản xuất nông nghiệp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vai trò của cơ quan quản lý việc nhập khẩu hóa chất cho nông nghiệp đã được phát huy như thế nào trong bối cảnh thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt cỏ được sử dụng vô tội vạ ở nước ta? Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 14/8, ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng chưa thể cấm hẳn thuốc bảo vệ thực vật có chứa glyphosate vì “cần có đầy đủ thông tin”.

Thiết nghĩ, sự thắng kiện của bệnh nhân ung thư Dewayne Johnson trước hãng sản xuất thuốc diệt cỏ Mosanto, và Báo cáo năm 2017 của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp glyphosate vào nhóm hoạt chất “nhiều khả năng gây ung thư”  là những bằng chứng rất đáng tham khảo để các cơ quan hữu trách của chúng ta kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu thuốc diệt cỏ nói riêng và thuốc bảo vệ thực vật nói chung.

Trong khi việc lạm dụng thuốc diệt cỏ đã trở thành vấn đề đáng báo động, Việt Nam rất cần có các nhà sáng chế với sự mày mò nghiên cứu bám sát thực tiễn có thể chế tạo ra những chiếc máy làm cỏ hiện đại, tiện dụng, giải phóng sức lao động của con người và dễ trở thành sự lựa chọn của người nông dân thay cho các loại thuốc diệt cỏ tiềm ẩn nhiều tác hại cho môi trường sống nói chung.  Nếu như sự thờ ơ và chủ quan của đại đa số người dân nước ta đã góp phần khiến cho việc sử dụng thuốc diệt cỏ trở thành một phần của tập quán canh tác trong ngành nông nghiệp nước ta, thì việc thay đổi nó cần có sự quan tâm của không chỉ các cơ quan hữu trách.