Sự thiếu trách nhiệm của một kíp trực

15/03/2012 14:28

(Baonghean) - Bé Nguyễn Thị Mai Linh mới hơn 3 tuổi, ngày mồng 7 Tết, do sơ ý của gia đình đã để két sắt đè lên chân cháu. Ngay sau đó, bố mẹ đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu để điều trị nhưng sau 7 ngày, vết thương không những không khỏi mà còn nặng hơn.

(Baonghean) - Bé Nguyễn Thị Mai Linh mới hơn 3 tuổi, ngày mồng 7 Tết, do sơ ý của gia đình đã để két sắt đè lên chân cháu. Ngay sau đó, bố mẹ đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu để điều trị nhưng sau 7 ngày, vết thương không những không khỏi mà còn nặng hơn.

Mới đây, sau khi đi khám tại Bệnh viện Nhi của tỉnh, rồi Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều khả năng bé sẽ phải bị cắt một ngón chân... Điều điều đáng buồn trong sự việc này là sự thiếu trách nhiệm của các y, bác sỹ trực tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu chiều 29/1/2012 khi gia đình đưa cháu Linh đến cấp cứu.


Gặp chúng tôi mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Mai Hiên (khối 7, Thị trấn Cầu Giát - Quỳnh Lưu) kể lại: Trước khi nhập viện, gia đình đã biết cháu bị gãy đầu ngón chân phải qua phim chụp ở phòng khám tư. Thế nhưng đến nơi, trái với tâm trạng lo lắng của gia đình, các bác sỹ đang trực lại hết sức chủ quan, chỉ thăm khám qua loa. Vào viện từ hơn 4 giờ chiều, nhưng phải gần đến 7 giờ đêm, trải qua các thủ tục như xét nghiệm máu toàn phần, chụp X.quang bàn chân cháu Linh mới được các bác sỹ sát khuẩn, gây tê, cắt lọc phần dập nát và khâu 6 mũi chỉ lanh.


Sau khi làm xong các thủ tục, gia đình nghĩ rằng sau một tuần sức khỏe của Linh sẽ hồi phục như lời hướng dẫn của bệnh viện nếu thay băng và uống thuốc đầu đủ. Nhưng chưa được ba ngày thì chân Linh bắt đầu xuất hiện phù nề, đến 7 ngày đưa đi tháo chỉ thì y tá bảo chưa tháo được vì chân bị chảy dịch. Lo lắng, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Nghệ An. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán ngón chân cháu bắt đầu bị hoại tử, phải tiếp tục uống kháng sinh liều cao, nếu không phải cắt bỏ một ngón chân. Hiện tại, cháu Linh đang trong quá trình theo dõi, nhưng do quá bức xúc nên gia đình đã viết đơn lên bệnh viện yêu cầu kíp trực gồm bác sỹ Phạm Thắng Lợi (trực phẫu thuật viên), bác sỹ Hồ Hữu Biên (trực hệ ngoại), bác sỹ Hồ Xuân Ngọc gây tê và KTV Hồ Sỹ Đình trả lời rõ ràng sự việc trên.


Tại biên bản họp giữa bệnh viện và gia đình bệnh nhân các bênvào ngày 29/2/2012, qua theo dõi lại hồ sơ bệnh án, nghe ý kiến của các bên, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu đã thừa nhận về phía kíp trực của bệnh viện đã có sơ suất trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân.

Như KTV Hồ Sỹ Đình, trong kíp trực mà không mặc áo công tác, không treo biển trên áo là "vi phạm quy định của đơn vị và bệnh viện, đã có hình thức xử lý kỷ luật hạ xếp loại lao động của KTV Hồ Sỹ Đình xuống loại C". Ngoài ra, bác sỹ giải thích, tư vấn cho bệnh nhân cũng "chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến hiểu lầm ở người nhà bệnh nhân".


Riêng về vấn đề chuyên môn, ông Nam cho rằng: "Nguyên tắc điều trị vết thương bảo tồn đến mức cao nhất nên việc bảo tồn của kíp trực là đúng yêu cầu chuyên môn. Nếu bệnh nhân nằm ở tuyến trên thì vết thương nhiễm trùng đều phải cắt bỏ vì không có tổ chức da, cơ để nuôi dưỡng". Cũng vì lý do trên nên trước yêu cầu đòi bồi thường do bị mất ngón chân của gia đình bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện đã từ chối vì cho rằng không thỏa đáng.


Sự việc này, tham khảo ý kiến một số bác sỹ chuyên môn, chúng tôi được biết: Việc kíp trực cố ý bảo tồn cho bệnh nhân (nhất là bệnh nhân nhi) là điều cần thiết, vì các bé còn ít tuổi, đa phần xương dễ lành. Trường hợp nếu bé đã bị nặng thì dù có bó bột xương cũng khó giữ, vì việc bó bột chỉ có chức năng giữ xương cố định.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi khâu và băng vết thương cho bé, nên chăng bác sỹ có thêm một que nẹp để bé có thể cố định chân, vì bản chất của trẻ em là hiếu động, ưa chạy nhảy và không có ý thức giữ gìn vệ sinh vết thương. Về phía người nhà bệnh nhân, nếu lo lắng và trong trường hợp thấy vết thương của bé có tiến triển xấu thì nên sớm đưa đến các cơ sở y tế khác cao hơn để nhờ kiểm tra, điều trị, không để thụ động và quá muộn như ở trường hợp trên. Sự việc trên cũng là bài học kinh nghiệm các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu bởi dù là gián tiếp hay trực tiếp điều trị, cần giải thích, hướng dẫn thấu đáo, tư vấn hợp lý; có thái độ nhiệt tình tạo niềm tin để người nhà bệnh nhân tìm ra phương hướng điều trị thích hợp nhất.


M.H

Mới nhất
x
Sự thiếu trách nhiệm của một kíp trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO