Xã hội

Sự trở về kỳ diệu của cuốn Nhật ký liệt sĩ và thông điệp "Tổ quốc hòa bình gia đình hạnh phúc"

Khánh Ly 14/01/2025 16:33

Những ngày tháng Chạp này, căn nhà nhỏ với vườn rau xanh mướt và những khóm hồng tỏa hương ngào ngạt - nơi bà Bùi Thị Lợi (vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương) đang sống cùng gia đình người con trai cả đầy ắp niềm vui. Bởi sau 60 năm lưu lạc bên kia bán cầu, cuốn nhật ký chiến trường - kỷ vật vô giá của người chồng, người cha thân yêu đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị bỗng quay về bên người thân như một phép màu…

TIEU DE

Những ngày tháng Chạp này, căn nhà nhỏ với vườn rau xanh mướt và những khóm hồng tỏa hương ngào ngạt - nơi bà Bùi Thị Lợi (vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương) đang sống cùng gia đình người con trai cả đầy ắp niềm vui. Bởi sau 60 năm lưu lạc bên kia bán cầu, cuốn nhật ký chiến trường - kỷ vật vô giá của người chồng, người cha thân yêu đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị bỗng quay về bên người thân như một phép màu…

Tit phu 1

Năm nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Bùi Thị Lợi ( SN 1939) trú tại thị xã Thái Hòa vẫn rất hoạt bát, minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, tay nâng niu cuốn nhật ký của người chồng thân yêu vừa được Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 bàn giao lại cho gia đình vào dịp cuối năm, bà Lợi bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về những ngày tuổi trẻ.

ecdc0fe03ada8684dfcb.jpg
Cuốn nhật ký - kỷ vật chiến trường của liệt sĩ Hồ Văn Chương được trao trả cho gia đình. Ảnh: KL

Cùng sinh ra và lớn lên ở xóm Trung Tâm, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, năm 1960, cô gái miền biển Bùi Thị Lợi và chàng ngư dân Hồ Văn Chương gặp gỡ rồi kết duyên vợ chồng. Khi ấy bà mới tròn 20 tuổi còn ông bước sang tuổi 21.

Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng vẹn tròn, hạnh phúc khi cậu con trai Hồ Văn Hùng chào đời. Đến tháng 4 năm 1963, khi cậu con trai thứ hai Hồ Văn Quang được 3 tháng tuổi thì ông Hồ Văn Chương nhập ngũ thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 ở huyện Đô Lương.

“Ngày đó tôi khờ lắm, chồng đi bộ đội mà chỉ bế con đứng ở cửa buồng ngại ngùng không nói được điều chi…”, bà Lợi bùi ngùi nhớ lại.

Thời gian đơn vị ông đóng quân ở Đô Lương, dẫu đơn vị cách nhà khoảng 50km nhưng chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, ông không về thăm nhà bao giờ. Thương chồng, biết ông Chương không thích ăn thịt, bà Lợi lặng lẽ kho cá biển rồi gửi người quen mang lên đơn vị cho chồng.

img_5277.jpg
Bà Bùi Thị Lợi - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương. Ảnh: Khánh Ly

Năm 1964, ông Chương bị thương được chuyển về thành phố Vinh điều trị. Trước lúc trở lại đơn vị, ông xin tranh thủ về thăm nhà một lần, trước khi đi có ngập ngừng dặn vợ “nếu tôi có hy sinh, mình đừng lấy người khác, tội con”. Lúc ấy bà gạt đi, động viên chồng đừng suy nghĩ nhiều.

Thời gian sau đó, đơn vị của ông hành quân vào Quảng Trị, giữa lằn ranh sinh tử, ông gửi rất nhiều thư về cho vợ nhưng bà Lợi không biết chữ, chỉ có thể nhờ người cháu đọc cho nghe chứ không thể viết thư hồi âm cho chồng.

Mỗi lá thư chồng gửi về với bà Lợi là tin báo bình yên khiến bà cảm thấy an lòng. “Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, là con đầu trong gia đình có 9 người con, chỉ học hết cấp hai nhưng ông ấy văn hay, chữ đẹp, ai cũng khen” - bà Lợi chia sẻ đầy tự hào.

img_5377.jpg
Bà Bùi Thị Lợi nghe con dâu cả - chị Lê Thị Thanh đọc nhật ký của liệt sĩ Hồ Văn Chương. Ảnh: Khánh Ly

Đến năm 1967, bà Lợi nhận tin chồng hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, giấy báo tử ghi liệt sĩ Hồ Văn Chương hy sinh ngày 19/10/ 1966, tức là đã một năm trước đó. Nỗi đau khiến người vợ trẻ như ngã quỵ, nhưng thương hai đứa con thơ dại bà vẫn gắng gượng đứng lên gồng gánh thay chồng nuôi con.

Những năm tháng ấy, vất vả không kể xiết, quang gánh đằn vai, tất tả đi buôn cá, rong ruổi từ mờ sáng đến tối mịt nhưng người phụ nữ làng biển ấy vẫn rất kiên cường, giữ trọn đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ. “Chiến tranh bom đạn, có lúc mẹ con tôi phải dắt díu nhau theo họ hàng đi sơ tán, một đầu gánh đứa nhỏ, một đầu gánh gạo, quần áo, chăn màn, tay dắt theo đứa lớn…”, bà Lợi nhớ lại.

img_5286.jpg
Bà Bùi Thị Lợi - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương và vợ chồng người con cả Hồ Văn Hùng. Ảnh: KL

Những vất vả, lo toan của cuộc sống không che khuất được vẻ ngoài mặn mà ưa nhìn của thiếu phụ làng biển, bà Lợi được nhiều người ngỏ ý kết duyên nhưng vì thương con, vì tình yêu thủy chung, son sắt với người chồng đã ngã xuống trên chiến trường, bà nhất mực chối từ, vượt qua những chông chênh, ở vậy thờ chồng, nuôi hai đứa con trai khôn lớn.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lợi ngân nga những vần thơ tự ngẫm đầy xúc động "Cực lòng mẹ lắm con ơi/ mẹ đi không được mẹ ngồi cùng con/ bao năm chín cuộc vuông tròn/ đành lòng ở vậy nuôi con, thờ chồng... sống sao thác vậy một lần mà thôi...".

Bà Bùi Thị Lợi - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương ngâm thơ thể hiện tấm lòng sắt son nuôi con, thờ chồng. Clip: KL

Điều ân hận, day dứt nhất của bà Lợi là do hoàn cảnh chiến tranh, sơ tán, bão lũ nên những lá thư, Bằng khen, kỷ vật của chồng đã bị thất lạc hết.

Bởi vậy, khi nhận lại cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Hồ Văn Chương lưu lạc hơn 60 năm ở bên kia trái đất nay trở về bên gia đình, bà Lợi và các con rất xúc động coi đây là kỷ vật vô giá; là một phép màu.

Bởi trước đó bà và người thân đều không hề biết đến sự tồn tại của cuốn nhật ký này. “Linh hồn ông ấy linh thiêng muốn trở về sum họp bên tôi và con cháu…”, bà Lợi rưng rưng nói, bàn tay nhăn nheo lần giở từng trang nhật ký đã nhòe mờ theo thời gian...

bac523dc77e6cbb892f7.jpg
Nhiều trang trong nhật ký của liệt sĩ Hồ Văn Chương là những bài thơ ra trận. Ảnh: KL
Tit phu 2

Lặng lẽ ngồi bên mẹ, ông Hồ Văn Hùng - con trai cả của liệt sĩ Hồ Văn Chương xúc động chia sẻ: "Mẹ đã ở vậy nuôi chúng tôi khôn lớn, dành cả cuộc đời để bù đắp cho anh em tôi những tình cảm thiếu hụt khi vắng bóng cha".

Năm 1989, sau thời gian rời quê hương Diễn Châu lên làm việc ở thị xã Thái Hòa, lập gia đình, ổn định cuộc sống, ông Hùng đón mẹ từ Diễn Châu lên sinh sống, còn em trai ông - Hồ Văn Quang thì lập nghiệp ở Đà Nẵng.

img_5368.jpg
Ông Hùng nói về cảm xúc khi nhận được tin nhắn Zalo chụp những trang nhật ký của cha - liệt sĩ Hồ Văn Chương. Ảnh: Khánh Ly

Nói về sự trở về kỳ diệu của cuốn nhật ký của cha mình, ông Hùng cho biết, vào một ngày tháng 9/2024, ông bất ngờ nhận được một cú điện thoại giới thiệu là người của Trung tâm ASH thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đang lưu giữ cuốn nhật ký có tên Hồ Văn Chương và muốn thu thập thêm thông tin nhằm xác định chính xác để bàn giao cho thân nhân.

Cuốn nhật ký này do một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến số 3 Hoa Kỳ thu giữ ngày 18/10/1966, sau trận đụng độ với Quân giải phóng Việt Nam tại một địa điểm giao tranh ở xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Qua Zalo, bên kia cung cấp cho ông Hùng một số trang viết của cuốn nhật ký.

Nhận được thông tin ông Hùng vừa mừng, vừa lo lắng xen lẫn hồi hộp bởi “nếu đúng là nhật ký của bố tôi thật thì đó là kỷ vật vô giá có ý nghĩa đặc biệt; là nguồn động viên an ủi lớn với gia đình, nhất là với người mẹ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm của chúng tôi nhưng nếu là nhầm lẫn thì sẽ chỉ là sự thất vọng, xót xa…”. Bởi vậy, khi chưa xác định được chính xác, ông không dám báo ngay với mẹ mà nói với cô con gái của mình để xác minh lại.

3bcd6b5a3c60803ed971.jpg
Ông Hồ Văn Hùng bên cuốn nhật ký của cha mình - liệt sĩ Hồ Văn Chương. Ảnh: H.L

Thông tin được cung cấp cho thấy chủ nhân cuốn nhật ký tên là Hồ Văn Chương, nhập ngũ ngày 10/4/1963, quê quán xóm Trung Tâm, xã Diễn Bình hoặc Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhưng qua tìm hiểu của gia đình, thì xã Diễn Bình từ trước tới nay không có xóm nào có tên là xóm Trung Tâm, còn xóm Trung Tâm, thuộc xã Diễn Bích, có liệt sĩ Hồ Văn Chương là bố ông Hùng, trùng khớp về tên, ngày nhập ngũ như thông tin trong cuốn nhật ký. “Phía họ cũng gửi cho gia đình tôi hơn 10 trang nhật ký qua Zalo, trong đó chủ yếu là những trang viết bố tôi dành cho vợ”, ông Hùng nói.

Kết hợp nhiều nguồn xác minh tin cậy khác từ Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An..., phía Trung tâm ASH (Đại học Harvard) khẳng định, cuốn nhật ký nói trên là của liệt sĩ Hồ Văn Chương - bố ông Hùng.

8639035d5767eb39b276.jpg
Hai anh em ông Hồ Văn Hùng, Hồ Văn Quang (ngoài cùng bên phải) tại lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến. Ảnh: H.L

Sau 4 tháng chờ đợi, sáng 11/12/2024, ông Hùng cùng người em trai Hồ Văn Quang đã có mặt tại thành phố Vinh để nhận cuốn nhật ký phục chế của người cha liệt sĩ từ đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm ASH và Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An.

Khoảnh khắc cầm trên tay cuốn nhật ký của bố, dẫu chỉ là cuốn sổ được phục chế, hai anh em ông hùng lặng người đi vì xúc động. Bởi khi người bố thân yêu của họ nhập ngũ và hy sinh, cả hai đều còn quá nhỏ nên họ không có ký ức gì về ông.

fc2e5bc70efdb2a3ebec-1-.jpg
Đại tá Phạm Văn Đông - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, xem cuốn nhật ký của liệt sĩ Hồ Văn Chương cùng con trai cả của liệt sĩ. Ảnh: H.L

“Tôi chỉ nghe các chú kể lại, có một lần bố tôi đưa tôi lên ngã ba cầu Bùng chụp ảnh, nhưng cũng chưa từng nhìn thấy bức ảnh ấy. Cuốn nhật ký của bố là món quà vô giá, giúp chúng tôi hình dung về ông, về lý tưởng sống, những năm tháng chiến đấu, về tình cảm ông dành cho vợ con, gia đình, quê hương, đất nước”, ông Hùng tâm sự.

Tit phu 3

Ông Hồ Văn Hùng cũng chia sẻ rằng, khi cầm cuốn nhật ký về nhà, mẹ ông cứ ôm mãi trong lòng, giở đi giở lại nhiều lần. Nhiều trang nhật ký đã mờ, nhòe do được in ra từ các bức ảnh sao chụp cách đây hơn 60 năm, khiến anh em ông Hùng phải dịch từng chữ, chuyền tay nhau đọc nhật ký của cha cho mẹ nghe.

Ở những trang đầu, nhật ký của liệt sĩ Hồ Văn Chương thể hiện tình thương, nỗi nhớ lắng đọng dành cho người vợ trẻ ở quê nhà, chủ yếu qua những bài thơ, có thể là do ông sáng tác, cũng có thể ông chép lại của ai đó với những lời lẽ mộc mạc, chân thành, dung dị.

Có lúc là nỗi nhớ đậm sâu trong những đêm Đông giá lạnh: “Em yêu thương nhớ em nhiều lắm/ Bóng hình em in đậm trong anh...”; “ Đêm đã khuya anh chưa đi ngủ/ bút cầm tay tâm sự cùng em/ đêm đông giá lạnh ngoài biên…”; cũng có khi là lời nhắn nhủ của người lính ở chiến trường với người vợ hiền ở hậu phương: “Anh gửi em mối tình đằm thắm/ khuyên em đừng rầu rĩ mặt hoa/ anh mong em giữ lấy tình ta…”; “Em ơi em đã nguyện thề, yêu anh mãi mãi không hề đổi thay...”.

Ở một số trang nhật ký, người lính miền biển còn ký bên dưới “Hồ Văn Chương - một vợ, hai con” như một lời khẳng định sắt son.

img_5308-1-.jpg
Với gia đình liệt sĩ Hồ Văn Chương, cuốn nhật ký của người thân trở về sau 60 năm lưu lạc bên kia bán cầu là một niềm vui bất ngờ. Ảnh: Khánh Ly

Ngoài ghi chép các hoạt động của bản thân, của đơn vị, những lần vượt sông từ năm 1963 đến 1966, cuốn nhật ký còn đề cập đến nhiều chủ đề khác như toán học, hình học, ghi chép câu nói nổi tiếng của các anh hùng, danh nhân; ghi chép nhiều thơ ca, bài hát cách mạng; có cả những trang học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, học ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Nga…

Qua từng trang nhật ký thể hiện người lính miền biển Hồ Văn Chương là một người ham học, cầu tiến, sống có lý tưởng, trách nhiệm nhưng cũng rất ấm áp, tình cảm.

Ở một trang nhật ký, người lính Hồ Văn Chương đã trích dẫn câu nói rất nổi tiếng của một nhà văn, anh hùng của đất nước Tiệp Khắc, như sự khắc ghi về một lý tưởng cao đẹp “Tôi nhắc lại một lần nữa: Chúng ta đã sống rất yêu đời. Vì yêu đời mà chúng ta chiến đấu. Và vì yêu đời mà chúng ta sẽ chết...”.

Gây xúc động nhất trong những trang nhật ký của người lính quê Nghệ An Hồ Văn Chương là hình ảnh cánh chim bồ câu trắng bay lượn giữa bầu trời tự do cùng dòng chữ được viết nắn nót “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”. Đó có lẽ là mục đích, là ước mơ, động lực quyết tâm cầm súng ra trận của những người lính thời kỳ ấy. Họ đã sống, chiến đấu cho một ước mơ bình dị nhưng rất đỗi thiêng liêng: “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc”.

Trong lớp lớp đoàn quân cầm súng ra trận chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp ấy, có những người lính như liệt sĩ Hồ Văn Chương ra đi không hẹn ngày về, họ ngã xuống cho “Tổ quốc hòa bình”, để lại nhiều nỗi thương nhớ cho người thân, cho gia đình. Bởi vậy, việc trao trả những kỷ vật như cuốn nhật ký của liệt sĩ Hồ Văn Chương có ý nghĩa, giá trị tinh thần vô cùng lớn lao đối với gia đình, xoa dịu đi một phần nỗi đau thương, mất mát của thân nhân liệt sĩ.

f3fc418013baafe4f6ab.jpg
Lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ xem kỷ vật của liệt sĩ Hồ Văn Chương. Ảnh: H.L

Phát biểu tại lễ bàn giao kỷ vật trong chiến tranh do phía Hoa Kỳ cung cấp tới thân nhân liệt sĩ do Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban chỉ đạo 515) tổ chức tại thành phố Vinh vào ngày 11/12/2024, Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Việc tìm kiếm và trao kỷ vật kháng chiến tới người thân, gia đình các liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng của lực lượng làm công tác chính sách đối với đồng đội, với thân nhân liệt sĩ.

“Những kỷ vật này đã có hành trình lưu lạc nửa vòng trái đất, trải qua mấy chục năm thất lạc mới về được với thân nhân, gia đình liệt sĩ… Đưa kỷ vật của các liệt sĩ về với quê hương, với gia đình để các đồng chí được gần hơn với những người thân yêu, nơi các đồng chí đã sinh ra và lớn lên, để các kỷ vật lại được đồng hành cùng với các thân nhân của liệt sĩ trong cuộc sống hàng ngày", Đại tá Nguyễn Kỳ Hồng bày tỏ.

Còn đối với những người vợ liệt sĩ như bà Bùi Thị Lợi, sự trở về của cuốn nhật ký của người chồng đã hy sinh trên chiến trường là một giấc mơ có thật.

Bà chia sẻ, trước đây chồng gửi thư về bà phải nhờ người đọc vì không biết chữ, bởi vậy, sau này dù một mình bươn chải với cuộc sống, nuôi dạy con thơ, bà vẫn quyết tâm học chữ. Hiện tuổi cao, mắt đã mờ nhưng bà vẫn lần xem một số trang hay hình vẽ còn rõ nét trong nhật ký của chồng; chạm vào từng trang giấy mong tìm lại chút hơi ấm của người xưa...

img_5394.jpg
Bà Bùi Thị Lợi - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương bên vợ chồng con trai cả. Ảnh: Khánh Ly

Với tình yêu son sắt thủy chung, đức hy sinh cao cả của một người vợ, người mẹ, bà Lợi trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Hiện bà có đại gia đình lớn với các con trai, con dâu, 5 đứa cháu nội và 12 đứa chắt.

Trong câu chuyện với chúng tôi vào một ngày cuối đông ấm áp, bà Lợi chia sẻ đã trao đổi với các con giữ cuốn nhật ký bên gia đình một thời gian, sau đó sẽ trao lại cho Bảo tàng Quân khu 4 để bảo quản tốt hơn và để thông điệp “Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc” của liệt sĩ Hồ Văn Chương được lan tỏa cho hôm nay và mai sau…

img_5423.jpg
Bà Bùi Thị Lợi - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chương cùng con dâu cả Lê Thị Thanh. Ảnh: Khánh Ly
Sự trở về kỳ diệu của cuốn Nhật ký liệt sĩ và thông điệp "Tổ quốc hòa bình gia đình hạnh phúc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO