Sức mạnh của Không quân Việt Nam tại thời điểm 1979

Tùng Dương 14/02/2019 10:49

Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam ghi rõ, sau khi chiến tranh biên giới bùng nổ, các đơn vị đóng quân trong Nam đã được lệnh tăng viện khẩn cấp.

Tại thời điểm năm 1979, chủ lực bảo vệ bầu trời miền Bắc vẫn là những "quả đấm thép" từng lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu như Trung đoàn Sao Đỏ 921 với MiG-21 hay Trung đoàn 925 trang bị J-6.

Nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, bộ đội không quân đã nhận nhiệm vụ điều động nhiều máy bay chiến đấu thế hệ 2 chiến lợi phẩm từ Nam ra Bắc để tăng cường lực lượng nhằm tạo ưu thế trước đối phương.

Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam (1977 - 1999) ghi rõ: Ngày 20/2/1979, căn cứ sân bay Nội Bài tổ chức tiếp nhận bom, đạn hệ 2 chuyển từ phía Nam ra và chuẩn bị phương án tiếp thu máy bay hệ 2 cơ động ra phối thuộc chiến đấu ở phía Bắc.

Cũng trong ngày 20, Tư lệnh Quân chủng Không quân phổ biến cho cán bộ chủ trì những nét chủ yếu về đối phương và chỉ thị cho cơ quan, đơn vị những nhiệm vụ trước mắt gồm:

Thực hiện quyền làm chủ trên không; Chi viện cho lục quân, hải quân chiến đấu; Chuyển người và các phương tiện chiến đấu của Bộ; Trinh sát, phòng thủ các sân bay và tranh thủ huấn luyện theo phương án tác chiến.

Một phần lực lượng của Sư đoàn không quân 372 được điều ra phía Bắc thực hiện nhiệm vụ mới gồm: 1 phi đội máy bay F-5 (10 chiếc); 1 phi đội máy bay A-37 (10 chiếc) và 1 phi đội UH-1, U-17 (UH-1: 7 chiếc, U-17: 3 chiếc).

Từ ngày 22/2 đến ngày 3/3/1979, toàn bộ lực lượng cơ động chiến đấu của Sư đoàn 372 đã chuyển ra sân bay Nội Bài theo đúng kế hoạch.

Tiêm kích F-5E chiến lợi phẩm của Không quân nhân dân Việt Nam

Trong tháng 2/1979, Quân chủng đã tập trung thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đường không với quy mô lớn.

Hàng chục chiếc máy bay vận tải C-130, C-119, C-47 và máy bay chở khách của Trung đoàn 919 đã thực hiện hàng trăm chuyến bay vận chuyển người và vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân đoàn chủ lực từ Nam ra Bắc.

Chỉ tính từ nửa cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/1979, Quân chủng đã bay vận chuyển được 805 lần chiếc, chở được 8.900 lượt người và gần 1.000 tấn hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển quân để điều chỉnh bố trí lại thế trận của Bộ Quốc phòng.

Khi một số đơn vị bộ binh đang đóng ở phía Nam được lệnh cơ động ra Bắc, các tổ bay Mi-6 và Mi-8 của Trung đoàn không quân 916 đã phối hợp cùng các đơn vị chở quân từ các nơi về sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Máy bay vận tải C-130A lập cầu hàng không đưa bộ đội từ Nam ra Bắc

Sau đó, bộ đội hành quân ra Bắc bằng máy bay của Trung đoàn không quân 918 và bằng một số phương tiện khác.

Một số tổ Mi-6 trực ở sân bay Tân Sơn Nhất được lệnh ra Bắc thực hiện nhiệm vụ mới, những tổ bay An-2 tiếp tục huấn luyện số dẫn đường mới và bay phục vụ nhảy dù cho đội dù của Quân chủng.

Phi đội Ka-25 của Trung đoàn không quân 916 chuyển đến sân bay Cát Bi để bay phục hồi kiểm tra.

Ngoài ra, Trung đoàn Không quân 916 còn tạo mọi điều kiện để các tổ bay U-17, UH-1 của Trung đoàn không quân 917 ra làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu tại sân bay Hòa Lạc.

Sau khi số máy bay, trực thăng hệ 2 đã được cơ động đến các sân bay phía Bắc, Sư đoàn không quân 372 khẩn trương tổ chức các đài chỉ huy ở một số sân bay và cử cán bộ vào các tổ tham mưu không quân tại các quân khu, quân đoàn.

Đồng chí Đào Đình Luyện, Tư lệnh Quân chủng đã đến sở chỉ huy Sư đoàn Không quân 372 kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và nghe báo cáo quyết tâm chiến đấu của sư đoàn.

Với việc kịp thời chuyển lực lượng từ Nam ra Bắc, bộ đội không quân đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ không phận, làm chủ bầu trời trên biển, trên đất liền, đối phó với lực lượng không quân lớn và bảo vệ cho bộ đội mặt đất hành động.

Theo baodatviet.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Sức mạnh của Không quân Việt Nam tại thời điểm 1979
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO