Sức mạnh văn hóa Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19

Đã gần hai chục tháng nay, cả nhân loại gồng mình chống chọi quyết liệt, cam go cùng đại dịch Covid-19. Dẫu hành tinh này đã trải qua 20 trận đại dịch có từ 1-50 triệu người tử vong, nhưng chưa bao giờ có một trận đại dịch tốc độ lây truyền nhanh, diện rộng, sức hủy diệt tàn khốc như trận đại dịch lần này .

Giai đoạn đầu, khi nhiều nước lớn có nền kinh tế phát triển, y học hiện đại, hạ tầng y tế đầy đủ như: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Nga,… lúng túng trong xử lý đại dịch thì Việt Nam – một nước nhỏ, kinh tế chưa phát triển, tiềm lực hạ tầng y tế còn mong manh lại vẫn “trụ vững” trước đại dịch và đảm bảo kinh tế phát triển dương. Sức mạnh nào để Việt Nam chống dịch Covid-19? Câu trả lời của bạn bè quốc tế: Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng sức mạnh văn hóa truyền thống.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), văn hóa là sự ứng xử giữa người và người, giữa người và tự nhiên. Vậy nên, sức mạnh chiến thắng của Việt Nam khởi đầu và nhân lên từ sự ứng xử đúng đắn, trí tuệ sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Hồn cốt, bản lĩnh văn hóa Việt Nam trong chiến đấu, chiến thắng đại dịch Covid -19 gói gọn trong lời hiệu triệu của non sông, mệnh lệnh từ mỗi trái tim con dân Việt: “Chống dịch như chống giặc”. Đó chính là sự kết tinh của sức mạnh văn hóa truyền thống và thời đại. Hơn 4.000 năm lịch sử, Việt Nam đã đi qua 22 cuộc trường kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm. Xương máu của bao thế hệ đã làm nên “văn hóa giữ nước Việt Nam”. Mỗi khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc lại được nhân lên gấp bội để “chẳng kẻ thù nào ngăn được bước ta đi”! Giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói, giặc nội xâm… đã thất bại thảm hại từ truyền thống văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống đánh giặc của tổ tiên đã truyền dạy: Chống giặc khi kẻ thù chưa xâm phạm bờ cõi. Vậy nên, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố đại dịch Covid-19, Việt Nam đã cảnh báo sâu rộng đến toàn dân hiểm họa của đại dịch lần này. Những bài học kinh nghiệm cả lý luận và thực tiễn trong dập dịch SARS năm 2003 đã được phổ biến rộng rãi. Chuẩn bị tốt tâm thế để Nhân dân bước vào cuộc chiến, tạo niềm tin, cũng cố bản lĩnh để chiến thắng chủ quan, lơ là mất cảnh giác, phòng ngừa tâm lý lo sợ, hoảng loạn… là phương cách hữu hiệu nhất để người dân sẵn sàng, cơ quan chức năng và các loại phương tiện sẵn sàng chống dịch thần tốc như chống giặc. Ngăn chặn không cho giặc Covid-19 vào bờ cõi, Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, cắt giảm các đường bay đến các quốc gia có dịch, thực hiện giãn cách xã hội các vùng có dịch tùy theo cấp độ, huy động lực lượng Biên phòng,  Hải quan, Công an nhân dân xây dựng phòng tuyến ngăn chặn nhập cư trái phép mang dịch bệnh vào lãnh thổ.

Những hình ảnh cảm động của các chiến sĩ áo trắng và bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh tư liệu
Những hình ảnh cảm động của các chiến sĩ áo trắng và bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh tư liệu

Giành thế chủ động, Việt Nam thắng “giặc” Covid-19 ngay trận đầu bằng một thế trận truyền thống: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ngành: Y tế, Quân đội, Công an là xung kích nòng cốt, toàn dân là chiến sĩ, mỗi làng quê, khu phố là một pháo đài. Khi mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch, hàng trăm phương sách chống dịch hiệu quả đã được nhân dân sáng tạo. Tổ phòng, chống Covid -19 tại cộng đồng đã làm nên thế trận “thiên la địa võng”, điều chỉ có ở Việt Nam và chỉ có dân tộc Việt Nam nét đẹp văn hóa cố kết cộng đồng lan tỏa trên mọi bình diện cuộc sống. Thế trận chống dịch là toàn hệ thống chính trị vào cuộc là “4 tại chỗ”. Thế trận toàn dân một ý chí mà nòng cốt là các ngành: Y tế, Quân đội, Công an đã trở thành những phòng tuyến chiến đấu vừa phòng thủ vững vàng, tiến công táo bạo, thần tốc, bảo vệ cuộc sống an lành và phát triển cho Nhân dân. Truyền thống văn hóa của ngành Y tế “Lương y như từ mẫu” được phát huy cao độ. Chống dịch như chống giặc, ngành Y tế chủ động kích hoạt các kịch bản chống dịch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các phương án chiến đấu, chẳng ngại hy sinh, chẳng nề gian khổ; các bác sỹ, nhân viên y tế các cấp đã có mặt ngay trên tuyến đầu vào trận chiến, đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng đối tượng điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Vừa chú trọng cải tiến phác đồ nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị vừa chú trọng tiến công vào khoa học, kỹ thuật nghiên cứu chế tạo bộ kit xét nghiệm, điều chế vắc-xin… tìm các giải pháp căn cơ, lâu dài. Chống dịch như chống giặc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên huy động lực lượng quân đội vào chống dịch thành công. Nhường doanh trại làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, lo cơm ngon, canh ngọt cho bệnh nhân, tham gia các chốt phòng dịch, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, vào tâm dịch phun thuốc khử khuẩn…Và văn hóa Bộ đội Cụ Hồ “vì Nhân dân quên mình” lại tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch hôm nay.

Truyền thống nhân văn “Thương người như thế thương thân”, nhường cơm, sẻ áo của người Việt Nam được tỏa sáng trong những ngày cả nước chống dịch. Hàng vạn đoàn viên, thanh niên các trường đại học y, dược đã xung phong vào tâm dịch, những “cây ATM gạo” không đồng, những chuyến xe chở lương thực, thực phẩm nối đuôi chi viện vùng cách ly, những bữa cơm thiện nguyện mang ra các chốt kiểm soát, địa điểm giãn cách, điều trị bệnh nhân… gợi lại hào khí chưa xa hậu phương chi viện tiền tuyến trong kháng chiến.

Tinh thần
Tinh thần "nhường cơm, sẻ áo" của người Việt Nam được tỏa sáng trong những ngày cả nước chống dịch. Ảnh: PV - Tư liệu

Khi việc chống dịch đã trở thành ý thức tự giác của toàn dân, các doanh nghiệp vào cuộc, trẻ, già, trai, gái vào cuộc, kiều bào ta ở nước ngoài chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ việc mua vắc-xin diệt trừ vi rút. Cùng với việc xã hội hóa nguồn lực chống dịch, các gói cứu trợ của Chính phủ đã kịp thời đến các doanh nghiệp, công nhân, đối tượng chính sách gặp khó khăn, giữ vững an sinh xã hội, ổn định chính trị.

Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các tiến bộ công nghệ số vào phòng, chống dịch, các ứng dụng khai báo y tế điện tử như: Bluezone, đồng hồ thông minh quản lý các F1, F0… đã thần tốc ra đời góp phần đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh .

Công tác truyền thông được chú trọng ngay từ những ngày đầu kịp thời, minh bạch đến với từng người, từng nhà, làm cho các chủ trương, biện pháp phòng dịch của các cấp thấm sâu vào quần chúng để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã góp phần rất lớn trong công cuộc chống dịch. Từ đó hình thành thói quen phép ứng xử “5K” là giải pháp căn cơ, lâu dài trong chống dịch.

Dự báo từ đầu cuộc chiến sẽ gian khổ, kéo dài “mục tiêu kép”, chống dịch thắng lợi để giữ vững sản xuất, sản xuất phát triển để đảm bảo nguồn lực cho chống dịch đã trở thành mệnh lệnh cho toàn dân. Khí phách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam đã làm nên sự thắng lợi quan trọng này.  Sự tăng trưởng dương của Việt Nam trong thời gian qua đã làm nên sự khâm phục đến ngỡ ngàng của bạn bè quốc tế.

Mọi sức mạnh khởi thủy từ văn hóa. Văn hóa là mục tiêu, động lực của phát triển. Việt Nam đang từng bước giành lợi thế với “giặc” Covid-19 từ sức mạnh truyền thống của nền văn hóa. Đó là ý chí kiên cường, lòng quá cảm, trí thông minh và sức mạnh kết đoàn muôn người như một./.