Nâng cao truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
(Baonghean.vn) - Các cơ quan báo chí truyền thông thông qua các tin bài điều tra, phản ánh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đặc biệt quan trọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Sáng 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Báo điện tử VTC News tổ chức Chương trình tập huấn với chủ đề “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”.
Chương trình được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của hơn 100 phóng viên, nhà báo; đại diện các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh chụp màn hình: Quang An |
Đây là hoạt động nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp về thay đổi hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm viết bài tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước trong quản lý rác thải nhựa, sử dụng đồ nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Rác thải nhựa đang bức tử môi trường biển. Ảnh: Quang An |
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lưu Anh Đức - Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực Asean nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần phải khẩn trương hành động để ngăn chặn nguy cơ "tương lai đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá".
Trong những năm qua, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới.
Bao bì, túi ni lông, chai nhựa vứt tràn lan tại biển Diễn Thành trước mùa du lịch. Ảnh: Quang An |
Tại buổi tập huấn, đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia và các cơ quan báo chí đã tập trung trình bày các tham luận, thảo luận về các chủ đề chính bao gồm: Vai trò và vị trí của Việt Nam trong việc chủ động tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; Những chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải pháp thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì tại Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu trong bảo vệ môi trường; Vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn; Vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất...
Đại diện Cục Báo chí và Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, cách khai thác, triển khai các đề tài trong giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương và các bài học thực tiễn để giúp phóng viên, nhà báo hoàn thành tốt vai trò tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường./.