Sỹ tử Nghệ An thấp thỏm chọn trường
(Baonghean.vn) - Ngày 16/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết thúc thời hạn đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021. Với những sỹ tử lớp 12, việc đăng ký nguyện vọng ngay lúc này sẽ quyết định đến tương lai của các em sau này.
Đại học không phải là lựa chọn duy nhất
Trong số 684 học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Viết Thuật năm nay, Thái Bảo Huy - Học sinh lớp 12D4 là một trong ít thí sinh của Trường THPT Lê Viết Thuật không đăng ký xét tuyển vào đại học mà lại chọn đi học nghề sau khi tốt nghiệp. Cá nhân Huy cũng cho biết, quyết định không thi đại học mà chọn ngành cắt tóc để lập nghiệp không phải là nhất thời mà có sự chuẩn bị hơn 1 năm nay, và em cũng đã có hơn 1 năm học nghề và làm thợ phụ cho một tiệm tóc tại thành phố Vinh.
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: MH |
Cùng lớp Huy, có 2 bạn lại quyết định khởi nghiệp theo con đường âm nhạc là Hồ Ngọc Tiến và Bùi Anh Minh. Tiến muốn theo đuổi việc sáng tác nhạc Rap và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ vào TP Hồ Chí Minh vừa đi làm, vừa học hỏi thêm. Còn Minh phụ trách mảng hòa âm, phối khí... nhưng em vẫn chọn theo ĐH Sư phạm Tiếng Anh. Em cho biết sẽ học ở phía Nam để gần Tiến và đây cũng là cách để các em nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc và ấp ủ những dự định trong tương lai.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 12D4 Nguyễn Thị Hà Giang cho rằng, không bất ngờ với quyết định này, bởi hiện nay xu hướng chọn ngành nghề của học sinh đa dạng hơn, trong đó có nhiều em không lựa chọn vào đại học. Bên cạnh đó, với nhiều tổ hợp xét tuyển mới ngoài khối A, B, C, D như truyền thống thì học sinh càng có nhiều cơ hội lựa chọn những ngành nghề khác. “Lớp tôi có khoảng 90% học sinh xét tuyển ĐH, số còn lại cũng có lựa chọn cho riêng mình như học nghề, theo thiên hướng nghệ thuật... Tôi thấy đó là một tín hiệu tích cực vì các em đã có sự lựa chọn đúng với đam mê của mình thay vì xem vào đại học là lựa chọn tuyệt đối”, cô giáo Hà Giang cho biết.
Học sinh lớp 12 tìm hiểu các nguyện vọng trước khi làm hồ sơ. Ảnh: MH |
Tại Trường THPT Cửa Lò 2, em Chu Thị Kim Nhung - Học sinh lớp 12A2 cũng lựa chọn đi xuất khẩu lao động thay vì đi học đại học bởi em thừa nhận so với các bạn trong lớp, năng lực của mình khó có thể học tập tốt. Để chuẩn bị cho quyết định này, trong suốt hơn 1 năm qua, Nhung cũng đã tìm hiểu nhiều thông tin và bắt đầu học thêm Ngoại ngữ. “Ở nơi em ở, mọi người lựa chọn hình thức du học “vừa học vừa làm” ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Em thì mong muốn được đi làm luôn nên có thể sẽ đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản vì cơ hội để được đi dễ dàng và chi phí ít tốn kém hơn”, Nhung chia sẻ.
Năm học này, Trường THPT Cửa Lò 2 chỉ có 96/253 học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Thầy giáo Đặng Công Huân - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi không bất ngờ với tỷ lệ này bởi năm ngoái, tỷ lệ học sinh của trường đăng ký xét tuyển vào đại học còn thấp hơn (20%). So với các trường khác trên địa bàn, mặt bằng chung của học sinh Trường THPT Cửa Lò 2 thấp hơn nên các em muốn được đi học nghề, đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp”.
Khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) năm nay có 721 học sinh lớp 12 và chỉ có 4 em không đăng ký thi đại học nhưng lại có ý định đi du học. Cũng qua thống kê của nhà trường, có đến 2/3 học sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên nên xu hướng của học sinh sẽ thiên nhiều về các ngành kỹ thuật, kinh tế, tài chính, y, dược. Hiện, tổng hợp chung, trung bình mỗi một học sinh đăng ký từ 5 - 6 nguyện vọng, thậm chí có những học sinh nhiều hơn 15 - 20 nguyện vọng và dự kiến việc đăng ký nguyện vọng sẽ còn có nhiều điều chỉnh sau khi các em biết điểm thi.
Cô giáo Lê Thị Hồng Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Việc học sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng có thể hiểu vì các em thường đăng ký vào các trường tốp đầu như Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân nên để trúng tuyển khá khó khăn. Do đó, thêm một nguyện vọng là các em có một cơ hội để trúng tuyển.
Có khá nhiều hồ sơ đăng ký từ 10 nguyện vọng trở lên. Ảnh: MH |
So với các năm trước, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điều chỉnh về xét tuyển nguyện vọng cho thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, ngoài đăng ký qua phiếu đăng ký dự thi, thí sinh còn có thể đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và kéo dài thời gian đăng ký. Nếu như năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất thì năm nay được điều chỉnh 3 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này, về khách quan sẽ thuận lợi cho thí sinh nhưng bên cạnh đó cũng khiến các em đứng trước nhiều khó khăn khi lựa chọn. Như em Thảo Anh - Học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh năm nay đạt giải Ba Quốc gia môn Tin học nhưng khi đăng ký trường vẫn còn băn khoăn bởi “trường thì nhiều nhưng em muốn học thêm về ngành khoa học máy tính thì không nhiều. Có thể, em sẽ đăng ký tuyển thẳng một trường có cơ hội trúng tuyển cao nhưng vẫn ôn thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học một trường mà em yêu thích”.
Sau khi hết thời hạn đăng ký hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã thống kê số lượng của học sinh lớp 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cụ thể, trong năm học này, toàn tỉnh Nghệ An có 34.452 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong số này, có đến hơn 11.000 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (32,35%) và tỷ lệ thi để vừa xét tốt nghiệp, vừa để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng là 67,5%.
Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: MH |
Số trường có thí sinh đăng ký đại học đông không nằm ngoài dự đoán, tập trung chính vào các trường tốp đầu hoặc các trường thuộc vùng trung tâm như Trường THPT DTNT tỉnh, Trường PT DTNT THPT số 2, THPT Huỳnh Thúc Kháng, Lê Viết Thuật, Hà Huy Tập, THPT chuyên Đại học Vinh, THPT Đô Lương, THPT Quỳnh Lưu 1, THPT chuyên Phan Bội Châu với tỷ lệ từ 84 - 100%. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều trường có tỷ lệ thí sinh không đăng ký thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng cao hơn mức trung bình chung của tỉnh từ 38,93% - 50% đó là các trường như THPT Nghi Lộc 5, Quỳ Châu, THPT Hoàng Mai 2, THPT Nguyễn Cảnh Chân, THPT Nam Đàn 2, THPT Đô Lương 2, THPT Anh Sơn 3, THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên)…
Kết quả tổng hợp cũng không nằm ngoài dự đoán khi đa phần thí sinh vẫn lựa chọn đăng ký từ 5 - 6 nguyện vọng, thậm chí có những thí sinh đăng ký từ 35 - 50 nguyện vọng. Việc có quá nhiều lựa chọn cũng cho thấy, vẫn còn có những thí sinh đang gặp khó khăn khi lựa chọn nghề nghiệp hoặc các em chưa tự tin vào quyết định tương lai của mình.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kết quả thống kê nguyện vọng trên cả nước, theo đó, Kinh doanh và Quản lý là nhóm ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Cụ thể, nhóm này có với hơn 1,2 triệu nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu chỉ có 118.679. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành này cũng gấp hơn 10 lần chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, dự báo đây sẽ là những nhóm ngành có cạnh tranh rất lớn.
Tiếp đến là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành này cũng gấp gần 7 lần so với lượng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.
Với học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội thì nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi thu hút 239.491 nguyện vọng đăng ký. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường là 29.052, bằng 1/8 số nguyện vọng đăng ký.
Một tín hiệu tích cực là năm nay nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên cũng nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh và cơ hội trúng tuyển cũng cao hơn.