Syria: Giao tranh dữ dội, 100 người thiệt mạng
Lực lượng chính phủ Syria đã tấn công dữ dội thành phố Aleppo bằng không kích, xe tăng và pháo hạng nặng. Giao tranh cũng diễn ra ác liệt tại một phần thủ đô Damascus và miền nam, ít nhất 100 người thiệt mạng.
Các nhóm hoạt động thân phe nổi dậy thông báo qua truyền thông phương tây ngày 20-8.
Xe tăng của quân đội chính phủ ở Damascus - ảnh: Telegraph.co.uk |
Bạo lực leo thang nghiêm trọng sau một ngày yên ả hôm 19-8, ngày bắt đầu của lễ Eid Al-Fitr thiêng liêng kéo dài ba ngày với người Hồi giáo, đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói quan điểm của Mỹ về việc can thiệp quân sự vào Syria có thể thay đổi nếu vũ khí hóa học hay sinh học được sử dụng trong cuộc nội chiến.
“Việc sử dụng vũ khí sinh học và hóa học không chỉ liên quan tới Syria. Nó sẽ gây ra lo ngại với các nước đồng minh của chúng ta trong vùng, bao gồm Israel, và sẽ gây ra quan ngại cho chúng ta”, hãng tin AP dẫn lời ông Obama, đồng thời cảnh báo chính quyền Assad và “những phe phái khác trong cuộc xung đột” không được sử dụng các loại vũ khí hàng loạt này, bởi đó là “lằn ranh đỏ” với Mỹ.
Tháng trước, chính quyền Syria lần đầu tiên thừa nhận có sở hữu vũ khí hóa học và đe dọa sẽ sử dụng nếu bị các lực lượng nước ngoài tấn công.
Các tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, có trụ sở ở nước ngoài và thông qua mạng lưới cộng tác viên địa phương, nói ít nhất 100 người đã thiệt mạng trên cả nước chỉ trong ngày 20-8. Theo đó, các đợt không kích và đạn pháo từ xe tăng đã làm sập hai căn nhà ở Aleppo, thành phố lớn nhất Syria, làm ít nhất 14 người thiệt mạng.
Aleppo là chiến trường dữ dội nhất trong vài tuần qua, khi lực lượng chính phủ đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát thành phố từ tay quân nổi dậy. Ở thành phố miền nam Daraa, giao tranh cũng đã khiến 16 người thiệt mạng. Các máy bay phản lực chiến đấu cũng đã không kích thị trấn Tel Rifat, cách Aleppo 30 km về phía bắc. Thị trấn này được coi là một căn cứ địa quan trọng của lực lượng nổi dậy.
Đặc phái viên mới của Liên Hiệp Quốc về Syria, Lakhdar Brahimi, thừa nhận ngày 19-8 rằng ông không có ý tưởng rõ ràng nào về việc chấm dứt xung đột và nhiệm vụ của ông sẽ rất khó khăn nếu như Hội đồng bảo an không có một lập trường thống nhất.
“Vấn đề không phải là tôi có thể làm gì khác đi, vấn đề là các nước khác phải cư xử khác đi ra sao”, ông nói với AP ở Paris. “Nếu họ có cùng lập trường và ủng hộ rõ ràng những gì mà tôi làm đại diện cho Liên Hiệp Quốc, thì đó chính là những gì tôi cần”.
Theo Tuổi trẻ - ĐT