Tái đàn lợn sao cho hiệu quả sau dịch?

Phú Hương 02/04/2020 14:48

(Baonghean) - Tái đàn lợn đang là chủ trương được Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo triển khai. Tại Nghệ An, sau khi gần 100.000 con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, thì hiện nay khi dịch cơ bản đã được kiểm soát và hiện là thời điểm phù hợp để tái đàn.

Bất cập chăn nuôi nhỏ lẻ

Phải chờ 4 tháng sau khi đàn lợn trong chuồng bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Tăng Tiến Quyết, xóm 8 xã Thọ Thành, Yên Thành mới dám tái đàn. “Bỏ ra gần 10 triệu đồng mua lợn giống, thế nhưng nuôi được một tuần lợn lại bị dịch. Hiện tại giá lợn đang rất cao và dễ bán, để chuồng không tiếc lắm nhưng chưa dám nuôi lại vì sợ dịch, tôi đành chuyển sang nuôi gà, ngan và vịt đẻ”, ông Quyết chia sẻ.
Dịch tả lợn châu Phi đã làm hơn 20.000 con lợn của huyện Yên Thành phải tiêu hủy. Bắt đầu tái đàn từ sau tết âm lịch, theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thì số hộ đã tái đàn là 1.763 hộ/5.283 hộ có lợn bị dịch. “Khó khăn nhất hiện nay là chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân vẫn đang chiếm phần lớn, mật độ chăn nuôi dày đặc, thậm chí nuôi chung gia súc với gia cầm, nguy cơ lây nhiễm khi tái đàn rất cao. Cùng với những yếu tố khác như tâm lý e ngại, giá giống và thức ăn cao, thì người dân chưa tái đàn nhiều còn do bà con thấy chưa đáp ứng yêu cầu về đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh, môi trường khi tái đàn hiện đang được địa phương tập trung đẩy mạnh”, ông Dương cho biết.

Người chăn nuôi cần thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại trước khi tái đàn. Ảnh: Phú Hương
Người chăn nuôi thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại trước khi tái đàn. Ảnh: Phú Hương

Từ khi đàn lợn buộc phải tiêu hủy đến nay đã gần 7 tháng, nhưng bà Phan Thị Mậu - xóm 5 xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương vẫn chưa dám tái đàn. “Lợn giống đắt quá mà cũng không có để mua. Bỏ ra khoản tiền lớn mua giống mà dịch tái phát thì nguy. Vì thế tôi đang chuyển sang nuôi gà, chờ thêm thời gian nữa giá lợn giống giảm mới tính đến chuyện tái đàn lợn”, bà Mậu cho biết.

Theo ông Đào Quang Biên - Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Thanh Chương, hiện mức độ tái đàn lợn tại những nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thanh Chương là chưa đáng kể. “Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi làm 7.600 con lợn buộc phải tiêu hủy, thế nhưng thiệt hại này hoàn toàn là của các gia trại nhỏ và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại lớn trên địa bàn không hề bị dịch. Đến nay, tại các trang trại tập trung, việc chăn nuôi chưa bị gián đoạn, theo quy trình khép kín, tự túc con giống. Còn tại các gia trại nhỏ và chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân, tuy từ sau tết Nguyên đán bà con cũng bắt đầu tái đàn nhưng rất ít".
Thực tế, tâm lý bà con vẫn đang sợ dịch bệnh bùng phát nên chưa hào hứng tái đàn. Trong khi đó, lợn giống rất khó mua mà giá lại rất cao. Nếu trước đây một con lợn giống siêu nạc nặng 7- 8 kg có giá 1,3- 1,4 triệu đồng, thì nay tăng lên 2,5 - 2,6 triệu đồng; lợn giống trong dân tăng từ 500.000 - 600.000 đồng/con lên 1,5 - 1,6 triệu đồng/con. Rất nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gà, ngan, vịt. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Thanh Chương đã giảm trên 30.000 con, hiện còn 89.000 con.

Tái đàn an toàn, hiệu quả

Sau dịch, giá thịt lợn ngày càng tăng cao, hiện vẫn đang ở mức gần 90.000 đồng/kg, cao gấp hơn hai lần so với trước đây. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trương đẩy mạnh tái đàn lợn, góp phần đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn giá thịt lợn trên thị trường. Tuy nhiên, để tái đàn an toàn, hiệu quả thì thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành chuyên môn, đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh là điều kiện tiên quyết hiện nay.

Hệ thống chuồng trại ở các hộ nuôi nông hộ còn tồn tại rất nhiều bất cập. Ảnh: Phú Hương
Hệ thống chuồng trại ở các hộ nuôi nông hộ còn tồn tại rất nhiều bất cập. Ảnh: Phú Hương

Từ tháng 5/2019 ông Nguyễn Hữu Sáng - xóm 3 xã Thọ Thành, Yên Thành phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình vì dịch tả lợn châu Phi. Sau 4 tháng bỏ trống chuồng, ông bắt đầu nuôi lại. “Lúc đầu chỉ dám nuôi 8 con, may mắn là đàn lợn an toàn, lớn nhanh nên tôi mạnh dạn tái đàn, đến nay lứa lợn thứ 3 đã chuẩn bị xuất chuồng”, ông Sáng cho biết.

Để có được kết quả này, cả mấy tháng trước khi tái đàn, ông đã xử lý rất kỹ môi trường nuôi, cứ 5 ngày rắc vôi một lượt, trên tường chuồng nuôi dùng nước sôi dội hoặc thậm chí đốt lửa để tiêu diệt mầm bệnh.

Tại các gia trại, chăn nuôi an toàn sinh học dù đã được áp dụng nhưng chưa triệt để và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Phú Hương
Tại các gia trại, chăn nuôi an toàn sinh học dù đã được áp dụng nhưng chưa triệt để và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Phú Hương

Để đảm bảo tái đàn lợn thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi; nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn để sớm giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Nghệ An chủ trương khuyến khích tăng đàn ở các trang trại lớn và được các doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực, như công ty Masan thường chỉ có 40.000 - 50.000 con, nhưng mấy tháng nay đã tăng lên 90.000 con; một số doanh nghiệp như CP, Tiến Thành… cũng có mức độ tăng đàn khá lớn, với mức tăng khoảng 5.000 con/đơn vị trong tháng 2/2020. Ngoài ra tại các trang trại và gia trại nhỏ, tổng số đàn lợn đã được nuôi tái đàn khoảng 7.000 - 8.000 con, đưa tổng đàn lợn của Nghệ An hiện tại lên gần 870.000 con.

“Thực tế, dịch hầu như chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh còn rất hạn chế, vì vậy việc tái đàn ở những vùng bị dịch này sẽ chậm hơn so với các trang trại lớn, tập trung. Chúng tôi đang chỉ đạo rà soát, đánh giá, xác định những nơi đủ điều kiện mới tập trung tái đàn, không khuyến khích tái đàn ồ ạt, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và môi trường. Những hộ không chấp hành đúng các quy định của Luật Thú y khi tái đàn, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ, thậm chí còn bị xử lý theo quy định”

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Bên cạnh tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; các nguyên tắc, biện pháp và các bước nuôi tái đàn lợn, các địa phương, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, cho vay vốn để doanh nghiệp, trang trại, gia trại đủ điều kiện tái đàn, tăng đàn.

Hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tăng cường sản xuất, nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh, tuyên truyền người dân tuyệt đối không mua lợn giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Mới nhất
x
Tái đàn lợn sao cho hiệu quả sau dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO