Tái diễn nhiều biểu hiện 'phản văn hóa' trong đám cưới

17/11/2016 10:47

(Baonghean) - Hơn 10 năm qua, phong trào cưới theo nếp sống văn hóa mới ở Nghệ An đã được hình thành, phát triển rộng khắp, lan tỏa ở các địa phương, đơn vị, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng... Song gần đây, nhiều biểu hiện tiêu cực, “phản” văn hóa trong đám cưới lại tái hiện.

Những mô hình đám cưới văn hóa mới

Tại xã vùng biển bãi ngang Diễn Hùng (Diễn Châu), hơn 10 năm qua mô hình đám cưới 500.000 đồng đã được thực hiện tổ chức, phổ biến tại nhà văn hóa xã. Đảng ủy - HĐND - UBND xã đã xây dựng quy chế tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa xã.

Theo đó, mỗi đám cưới được tổ chức tại nhà văn hóa hết sức gọn nhẹ nhưng đầm ấm, vui vẻ. Đôi tân hôn chỉ phải nộp 500.000 đồng, bao gồm thuê nhạc, người tổ chức và mua kẹo, nước, hoa quả phục vụ đám cưới, còn công tác phục vụ giao cho ban văn hóa và đoàn thanh niên.

Ông Phan Đức Lương - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Hùng cho biết: Trong lễ cưới, đôi tân hôn sẽ lên dâng hoa, dâng hương ở đài tưởng niệm xã; Chủ tịch UBND xã phát biểu chúc mừng hạnh phúc và trao giấy chứng nhận kết hôn. Toàn bộ phần thủ tục chỉ diễn ra trong khoảng 40 phút. Với những nhà có điều kiện cũng chỉ tổ chức 25 mâm trong tiệc báo hỉ thân hữu, nội ngoại. Ban đầu việc vận động người dân thực hiện quy chế cũng gặp khó khăn, song khi tổ chức hiệu quả mô hình, góp phần tiết kiệm hàng chục triệu đồng/đám cưới, thì bà con đã nhận ra và hưởng ứng tích cực. Hàng năm 100% đám cưới được tổ chức tại nhà văn hóa xã.

\\Baonghean\macdata\2-3 Nhat bao\Nam 2016\Tháng 11\15-11\5
Đám rước dâu đi bộ ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

Tương tự, xã Nghi Hợp (Nghi Lộc) cũng đã xây dựng mô hình việc cưới theo nếp sống văn hóa mới. Thực hiện mô hình, xã lồng ghép trong các cuộc họp, qua loa phát thanh xã xuống tận xóm, qua những bài viết, những câu chuyện có thực về hậu quả của đám cưới không tiết kiệm; chỉ đạo đoàn thanh niên xây dựng đám cưới mẫu, từ đó nhân rộng và lan tỏa.

Với đám cưới mẫu, chính quyền xã đứng ra tổ chức tại nhà văn hóa xóm, đoàn thanh niên lo loa đài, bàn ghế, dẫn chương trình. Tiệc mặn nếu có tổ chức vào ngày lễ chính thì thành phần cũng chỉ họ hàng nội, ngoại, bạn bè thân thiết của gia chủ. Trong 5 năm trở lại đây, ở xã Nghi Hợp đã có trên 30 đám cưới mẫu như vậy.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Từ năm 2004, trên địa bàn huyện đã có 100% xóm tổ dân cư, cơ quan đơn vị xây dựng và đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào quy ước, hương ước; theo đó quy trình nội dung tổ chức cưới đơn giản gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo nét văn hóa trong việc cưới, về cơ bản chỉ còn 2 lễ là lễ hỏi và lễ cưới. Bên cạnh đó, đám cưới thực hiện không thuốc lá, không say rượu, không mở loa máy gây ồn ào sau 22 giờ và trước 6 giờ, không còn hiện tượng dựng rạp cưới trên đường giao thông, không đánh bài bạc trong đám cưới.

Anh Đoàn Hồng Vũ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho hay: Thực hiện việc cưới theo nếp sống văn hóa, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn xây dựng được 56 câu lạc bộ tiền hôn nhân, 25 đội kỹ năng sống, đội thanh niên xung kích tuyên truyền thực hiện đổi mới việc cưới. Tiêu biểu là mô hình “Cưới tiết kiệm” tại huyện Quỳ Hợp, huyện Anh Sơn, Bộ đội Biên Phòng tỉnh; mô hình “Cưới theo nếp sống mới” tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ và thành phố Vinh; mô hình “Tiệc ngọt kết hợp với báo hỷ sau cưới”; “cưới vui tươi, văn minh, tiết kiệm” tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành. Trong 12 năm, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo tổ chức được gần 1.200 đám cưới văn hóa.

Những năm 2000 trở về trước, tình trạng các đám cưới trên địa bàn tổ chức phô trương, linh đình gây tốn kém, lãng phí và mất an ninh trật tự vẫn diễn ra phổ biến. Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng này, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị 19 ngày 18/2/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc đi vào thực hiện Chỉ thị 19 và các văn bản liên quan, sau 12 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 86 mô hình với 94.752 / 229.771 đám cưới theo nếp sống văn hóa mới.

Đẩy lùi biểu hiện tiêu cực

Thực hiện phong trào đám cưới theo nếp sống văn hóa mới, những tập tục lạc hậu (thách cưới, cướp vợ, ép duyên...) được loại bỏ; thời gian cưới được rút gọn, tổ chức cưới tại 1 địa điểm; các nghi lễ cưới hỏi tinh gọn, nhẹ nhàng và văn minh hơn... Bên cạnh cái được, thì vẫn còn nhiều mặt tồn tại. Trong Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 19 của tỉnh vừa được tổ chức mới đây, báo cáo đánh giá kết quả cho biết: Tỷ lệ vi phạm nếp sống văn hóa trong việc cưới là 3,2%, có 1.250 đám cưới tảo hôn.

Tại hội nghị nói trên, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Trong khoảng 5 năm đầu, Chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc, song những năm gần đây, công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện việc cưới của các cấp ủy, chính quyền thiếu thường xuyên nên phong trào tổ chức việc cưới theo nếp sống văn hóa chững lại; các mô hình cưới theo nếp sống văn hóa phần lớn chưa được duy trì và nhân rộng.

Ở TP. Vinh, tình trạng vi phạm quy định nghiêm cấm sử dụng vỉa hè, lòng đường vào việc cưới còn phổ biến. (ảnh chụp ngày 9/10/2016 trên đường Lê Duẩn)
Ở TP. Vinh, tình trạng vi phạm quy định nghiêm cấm sử dụng vỉa hè, lòng đường vào việc cưới còn phổ biến. (Ảnh chụp ngày 9/10/2016 trên đường Lê Duẩn)

Thực tế diễn ra khá phổ biến ở một vài địa bàn đô thị vài năm trở lại đây là việc tổ chức cưới, hỏi có chiều hướng ngày càng phô trương, hình thức gây bức xúc trong dư luận; tình trạng rải tiền lẻ trên đường khi rước dâu vẫn còn diễn ra, vi phạm trật tự, hành lang giao thông trở nên khá phổ biến...

Tại địa bàn thành phố Vinh, mỗi khi mùa cưới về, nhiều hộ gia đình thường thuê, dựng rạp cưới trên vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ách tắc, cản trở giao thông. Thậm chí mới đây, có lãnh đạo phường xã còn tổ chức tiệc cưới linh đình cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đám cưới “phản” văn hóa “nở rộ” thời gian qua được nhận định do các cấp, ngành địa phương còn buông lỏng quản lý; ý thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; các hình thức xử lý trường hợp vi phạm chưa nghiêm, chưa có tính răn đe cao; chưa xây dựng, hoàn thiện các mô hình cưới theo nếp sống văn hóa để phổ biến cho nhân dân được biết, thực hiện.

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Để thực hiện nghiêm việc cưới theo nếp sống văn hóa mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn đã chỉ đạo: Cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải nêu cao tính gương mẫu trong việc tổ chức cưới; Gắn việc nêu gương với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 60/2016/UBND ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đưa việc thực hiện vào tiêu chí đánh giá xếp loại tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể hàng năm.

Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An:

Điều 4 - Tổ chức lễ cưới (1. Tổ chức lễ cưới tại một địa điểm, trong một ngày; 2. Tổ chức tiệc mặn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chỉ mời cơm trong gia đình, thân tộc, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết cùng cơ quan trực tiếp công tác với số lượng hạn chế và chỉ được mời tối đa không quá 600 khách. Cán bộ công chức, viên chức không dự tiệc cưới trong giờ hành chính; khi cưới hoặc tổ chức lễ cưới cho con phải báo cáo với chính quyền nơi cư trú và thủ trưởng cơ quan nơi công tác về cách thức tiến hành việc cưới; 3. Cơ quan đoàn thể, gia đình cá nhân tổ chức mừng lễ cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh của gia đình.);

Điều 9- Khuyến khích thực hiện một số hình thức tổ chức lễ cưới (1. Tổ chức tiệc trà, bánh kẹo cho người thân; báo hỷ đối với đồng nghiệp và bạn bè; 2. Sử dụng hội trường, nhà văn hóa hoặc địa điểm sinh hoạt văn hóa thể thao, tạo điều kiện để cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới; 3. Cô dâu, chú rể và gia đình dâng hoa, dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong dịp cưới; 4. Cơ quan đoàn thể ở các khu công nghiệp tổ chức cưới cho công nhân viên chức lao động tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Khuyến khích hình thức tổ chức đám cưới tập thể).

Diệu Thiện

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tái diễn nhiều biểu hiện 'phản văn hóa' trong đám cưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO