Tại sao là Việt Nam?

Nguyễn Phúc Nam Đàn 27/02/2019 19:24

(Baonghean.vn) - Mấy hôm nay giới truyền thông quốc tế rạo rực bởi các từ Việt Nam, Mỹ, Triều Tiên, D.Trump, Kim Jong-un, Hà Nội... Một câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất là: Tại sao địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lại được tổ chức ở Hà Nội, Why’s Việt Nam?

Cú bắt tay đầu tiên của hai ông Trump và Kim tại Hà Nội. Ảnh: Zing.vn

Nhiều đáp án trả lời được nêu ra khá xác đáng. Giới phân tích trong và ngoài nước cũng nhìn thấy những hiệu ứng tích cực cho Việt Nam về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... từ sự kiện này.

Tuy vậy có một điều, thiết nghĩ cũng cần được nói ra một cách sòng phẳng. Sau khi tất cả gần như thống nhất lý do việc chọn địa điểm thì len lỏi suy nghĩ cho rằng sự lựa chọn này dường như là một sự “ưu ái, ban phát” từ các ông lớn quốc tế và Việt Nam gặp may mắn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với các đại biểu tham gia ký kết thỏa thuận thương mại giữa Vietjet Air và Công ty General Electric. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Có thật sự là vậy không? Mình không nghĩ vậy. Đó rõ ràng là một quyết định ĐÚNG ĐẮN về mặt LÝ TRÍ chứ không phải là một quyết định duy tình từ các vị lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Đây là yếu tố nổi trội trong quyết định nói trên của các chính trị gia có tầm cỡ như ông D.Trump và Kim Jong-un. Bởi các ông và đất nước các ông thu được rất nhiều cái lợi từ quyết định này.

Thế giới sẽ đánh giá cao quyết định của 2 ông. Chỉ điểm qua vài vấn đề như sau để thấy sự sáng suốt của họ:

Hãy bắt đầu từ các câu hỏi: Sứ mệnh đàm phán của lãnh đạo 2 nước là gì? Ở đâu bảo đảm an ninh nhất để họ được an toàn tuyệt đối? Ở đâu mà thiện chí của họ sẽ được hiểu đúng, sẽ được hỗ trợ tích cực, hiệu quả nhất? Ở đâu các thông điệp ngoài nội dung đàm phán cụ thể của họ sẽ được lan tỏa mạnh mẽ?...

Vậy Việt Nam liên quan như thế nào tới các vấn đề trên?

Hãy nhớ rằng Việt Nam là dân tộc chịu nhiều các cuộc chiến tranh xâm lược nhất thế giới. Lịch sử tồn tại, phát triển của Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Máu đã đổ, xương đã tan quá nhiều trên mảnh đất hình chữ S này trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Người Việt Nam hiểu và quý trọng hơn ai hết giá trị của hai từ HÒA BÌNH.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào trưa ngày 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: CNN.

Một dân tộc luôn coi Hòa bình là khát vọng, còn đâu tốt hơn nữa khi “mượn” hình ảnh đó và tại đất nước đó để gửi gắm thiện chí của mình!

Vậy vấn đề an ninh thì sao? Xin thưa, không có nhiều nước trên thế giới mà người dân cũng như du khách cảm thấy thoải mái, an toàn khi đi tự do hết hang cùng, ngõ hẻm, khi ngồi uống cà phê vỉa hè hay khi “cháy” hết mình ở những nơi vui chơi công cộng.

Bạn sẽ không thấy những người cảnh sát với khuôn mặt đằng đằng sát khí, tay lăm lăm khẩu súng, sẵn sàng nhả đạn ở bên cạnh để bảo vệ bạn. Nhưng yên tâm đi, những kẻ thủ bom trong người, giấu súng để “đòm” bạn không bao giờ bén mảng được tới gần bạn, vì lực lượng an ninh đã “hốt” chúng trước đó rồi. Đây là kết quả tất yếu của phương châm mà người Việt Nam gọi là “thế trận an ninh nhân dân” đó. Quá độc đáo nhỉ.

Còn vấn đề hậu cần, kỹ thuật phục vụ Hội nghị thì như thế nào? Cũng không phải là vấn đề lớn. Chi vài ba chục triệu đô Mỹ để lo cho 2 người bạn đến chơi nhà là chuyện bình thường với một dân tộc hiếu khách như Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cho giới báo chí, cho các lực lượng chức năng tác nghiệp hiệu quả cũng đều nằm trong tầm tay của chủ nhà.

Và nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm để tổ chức và tổ chức thành công các Hội nghị, các hoạt động quốc tế lớn trong những năm qua. Trong nhiều tình huống khó khăn của các cuộc đàm phán đa phương, Việt Nam luôn có những sáng kiến, có giải pháp hợp lý để tháo gỡ, dẫn dắt, truyền động cho cộng đồng quốc tế đạt được mục tiêu chung. APEC 2017 là một ví dụ.

Lại có người nêu: Tại sao những nước lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản hay đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á như Thái Lan hoặc giả một nước Châu Âu nào đó không được chọn?

Về khía cạnh này Việt Nam quả là một trường hợp đặc biệt. Vốn dĩ là một quốc gia bị cấm vận toàn diện dẫn đến kiệt quệ (mà lý do là lỡ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng) nhưng Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đó khá ngoạn mục, để rồi có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hầu hết các quốc gia, các thực thể, các định chế quốc tế.

Trụ cột cho sự thành công của Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia là thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị của các nước. Nói đi đôi với làm, Việt Nam luôn thực hiện đúng nguyên tắc “3 không” mà mình đề ra không liên minh quân sự, không là căn cứ quân sự của nước khác, không dựa vào nước này để chống lại một nước thứ ba”.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam là mô hình thành công nhất cho sự hàn gắn, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, giúp đỡ và chia sẻ với nhau giữa những nước vốn là cựu thù của nhau, giữa những nước có thể chế chính trị khác nhau.

Chừng đó đủ để thấy Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra giá trị và khẳng định vị trí, vai trò của mình lớn thế nào trong mắt bạn bè quốc tế. Với thời điểm hiện nay, coi Việt Nam là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu kiến tạo Hòa bình cho khu vực và thế giới là bước đi đúng đắn của các nhà Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên.

Với một đất nước như thế, mọi người có thể hy vọng và tin tưởng vào sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

Tại sao là Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO