Tại sao nên tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba?

Thùy An - Lê Phương - Thùy Linh 13/11/2021 10:40

Mũi vaccine Covid-19 thứ ba là mũi tăng cường có hiệu quả bảo vệ cao, nên tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, theo chuyên gia.

Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai tiêm mũi ba vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV ngày 11/11. Hiện Bộ Y tế chưa công bố kế hoạch cụ thể tiêm mũi ba.

"Mũi vaccine thứ ba là mũi tăng cường, nên tiêm sau 3 đến 6 tháng. Hai mũi đầu được gọi là mũi cơ bản và trước mắt nên tiêm mũi ba cho những người lớn tuổi, bệnh nền, nguy cơ cao", bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), nói.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP. HCM), cho biết, trong tiêm vaccine có hai loại, gồm: tiêm chủng cơ bản (basic) và tiêm chủng tăng cường (booster). Tiêm chủng cơ bản có một mũi, hai mũi hoặc thậm chí ba mũi (tùy liệu trình từng loại vaccine) để đảm bảo miễn dịch.

Trong thứ tự này, những mũi nào lặp lại sau mũi đầu tiên thì gọi là mũi nhắc. Còn khi hoàn thành liệu trình vaccine, tiêm thêm một mũi để đảm bảo tốt hơn được gọi là mũi tăng cường.

Như vậy, với các loại vaccine Covid-19 Việt Nam đang sử dụng, mũi thứ ba gọi là mũi tăng cường. "Còn những loại vaccine chỉ cần tiêm một mũi là đủ liều như Johnson & Johnson, mũi hai được gọi là mũi tăng cường", PGS Dũng giải thích. Trả lời VnExpress, một lãnh đạo Bộ Y tế cũng đồng quan điểm, cho rằng mũi thứ ba nên gọi là mũi tăng cường.

Chiến lược tiêm vaccine liều thứ ba đã được nhiều quốc gia triển khai. Israel là một trong những nước đầu tiên phê duyệt, giúp chấm dứt đợt lây nhiễm thứ tư nghiêm trọng. Quốc gia tiêm chủng cho những người trên 65 tuổi vào tháng 8, sau đó mở rộng toàn dân. Tính đến ngày 9/11, gần 4 triệu người Israel - hơn 42% dân số - đã tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba. Gần 67% dân số (bao gồm cả trẻ em) tiêm ít nhất 1 liều.

Kể từ tháng 9, phần lớn các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Áo tiêm liều vaccine thứ ba cho những người dễ tổn thương, lớn tuổi và bị suy giảm miễn dịch. Mục tiêu chính của chương trình là kéo dài sự bảo vệ, giảm thiểu số ca nhiễm nghiêm trọng khi thời tiết lạnh hơn.

Từ tháng 10, Trung Quốc cũng bắt đầu tiêm liều thứ ba vaccine Covid-19 cho những người đã hoàn thành tiêm chủng ít nhất 6 tháng trước. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã phê duyệt tiêm liều tăng cường (booster) vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson.

Người dân đăng ký và tiêm vaccine Sputnik V của Nga tại TP Thủ Đức, ngày 16/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Người dân đăng ký và tiêm vaccine Sputnik V của Nga tại TP. Thủ Đức, ngày 16/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trên thế giới, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm tăng cường cho người lớn tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ngày 11/10, nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược (SAGE) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiêm mũi ba cho người suy giảm miễn dịch. Theo SAGE, nhóm đối tượng này ít có khả năng đáp ứng đầy đủ với vaccine nếu chỉ tiêm theo liều tiêu chuẩn và có nguy cơ trở thành ca bệnh nặng khá cao.

Đối với các loại vaccine mRNA như Moderna và Pfizer, đối tượng ưu tiên là người từ 65 tuổi trở lên, từ 50-64 tuổi mắc bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Liều thứ ba tiêm sau liều hai ít nhất 6 tháng.

Đối với vaccine Johnson & Johnson (liệu trình 1 liều), tất cả người từ 18 trở lên đều đủ điều kiện tiêm liều tăng cường thứ hai ít nhất 2 tháng sau liều đầu tiên.

CDC cho phép tiêm trộn hoặc tiêm cùng loại với các liều đầu tiên. Người dùng có thể tự lựa chọn loại vaccine mình muốn trong liều tăng cường.

Cơ quan cho biết vaccine Covid-19 tiêm theo liệu trình gốc (2 liều với Moderna, Pfizer và một liều với Johnson & Johnson) đủ hiệu quả ngăn ngừa mắc Covid-19 nặng hoặc tử vong, kể cả với biến thể Delta nguy hiểm hơn đang lưu hành rộng rãi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng nhận thấy khả năng bảo vệ của vaccine giảm sau một thời gian, đặc biệt ở một số nhóm người nhất định.

Việt Nam cũng khuyến cáo tương tự. Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, trong năm tới, Bộ Y tế cũng tính tới việc tiêm mũi tăng cường cho người bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch... Việc tiêm liều tăng cường dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ công tác tiêm chủng quốc tế.

Theo Phó Giáo sư Dũng, ở người cao tuổi, người mắc bệnh nền hoặc sử dụng vaccine có hiệu lực thấp, khả năng duy trì miễn dịch kém hơn, nên hiệu lực vaccine cũng giảm theo thời gian.

"Ở nhóm này, việc tiêm liều ba có thể kích hoạt kháng thể, giúp nồng độ kháng thể tăng cao, bảo vệ cơ thể không bị nặng và tử vong do mắc Covid-19", bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nói, đồng thời nhấn mạnh, việc tiêm phòng mũi ba cho những người này là cần thiết.

Tuy nhiên, "việc tiêm vaccine mũi ba nên cân nhắc tình hình tiêm chủng tại địa phương và số lượng vaccine phân bổ về", bác sĩ Hà nói.

Trong thời điểm này, ngành Y tế vẫn nên ưu tiên vaccine để phủ đủ 2 mũi trên diện rộng, sau đó mới tính đến việc tiêm mũi ba cho những người nguy cơ như miễn dịch kém, người cao tuổi... Ví dụ, ở nhiều địa phương còn nhiều người ở cao tuổi chưa được tiêm mũi hai, nên ưu tiên phân bổ vaccine cho những người này trước khi tiêm mũi ba (tăng cường).

Tính đến 12/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với gần 84% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều; hơn 40% số người từ 18 tuổi tiêm đủ 2 liều. Hiện, miền Bắc thiếu 23 triệu liều vaccine Covid-19, miền Trung cần thêm 5 triệu liều, Tây Nguyên cần 2,5 triệu liều, miền Nam thiếu 4 triệu liều - sẽ được Bộ Y tế phân bổ đủ trong tháng này, đảm bảo mục tiêu cuối năm 2021 bao phủ vaccine cho 70-80% dân số.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Tại sao nên tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO