Tại sao người Ơ đu lại sợ tiếng chiêng
(Baonghean.vn) - Tiếng chiêng không phải là âm thanh mong đợi của người Ơ đu cư trú ở xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Khi một ai đó gõ chiêng là thảm họa của cả nhà, thậm chí là cả dòng họ. Tiếng chiêng vang lên được cho là sẽ động đến Then (nhà Trời) và sẽ bị giáng họa.
Những người phụ nữ dân tộc Ơ đu |
Cộng đồng người Ở đu là một trong 54 dân tộc của Việt Nam và chỉ có duy nhất ở huyện Tương Dương. Trước năm 2006, người Ở đu sinh sống ở các bản Xốp Pột, Pủng Ca Moong, Kim Hòa xã Kim Đa. Ở một số xã, người Ơ đu sống hòa lẫn với người Thái, Khơ mú. Từ năm 2006, người Ơ đu di dời đến sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My. Những bản cũ của họ đã chìm vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Một ngôi nhà được cho là giống với kiến trúc cổ của người Ơ đu nhất tại bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). |
Ngày nay về cơ bản văn hóa của người Ơ đu gần như đã biến mất hoàn toàn. Chỉ có những người già nhất nhớ được hơn 200 từ, nhưng không ít trong số này vay mượn tiếng Thái. Họ chỉ còn giữ được rất ít tập tục trong đó tiêu biểu là nỗi sợ tiếng chiêng.
Ông Lo Văn Phúc, một trong số ít người già nhất còn lại trong bản cho biết hiện nay người Ơ đu giữ phong tục không gõ chiêng, trống. Tiếng chiêng chỉ vang lên một lần trong năm. Đó là lúc có tiếng sấm đầu năm, chủ nhà sẽ gõ 3 tiếng chiêng rồi treo lên vị trí trang trọng, gần bàn thờ tổ tiên. Từ đó trong suốt một năm không ai được động đến nữa.
Ông đựng tiền, giỏ cá, giỏ tra hạt của người Ơ đu tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam |
Người Ơ đu cho rằng tai họa sẽ đến nếu ai vô tình hay cô ý gõ chiêng vào ngày thường. Gõ chiêng trong ngày không có tiếng sấm đầu năm lần lượt từng người trong nhà sẽ ốm đau bệnh tật, dẫn đến mất mạng. Sau đó sẽ đến những người trong họ hàng. Để tránh tai họa, người phạm vào tục cấm sẽ phải mổ lợn, thậm chí là trâu bò để cúng Then (Trời) xin xá tội. Lễ cúng thường rất tốn kém nên chẳng mấy ai dám vi phạm luật tục.
Theo ông Lo Văn Phúc, nỗi sợ tiếng chiêng liên quan đến tục thờ Trời của người Ơ đu. Phong tục này bắt dầu bởi quan niệm khởi điểm của một năm kể từ khi có tiếng sấm đầu tiên. Con ông Lo Văn Tình - Bí thư Chi bộ bản Văng Môn cho biết: Trước kia người Ơ đu đã lập lời thề sẽ không bao giờ gõ trống chiêng trong ngày thường. Chỉ đánh lên một hồi 3 tiếng khi nghe tiếng sấm đầu năm. Từ đó thành tập tục.
Hữu Vi
TIN LIÊN QUAN |
---|