Tạm dừng khai thác nước ngầm ở ‘thủ phủ khoáng sản’ Nghệ An do sụt lún bất thường
(Baonghean.vn) - Ngày 11/5/2022, UBND huyện Quỳ Hợp vừa có thông báo về việc tạm dừng bơm hút, khai thác nước ngầm đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Châu Hồng.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Na Hiêng, bản Công, bản Na Noong, bản Poong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Thời gian tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm từ ngày thông báo đến khi có thông báo mới.
Huyện Quỳ Hợp giao UBND xã Châu Hồng phát thông báo này đến tận các tổ chức liên quan và ban cán sự các xóm nêu trên, thông báo trên hệ thống loa phát thanh của UBND xã và các xóm, bản để nhân dân được biết và chấp hành. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân bơm hút, khai thác nước ngầm tại các xóm nêu trên. Nếu các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục cố tình khai thác thì lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Một góc xã Châu Hồng nhìn từ trên cao. Đây được xem như "thủ phủ khoáng sản" với hàng loạt mỏ. Ảnh: T.H |
Động thái này diễn ra sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An có văn bản gửi UBND huyện Quỳ Hợp về hiện tượng sụt lún đất tại xã khu vực bản Na Niếng, bản Poong, bản Na Noong, xã Châu Hồng. Đoàn đã kiểm tra thị sát, ghi nhận nhiều vị trí công trình của cơ quan, nhà dân bị nứt và giếng nước bị khô…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, trong khi chưa có kết quả điều tra, đánh giá nguyên nhân hiện tượng bất thường của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, để đảm bảo tính mạng người dân, tránh gây hoang mang ảnh hưởng tâm lý người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện ra thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay việc hút, khai thác nước ngầm tại các khu vực bản Công, bản Na Hiêng, bản Poong và vùng lân cận có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện.
Vết nứt ở một nhà dân tại xã Châu Hồng. Ảnh: Tiến Hùng |
Để bảo vệ chống sụt lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đề nghị UBND huyện tổ chức kiểm tra giám sát các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định tại khoản 4 Điều 26; Khoản 3 Điều 62 Luật Tài nguyên nước năm 2022. Xử phạt theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với trường hợp như: Hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn không có giấy phép; Khai thác sử dụng nước dưới đất không có giấy phép; Khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác khoáng sản không đúng các quy định của cơ quan thẩm quyền cấp phép...
Chỉ đạo UBND xã Châu Hồng và các cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ - Đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được UBND huyện Quỳ Hợp hợp đồng thuê điều tra, khảo sát đánh giá) sớm tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục lâu dài (đặc biệt có biện pháp khắc phục trước mùa mưa bão năm 2022). Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Trạm cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung cấp đủ tại 03 bản Na Niêng, bản Poong, bản Na Noong đảm bảo đủ cung cấp nước sạch cho người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.
Xây dựng phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ mất an toàn cao; Chỉ đạo thành lập tổ giám sát tại thôn bản, cắt cử người để theo dõi thường xuyên khi có dấu hiệu bất thường phải báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; Thống kê, cập nhật thường xuyên các hộ bị ảnh hưởng; Hướng dẫn nhân dân khắc phục các nơi nứt nẻ và tránh tụ tập đông người hoặc ở những nơi có hiện tượng nứt nẻ nguy cơ mất an toàn. Tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài nguyên nước đảm bảo an toàn tiết kiệm; Hiện tượng nêu trên đang được các nhà khoa học điều tra, đánh giá để có biện pháp khắc phục lâu dài để người dân yên tâm sản xuất.
Người dân cố khơi một giếng nước bị khô cạn trong bất lực. Ảnh: Tiến Hùng |
Trước đó, như Báo Nghệ An đã có bài phản ánh, từ đầu năm 2020 đến nay, tại xã Châu Hồng xảy ra tình trạng sụt lún, nhà dân bị nứt nẻ. Theo báo cáo của xã Châu Hồng, có tới hàng trăm hộ dân nằm trong tình trạng nguy hiểm. Đến nay có 279 giếng nước sinh hoạt ở xã Châu Hồng đã bị khô cạn nước. Đặc biệt, kể từ cuối tháng 2 đến nay 114 nhà rạn nứt, bao gồm: nứt tường, nứt nền nhà, lún móng nhà, đất vườn. Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Theo người dân và chính quyền xã Châu Hồng, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, để khai thác được quặng, những công ty này dùng máy công suất lớn để hút nước từ dưới lòng đất, dẫn đến nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt. “Người dân ở đây sinh sống lâu đời chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản”, Chủ tịch UBND xã Trương Văn Hóa nói.
Xã Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” của huyện Quỳ Hợp, với hàng loạt mỏ quặng rầm rộ khai thác khoảng 20 năm nay. Theo ông Hóa, trên địa bàn xã hiện nay có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. “Đặc biệt, có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây nhất, khi quy mô khai thác có sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại hơn, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất thì xuất hiện những bất thường xảy ra như vậy”, ông Hóa nói.
Theo báo cáo của Liên đoàn Địa chất thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được giao thực hiện đề án điều tra vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An) thì trong thời gian điều tra đề án từ năm 2019-2020 thì các giếng nêu trên không có hiện tượng sụt lún hạ thấp mực nước, điều này cũng phù hợp với ý kiến người dân về hiện tượng mới xuất hiện bắt đầu từ đầu năm 2021. Trong khi đó, theo thống kê danh sách cấp phép nước dưới đất thì trên địa bàn xã Châu Hồng, từ trước đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cấp hoặc tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân nào khai thác nước dưới đất trên địa bàn.