Tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm của Coca Cola Việt Nam
Những thực phẩm bổ sung của công ty chưa có giấy phép sản xuất thực phẩm bổ sung do cơ quan chức năng cấp.
Ngày 1/7, Thanh tra Bộ Y tế đã gửi công văn đến sở y tế 6 tỉnh thành trên cả nước Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An, yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này.
Theo đó, 13 sản phẩm này bao gồm nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost hương dâu, hương cam, hương xoài, nước tăng lực Samurrai hương dâu chai thủy tinh và chai PET, nước cam có tép Teppy, nước uống vận động Aquarius và Dasani có bổ sung khoáng chất.
Lý do tạm dừng 13 sản phẩm được thanh tra Bộ Y tế nêu ra vì chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bổ sung.
Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu tháng 6, Thanh tra Bộ Y tế đã có thông báo thanh tra hàng loạt công ty, trong đó đợt thanh tra toàn diện Công ty Coca Cola bắt đầu từ ngày 21/6 vừa qua.
Trong thời điểm thanh tra lộ ra các vấn đề như cả 3 nhà máy của công ty Coca Cola ở TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội đều sản xuất những thực phẩm bổ sung nêu trên, trong khi công ty chưa có giấy phép sản xuất thực phẩm bổ sung do cơ quan chức năng cấp.
Tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm của Coca Cola |
Do đó, Thanh tra Bộ Y tế đã đình chỉ sản xuất và yêu cầu tạm dừng lưu thông các sản phẩm nêu trên nhằm hoàn tất các loại giấy tờ theo quy định.
Để làm rõ thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 2/7, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: "Đây chỉ là yêu cầu về mặt thủ tục hành chính chứ không phải về mặt chất lượng.
Trước đây, theo quy định, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh sản phẩm uống bình thường là do Chi cục ATTP các địa phương cấp. Nhưng do công ty Coca Cola Việt Nam có sản xuất thêm một số nước uống bổ sung Vitamin, mà theo quy định thì loại thực phẩm này phải do Bộ Y tế hoặc Cục ATTP cấp phép.
Mới đây, lại có Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế - Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương, quy định một doanh nghiệp thì chỉ do một đơn vị cấp phép, tránh trường hợp 1 doanh nghiệp 2 lần cấp phép.
Vì thế, Cục ATTP cho rằng, đối với một doanh nghiệp mà Chi cục ATTP địa phương đã cấp, thì Cục sẽ không cấp nữa. Nhưng Thanh tra nói là sai thì Cục ATTP sẽ cấp lại cho đúng thủ tục hành chính".
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại và truyền thông, Coca-Cola Việt Nam cũng khẳng định các nhà máy của Coca-Cola đã được chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất các sản phẩm nước giải khát có ga, không có ga và nước đóng chai.
Tuy nhiên, ông Mỹ công nhận một vài tháng trước đây, qua thanh tra nội bộ, Cocacola VN nhận thấy đã có thêm một yêu cầu về điều kiện sản xuất các sản phẩm nước giải khát có bổ sung vi chất (hay còn được gọi là thực phẩm bổ sung).
“Coca-Cola Việt Nam thừa nhận chưa cập nhật đầy đủ về những thay đổi trong qui định”, ông Mỹ nói, nhưng nêu công ty này đã nhanh chóng khắc phục bằng việc hoàn tất hồ sơ để đăng ký đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm.
Ông Khoa Mỹ nêu tới thời điểm hiện tại, Cocacola VN đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm bổ sung cho nhà máy ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng do Bộ Y Tế cấp, vì vậy, ông cho rằng các sản phẩm của Cocacola là an toàn và hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Trước giải thích của ông Mỹ, Cục trưởng Cục ATTP cho biết: "Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ gửi ra thì phải ưu tiên cấp ngay, chứ không thể để dừng hoạt động vì một thủ tục hành chính.
Chúng tôi sẽ cấp phép ngay, bình thường thời gian xin giấy phép này mất khoảng 15 ngày, nhưng trong trường hợp cần thiết thì chỉ trong vòng 1-2 ngày, vì họ đã có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh của Sở Y tế TPHCM, ngoài ra có chứng nhận ISO.
Về nguyên tắc phải có chứng nhận đảm bảo vệ sinh thì mới cấp chứng nhận tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi thì cứ nghĩ giấy chứng nhận Sở Y tế là đủ, nhưng với sản phẩm bổ sung phải do Cục ATTP cấp, nên phải tạo điều kiện giúp doanh nghiệp không khó khăn vì thủ tục hành chính".
Theo baodatviet.vn