Tâm huyết, trách nhiệm trước kỳ vọng của cử tri, nhân dân

Xác định rõ vai trò đại biểu dân cử, đại diện cho tiếng nói của nhân dân trước Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nghệ An luôn mang hết tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm bám đến cùng các vấn đề mà cử tri, người dân phản ánh, kiến nghị để chuyển đến diễn đàn của Quốc hội và tới các cơ quan chức năng; qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh.

_____________________

Thời gian gần đây, thủy điện đã trở thành chủ đề “nóng”, bức xúc của cử tri các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… Các dự án thủy điện ẩn chứa nhiều tồn tại, bất cập, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng: Mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, lũ lụt do nhà máy thủy điện xả lũ… là những hậu quả nặng nề mà người dân phải gánh chịu.

Thủy điện đang là chủ đề “nóng”, bức xúc của cử tri các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thủy điện đang là chủ đề “nóng”, bức xúc của cử tri các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Lắng nghe tiếng lòng của người dân, đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã nói rằng, việc tìm hiểu, nêu ra những tồn tại, bất cập của thủy điện là việc rất nên làm. Bản thân ông, trong vai trò là đại biểu Quốc hội, đã thể hiện điều này bằng những việc làm cụ thể. Liên tục tại các kỳ họp thứ 6, thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Quang Huy cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu những tồn tại, bất cập của thủy điện; đồng thời có văn bản chất vấn và chất vấn trực tiếp lãnh đạo Bộ Công Thương… và ông còn tự chấp bút bài viết “Cần thanh, kiểm tra việc phòng, chống lũ vùng hạ du các thủy điện”.

Vụ việc Thủy điện Nậm Nơn xả lũ không thông báo, hú còi, khiến 1 người dân ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng thiệt mạng thương tâm, như “giọt nước tràn ly”. Theo cử tri, trước khi xây dựng thủy điện, nhiều hộ dân đã được khảo sát và kiểm đếm tài sản, nhưng sau đó lại chỉ được đền bù phần đất bị ảnh hưởng chứ không cho di dời. Trong khi khoảng cách của các hộ dân với công trình thủy điện là quá gần, ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Lũ lụt giáng họa, người dân đề ra trách nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân, sớm có những đề xuất, góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập.

Đại biểu Quốc hội đến tận nhà dân bị cuốn trôi vì thủy điện xả lũ để nắm bắt tình hình; thăm hỏi gia đình anh Vi Văn May, người bị thủy điện Nậm Nơn xả nước không thông báo làm tử vong (ngày 23/5/2019).
Đại biểu Quốc hội đến tận nhà dân bị cuốn trôi vì thủy điện xả lũ để nắm bắt tình hình; thăm hỏi gia đình anh Vi Văn May, người bị thủy điện Nậm Nơn xả nước không thông báo làm tử vong (ngày 23/5/2019).

Chia sẻ với khó khăn của người dân khi gánh chịu những hệ lụy từ thủy điện, không chỉ mất đất sản xuất, mà còn phải “sống trong sợ hãi”, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ghi nhận đây là thực trạng rất nhức nhối. Tiếp thu kiến nghị chính đáng của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu hứa sẽ tiếp tục chất vấn các bộ, ngành liên quan, “làm đến nơi, đến chốn, tiếp tục điều tra để xác định trách nhiệm thuộc về ai”. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, hiện Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án liên quan đến Thủy điện Nậm Nơn.

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thường xuyên phản ánh những vấn đề nổi cộm, ngay với cả khi những vấn đề không được đặt ra làm trọng tâm để thảo luận.

Các ĐBQH tỉnh Nghệ An: Nguyễn Thanh Hiền, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội.
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An: Nguyễn Thanh Hiền, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội.

Về vấn đề sáp nhập xã, mặc dù dự thảo Luật Tổ chức chính quyền tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV không đặt ra, tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn quá trình sáp nhập đang gặp rất nhiều vướng mắc, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang đã “đăng đàn” thẳng thắn phản ánh, đề nghị Quốc hội xem xét nội dung. Theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những xã không đạt 2 tiêu chí về dân số và diện tích sẽ phải sáp nhập, trừ khi có yếu tố đặc thù, đề án sáp nhập phải được hơn 50% cử tri đồng ý. “Thực tiễn sẽ xảy ra trường hợp xã không đạt 2 tiêu chí, cấp ủy, chính quyền tích cực vận động, tuyên truyền nhưng số cử tri đồng tình không quá bán. Nếu vậy, xã sẽ không được sáp nhập. Đây là điều khiến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ không được thực hiện mà không có lý do thuyết phục”, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề cập. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định theo hướng: Đã là xã không đạt 2 tiêu chí thì buộc phải sáp nhập, trừ khi có yếu tố đặc thù. Tuy nhiên, luật cũng cần quy định rõ trường hợp thế nào là đặc thù.

Bên cạnh đó, tại những phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tích cực đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực vào các dự thảo Luật như: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Đất đai… “Những nội dung tham gia chất vấn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân” – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền khẳng định.

Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Nghệ An là địa phương tập trung hàng vạn công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, các công ty lớn, việc Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về việc sửa đổi Bộ luật Lao động nhận được sự quan tâm đặc biệt, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Quốc hội về vấn đề lao động.  Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức khảo sát, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các công nhân, đại diện cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Cuộc tiếp xúc có sự hiện diện đầy đủ của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan. Thông tin về cuộc làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh đến các vấn đề lao động, nhất là việc xin ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật Lao động khiến cử tri công nhân hết sức quan tâm. Tại cuộc tiếp xúc, hàng loạt các vấn đề liên quan đến nội dung sửa đổi như khung điều chỉnh giờ làm thêm tối đa, phương án tăng tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề tiền lương… được gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh với mong mỏi, tiếng nói, ý kiến của cử tri  Nghệ An đến được đơn vị soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội.

Công nhân lao động trả lời phiếu khảo sát ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Công nhân lao động trả lời phiếu khảo sát ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Qua từng kỳ họp, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với người dân, bám sát thực tiễn của đời sống. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, nâng cao chất lượng lấy ý kiến các dự án luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất của Bệnh viện Quốc tế Vinh.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất của Bệnh viện Quốc tế Vinh.

Những buổi tiếp xúc chuyên đề như trên được Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên tổ chức. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho biết thêm: Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai 8 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được cử tri quan tâm và theo dõi về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý các nhóm lĩnh vực: sử dụng đất đai đô thị; quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; đền bù giải phóng mặt bằng thuộc các dự án đầu tư… Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát hiện và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt.