Tấm lòng của người thương binh già với người khuyết tật
(Baonghean.vn) - 12 năm trong quân ngũ, 23 năm đứng trên bục giảng, 23 năm tích cực tham gia các hoạt động xã hội sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 83, người thương binh già Thái Khắc Hoàng dường như chưa bao giờ vơi đi sự nhiệt huyết, tinh thần dấn thân xông pha của một người lính.
Những ký ức hào hùng
Sinh năm 1940 ở xã Tân Sơn (Đô Lương), tốt nghiệp cấp 3, ông Thái Khắc Hoàng (hiện trú tại khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập, TP Vinh) nhập ngũ và được cử đi học ngành điện ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 1963, ông được điều động về Đại đội 3, Tiểu đoàn pháo cao xạ 138, thuộc Trung đoàn Phòng không 280 đóng tại núi Quyết, trực tiếp bảo vệ thành phố Vinh. Ông là người từng sát cánh với Anh hùng Phan Đăng Cát - Liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân Mỹ trong trận chiến đấu với máy bay kẻ thù vào ngày 5/8/1964.
Trong trận đánh đó, Đại đội 3 đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, nhưng Anh hùng Phan Đăng Cát cùng 4 chiến sĩ của Đại đội hy sinh, còn ông Thái Khắc Hoàng bị mất 1 đốt ngón tay và bị 3 vết cắt ở cánh tay phải.
Cuối năm 1967, Trung đoàn 280 lập ra Tiểu đoàn mới là Tiểu đoàn 12, có nhiệm vụ tham gia vào Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/1968, trước những diễn biến mới ở chiến trường Trị Thiên – Huế, Tiểu đoàn 12 được lệnh hành quân từ Đường 9 sang Lào, bảo vệ tuyến đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh) trước các đợt đánh phá của không quân Mỹ. Tại chiến trường mới này, ông Thái Khắc Hoàng và đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, trực tiếp viết nên trang sử hào hùng cho bộ đội Trường Sơn. Cá nhân ông được thăng cấp dần lên Thượng úy, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn.
Tháng 8/1972, trong một trận đánh bảo vệ ngầm Xê-sư thuộc tỉnh Ắt-ta-pư ở khu vực Hạ Lào, máy bay Mỹ đã phóng rốc-két trúng hầm Ban chỉ huy Tiểu đoàn, khiến nhiều cán bộ hy sinh. Riêng ông Thái Khắc Hoàng bị mất cánh tay trái cùng nhiều vết thương trên cơ thể. Ông được chuyển ra Bắc điều trị và ra quân với mức giám định thương tật 65%, là thương binh hạng 2/4.
Cuối năm 1972, ông Thái Khắc Hoàng được chuyển về an dưỡng tại Trại Điều dưỡng thương binh số 1 lần lượt đóng ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) và Lý Thành (Yên Thành).
Người cựu giáo chức tích cực với công tác xã hội
Năm 1973, Ty Thương binh và Xã hội Nghệ An (nay là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) tuyển chọn 18 thương binh để đưa đi ôn thi Đại học ở Hà Nội. Do có lý lịch từng tốt nghiệp Đại học, ông Thái Khắc Hoàng được cử làm trưởng đoàn. Kỳ thi Đại học năm đó, đoàn thương binh Nghệ An có 15 người trúng tuyển; ông Thái Khắc Hoàng là 1 trong 5 người có điểm thi cao nhất, trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 1 năm học ở Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Hoàng được chuyển về Đại học Sư phạm Vinh.
Năm 1977, tốt nghiệp Đại học, ông Hoàng về làm thầy giáo dạy môn Văn ở Trường Cấp 3 Vinh 1 (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh). Với nhiều thế hệ học sinh ở ngôi trường giàu truyền thống này từ năm 1977 - 2000, hình ảnh người thầy với một cánh tay bị cụt nhưng tràn đầy nhiệt huyết trên bục giảng luôn in đậm trong tâm trí họ.
Năm 2000, thầy giáo Thái Khắc Hoàng nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Ông lần lượt tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ của khối Trung Hòa và phường Hà Huy Tập. Ở cương vị nào ông cũng giữ các vị trí chủ chốt và để lại nhiều dấu ấn.
Ví như năm 2002, trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học khối Trung Hoà, phường Hà Huy Tập, ông đã đưa ra ý tưởng cùng các cán bộ chi hội thành lập một thư viện nhỏ, dành làm nơi để thanh, thiếu niên trong khối vừa có nơi thư giãn, vừa có nơi học tập và đến nay thư viện có trên 3 nghìn đầu sách các loại, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa ý nghĩa của người dân trong khối.
Trăn trở vì người khuyết tật
Năm 2010, ông Thái Khắc Hoàng tham gia Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi thành phố Vinh. Năm 2012, được sự khích lệ, tư vấn của ông Phan Khuyên – nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi, ông đứng ra vận động thành lập Hội Người khuyết tật thành phố Vinh dựa trên điều 9 của Luật Người khuyết tật, với 100% hội viên là người khuyết tật và giữ cương vị Chủ tịch Hội từ đó đến nay.
Năm 2017, cũng chính ông Thái Khắc Hoàng đứng ra vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An và giữ cương vị Chủ tịch Hội nhiệm kỳ đầu tiên, từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2022.
Trong câu chuyện, ông Thái Khắc Hoàng cho biết, ông rất tâm đắc với câu thành ngữ của Trung Hoa “đồng bệnh tương lân” – tức những người trong cùng hoàn cảnh thì mới thực sự thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Do đó, với tư cách là một thương binh, cũng là một người khuyết tật, hiểu được những khó khăn thiệt thòi của người khuyết tật trong đời sống xã hội, việc ông đứng ra vận động thành lập tổ chức hội cấp tỉnh, cấp thành phố của người khuyết tật với mong muốn đại diện cho hơn 240 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói lên mong muốn, nguyện vọng của họ, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp cho họ.
Ông Hoàng cũng bày tỏ sự trăn trở rằng, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đại bộ phận người khuyết tật đều có đời sống rất khó khăn, cả về vật chất và tinh thần, trong đó rất nhiều người không thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.
Mặc khác, Hội Người Khuyết tật của thành phố cũng như của tỉnh Nghệ An thành lập sau Nghị định 45/2010/NĐ-CP nên không được coi là hội đặc thù, không được giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động. Tuy vậy, với tấm lòng vì người khuyết tật, thời gian đầu Hội Người khuyết tật thành phố Vinh đi vào hoạt động, ông Thái Khắc Hoàng tự bỏ tiền túi ra để tu sửa trụ sở văn phòng hội cũng như trang trải cho các hoạt động sự vụ.
Quan trọng hơn cả, ông cùng với các đồng sự của mình vận dụng các mối quan hệ, trực tiếp vận động, xin các dự án hỗ trợ về cho các hội viên từ các tổ chức phi chính phủ. Đến nay, hội đã kêu gọi được 3 dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh là Dự án CBM, Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ và Dự án DHF (Đan Mạch), từ đó giúp người khuyết tật nâng cao nhận thức về pháp lý cũng như tiếp cận các nguồn hỗ trợ về sinh kế.
Bên cạnh đó, trong 2 năm 2019, 2020, với sự hỗ trợ của Hội Trung ương và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng, Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An đã thực hiện dự án Tăng cường năng lực ứng phó với bạo lực mang tính chất giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, nhằm trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật quyền và lợi ích hợp pháp, giúp họ nhận diện các hình thức bạo lực và tiếp cận các biện pháp bảo vệ bản thân.
Không những thế, trên cương vị lãnh đạo Hội Người khuyết tật tỉnh và Hội Người khuyết tật thành phố Vinh, ông Thái Khắc Hoàng cũng rất chú trọng công tác dạy nghề cho người khuyết tật. Ông đã chủ trì thành lập Hội Doanh nhân người khuyết tật tỉnh Nghệ An, tập hợp những người khuyết tật là chủ các cơ sở sản xuất làm công tác dạy nghề cho nhiều người khuyết tật như cơ sở may của chị Ngọc Hà, anh Hồ Phúc Danh, chị Trần Thị Như Hoa, anh Mai Hồng Quân (thành phố Vinh), anh Đặng Văn Hùng (Nam Đàn)…; đồng thời khích lệ tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong cộng đồng người khuyết tật.
12 năm trong quân ngũ, 23 năm đứng trên bục giảng, 23 năm tích cực tham gia các hoạt động xã hội sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 83, người thương binh già Thái Khắc Hoàng dường như chưa bao giờ vơi đi sự nhiệt huyết, tinh thần dấn thân xông pha của một người lính.
Tôi tuy tuổi đã cao nhưng còn có lương hưu, trợ cấp chế độ thương binh, con cháu đều thành đạt, trong khi các cán bộ hội khác đều khuyết tật nặng, đều còn phải lo cho việc mưu sinh hàng ngày. Do đó, miễn còn sức khỏe là tôi còn nỗ lực vì công tác hội, để có thể gánh vác giúp các đồng sự và quan trọng hơn là tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ để cộng đồng người khuyết tật tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, có niềm tin và động lực để vươn lên.
Thương binh Thái Khắc Hoàng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Vinh.