Tấm lòng người thầy giáo vùng cao

07/11/2012 18:02

Sinh ra ở xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, từ nhỏ Lê Ngọc Lan đã khát khao trở thành giáo viên. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm miền núi Nghệ An, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) và đến năm học 2012-2013, thầy Lan được giao đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2.

(Baonghean) - Sinh ra ở xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, từ nhỏ Lê Ngọc Lan đã khát khao trở thành giáo viên. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm miền núi Nghệ An, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) và đến năm học 2012-2013, thầy Lan được giao đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2.

Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 hiện có 21 lớp, thuộc 4 điểm trường (gồm La Ngan, Lưu Hòa, Tạt Thoong, Xiêng Thù và Lưu Thắng). Trường có 34 giáo viên, cán bộ, quản lý với 326 học sinh, chủ yếu là dân tộc Thái, Khơ mú. Bắt tay vào làm công tác quản lý ở các trường vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn, thầy đã xác định công việc quan trọng đó là bằng mọi cách phải "vực" lại tinh thần cho đội ngũ giáo viên, khơi dậy trong họ niềm đam mê, tâm huyết để họ gắn bó với nghề.



Thầy giáo Lê Ngọc Lan đến với học sinh điểm trường lẻ.

Buổi đầu với bao khó khăn, bộn bề, "trường không ra trường, lớp không ra lớp", thầy cùng ban giám hiệu và các tổ chức trong trường đã trăn trở tìm biện pháp khắc phục. Công việc đầu tiên mà thầy đứng ra thực hiện là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Chiêu Lưu và phụ huynh học sịnh thống nhất phương án cải tạo lại trường lớp, nhất là với điểm trường Lưu Thắng và Xiêng Thù, nơi xa trung tâm và đời sống bà con ở đây khó khăn nhất. Để đảm bảo đời sống cho cán bộ giáo viên, thầy đã chỉ đạo tổ chức Công đoàn nhà trường "tăng gia sản xuất", tự cung về lương thực, trồng rau, thả cá, chăn nuôi gà, ngan, vịt... Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, với sự vào cuộc quyết tâm của nhà trường, sự ủng hộ của giáo viên, đến nay đời sống cán bộ giáo viên nhà trường được nâng lên.

Cùng với đó, thầy đã tập trung trong công tác nâng cao chất lượng dạy, học, tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém. Hiệu trưởng Lê Ngọc Lan luôn gương mẫu, đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy để đồng nghiệp học hỏi; tích cực, tiên phong trong vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các đoàn thể và hội cha mẹ học sinh. Nhờ đó, chất lượng dạy học của Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 đã có chuyển biến rõ nét.

Không những nỗ lực cố gắng trong công tác quản lý, thầy giáo Lê Ngọc Lan còn tìm tòi, viết sáng kiến kinh nghiệm, phục vụ giảng dạy. Đến nay, thầy đã có 4 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4, đạt giải khuyến khích cấp tỉnh về đề tài "Dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số". Những công trình, đề tài này đã trở thành bài học thực tiễn cho các nhà trường và là "tài liệu" để các trường học trên địa bàn huyện áp dụng vào giảng dạy.

Nhận xét về thầy giáo Lê Ngọc Lan, ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu chia sẻ: "Thầy Lê Ngọc Lan đã có nhiều đóng góp cho trường, cho địa phương nhất là về đảm bảo cơ sở vật chất, chăm lo đến đời sống của học sinh. Cấp ủy, chính quyền xã rất ghi nhận và mong thầy có nhiều thời gian gắn bó với địa phương".


XUÂN THỐNG

(0) Bình luận
Tấm lòng người thầy giáo vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO