Tâm nguyện của thầy Hiếu

Ra huyện lúa Yên Thành tìm hiểu việc tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ, tôi được giới thiệu để gặp Trần Văn Hiếu - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân Trường THCS Phan Đăng Lưu. Gặp, để rồi băn khoăn, day dứt...

Những người giới thiệu thầy giáo Trần Văn Hiếu với tôi là giáo viên THCS huyện Yên Thành. Trong số họ, có cả những giáo viên hợp đồng đang ngày đêm hy vọng, mong chờ mình có may mắn được tuyển dụng vào biên chế theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước. Họ đã nói rằng: “Hiếu có hoàn cảnh thực sự đặc biệt. Bố là thương binh nặng 1/4 mù cả hai mắt, mẹ đã già yếu, hàng ngày cả hai ông bà đều cần có sự hỗ trợ của Hiếu. Khó khăn như thế nhưng bạn ấy vẫn nỗ lực để vượt qua, khẳng định được năng lực bản thân trong công tác dạy học, đã tham gia bồi dưỡng, có nhiều học sinh giỏi cấp huyện ở bộ môn Giáo dục công dân…”.

Thầy giáo Trần Văn Hiếu và Bằng tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Thông báo hợp đồng giảng dạy, cùng Giấy khen của UBND huyện Yên Thành.
Thầy giáo Trần Văn Hiếu và Bằng tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Thông báo hợp đồng giảng dạy, cùng Giấy khen của UBND huyện Yên Thành.

Gặp Trần Văn Hiếu, vẻ ngoài cảm nhận ngay được đấy là một thầy giáo nghèo chất phác, hiền lành đến mức rụt rè. Hiếu sinh năm 1985, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng năm 2011, ngành Giáo dục chính trị. Đến năm 2013, nhờ là “con gia đình chính sách” nên Hiếu chính thức trở thành giáo viên khi được UBND huyện Yên Thành ký hợp đồng, bố trí giảng dạy tại địa bàn miền núi khó khăn, Trường THCS Tây Thành. Sau hai năm, ngày 15/12/2015, Hiếu được chuyển về dạy tại Trường THCS Phan Đăng Lưu, đóng tại thị trấn Yên Thành.

Là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân đứng lớp 19 tiết/tuần nhưng đã liên tục 9 năm trôi qua, số tiền lương Hiếu được nhận là “85% lương bậc 1, hệ số 2,34” như ngày đầu được UBND huyện tiếp nhận, ký hợp đồng. “Tổng tiền lương của em chỉ vẻn vẹn 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu trừ đi một số khoản đóng nộp theo quy định thì chỉ còn khoảng trên 2 triệu đồng…”, Hiếu chi tiết số tiền lương được nhận hàng tháng khi được hỏi.

Bố mẹ già yếu, gia cảnh khó khăn, nhiều năm sống bằng đồng lương ít ỏi thì theo lẽ thường sẽ thoái chí, mất đi khát vọng cống hiến. Nhưng với Trần Văn Hiếu thì không như vậy. Từ khi về dạy tại Trường THCS Phan Đăng Lưu, ngoài đứng lớp theo phân công, thầy giáo Trần Văn Hiếu tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh của trường, ngoài ra, còn hỗ trợ bồi dưỡng cho học sinh một vài trường chưa có giáo viên chuyên bộ môn Giáo dục công dân. Huyện Yên Thành có tất cả 33 trường THCS, thì hàng năm Trường THCS Phan Đăng Lưu đều luôn có những thành tích, có năm đạt tốp đầu ở bộ môn Giáo dục công dân. Cũng vì vậy mà Hiếu được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục – đào tạo năm học 2018 – 2019.

“Từ năm học 2016 – 2017 đến nay, em có khá nhiều học sinh đạt được thành tích cao. Trong đó, năm học 2018 – 2019 là năm có nhiều thành tích nhất. 5 bạn Nguyễn Thị Mai, Lê Thị Yến, Thái Thanh Thuận, Hồ Thị Trang, Nguyễn Thu Uyên, Lê Thị Nhàn đạt giải Nhì, giải Ba của huyện. Với kết quả này, học sinh giỏi môn Giáo dục công dân lớp 9 Trường THCS Phan Đăng Lưu được xếp thứ tư toàn huyện; còn khối học sinh lớp 8, đứng thứ năm toàn huyện môn Giáo dục công dân năm đó…”, Hiếu vắn tắt.

Hiếu thành thật kể rằng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tiền lương qua nhiều năm đi dạy vẫn không có sự thay đổi nên mong muốn, khát khao được tuyển dụng vào biên chế. Chờ đợi mãi không được nên Hiếu từng đã viết đơn đề đạt nguyện vọng lên trường, lên Phòng Giáo dục, lên UBND huyện. Thậm chí, đã viết đơn gửi đến Sở Nội vụ, đến UBND tỉnh để trình bày về hoàn cảnh gia đình, đề nghị được xem xét. Cuối năm 2019, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC hướng dẫn tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước. Biết thông tin này, cũng như nhiều đồng nghiệp trên địa bàn, Hiếu xem đấy là chiếc phao cứu sinh.

Năm 2020, Hiếu cùng 307 đồng nghiệp (gồm 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS) được UBND huyện đưa vào danh sách giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC. Cũng trong năm này, UBND tỉnh đồng ý cho huyện Yên Thành được tuyển dụng 144 vị trí việc làm thuộc ngành GD&ĐT; đồng thời, chỉ đạo rõ việc tuyển dụng đặc cách theo tinh thần Công văn số 5378/BNV-CCVC. Để có thêm cơ hội được tuyển dụng, Hiếu cùng nhiều đồng nghiệp đã học lấy chứng chỉ Đoàn đội. Thế nhưng với cá nhân Hiếu, đã thêm một lần nữa thất vọng. Vì huyện Yên Thành đang trong tình trạng thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên Tiểu học nên chỉ tiêu tuyển dụng UBND tỉnh cho phép chỉ dành riêng cho cấp Tiểu học. Để được xét, phải đảm bảo một số tiêu chuẩn nhưng Hiếu thì chưa đáp ứng đủ. “Em cũng sớm biết 144 chỉ tiêu tuyển dụng vào ngành GD&ĐT là vị trí việc làm ở cấp Tiểu học. Vì vậy, dù mong muốn lớn nhất là được tuyển dụng đúng với chức danh, vị trí chuyên môn của bản thân, nhưng em đã học để có thêm chứng chỉ Đoàn đội. Hy vọng mình có chứng chỉ này thì sẽ được tuyển dụng vào biên chế ở cấp Tiểu học. Thế nhưng sau này được giải thích là chưa đảm bảo tiêu chuẩn…”, Hiếu nói.

Dẫu việc đeo đuổi biên chế Nhà nước đã rõ những khó khăn, nhưng hỏi chuyện, Hiếu vẫn một niềm tin sẽ đến ngày có được niềm vui. Vì như Hiếu tâm sự, đội ngũ giáo viên THCS trong biên chế của huyện hiện đang thừa với số lượng khá lớn. Tuy nhiên, là thừa cục bộ ở một số bộ môn, trong khi có những bộ môn lại thiếu, như Giáo dục công dân. Hiếu nhẩm tính, trong 33 trường THCS của huyện Yên Thành mới có khoảng 22 giáo viên bộ môn Giáo dục công dân được đào tạo chính quy; và có 9 trường THCS chưa có biên chế cho giáo viên Giáo dục công dân, Trường THCS Phan Đăng Lưu là một ví dụ. Vì vậy, có thể sẽ tới lúc ngành Giáo dục cùng UBND huyện nhìn nhận, đánh giá về thực trạng này, qua đó bổ sung, quy chuẩn đội ngũ giáo viên để đảm bảo chất lượng công tác dạy học.

Là tiêu đề dòng trạng thái của Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đăng Lưu, cô giáo Ngô Thị Hiền đã đăng trên mạng xã hội facebook năm 2019. Nội dung như sau: “Em” ở đây là 2 giáo viên của Trường Phan Đăng Lưu. Với chị hay bất cứ giáo viên nào của trường ta nếu cho một điều ước thì chắc chắn sẽ ước cho 2 em thật nhiều. Một em là thầy giáo có bố là thương binh loại 1 bị mù cả 2 mắt và tổn thương não do di chứng chiến tranh. Một em là con dâu có bố cũng là thương binh loại 1 với thương tật nặng. Hai em đều có hoàn cảnh rất vất vả nhưng sự nỗ lực cống hiến cho công việc là điều mà không phải ai cũng làm được.

Nhiều khi các anh chị thầy cô trong trường cũng phải cảm phục vì sự tận tụy của các em với mức lương hợp đồng hơn 2 triệu ròng rã hàng chục năm trong thời buổi giá cả leo thang vẫn bám trụ lại với nghề. Nhiều câu hỏi, nhiều tư vấn “sao không bỏ nghề tìm việc khác!?”. Không trả lời nhưng qua cuộc sống chị biết các em thực sự yêu nghề muốn gắn bó với nghề và một phần là gánh nặng gia đình phải ở gần để chăm sóc cha già bệnh tật.

Mùa Xuân mới, hy vọng mới vào chính sách của Đảng và Nhà nước, mong sao các em sớm được ổn định công việc. Mỗi mùa Xuân, mỗi dịp 27/7, hai bác đều gửi đến nhà trường nhiều tâm tư ước muốn khi cả cuộc đời và một phần thân thể của 2 bác đã dành trọn cho tổ quốc, chỉ mong thế hệ con cháu có tương lai tươi sáng hơn mình. Với khả năng của mình thì tập thể cán bộ giáo viên cũng chỉ làm được việc thăm hỏi động viên các bác những lúc đau yếu hay dịp lễ Tết và tạo mọi điều kiện để 2 em trọn vẹn việc trường , việc nhà. Mong một mùa Xuân Cho “em” sẽ thành hiện thực sớm nhất sẽ đến với gia đình 2 em của chị”.

Hỏi chuyện, cô giáo Ngô Thị Hiền nói rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cận Tết và ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, tập thể Ban Giám hiệu, giáo viên Trường THCS Phan Đăng Lưu sẽ đến thăm gia đình Hiếu và một giáo viên có cùng hoàn cảnh. Bạn giáo viên kia đã được tuyển dụng về Tiểu học dạy Tin học dịp tháng 6/2021, còn Hiếu thì vẫn là giáo viên hợp đồng. Cứ sau mỗi lần về xóm Xuân Tiêu, xã Hợp Thành thăm bố mẹ của Hiếu, là hai bác Trần Quốc Tấn, Nguyễn Thị Hiển, cô Hiền lại viết ra ít dòng lưu lại, như là tâm sự của bản thân, của tập thể giáo viên trường gửi gắm, động viên em. “Với Bác Tấn, dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, cuộc sống vất vả khó khăn trăm bề nhưng vẫn luôn tin tưởng vào tương lai. Đến thăm bác, khi ra về thể nào bác cũng nắm tay từng người, như gửi gắm niềm tin, như hy vọng Hiếu, người con trai đầu ở lại quê chăm sóc cha mẹ già sẽ được ổn định công việc. Về phần Hiếu, đó là một giáo viên tâm huyết, tận tụy với nghề, với học sinh. Những lúc bồi dưỡng học sinh giỏi, Hiếu nhiệt tình đến quên cả thời gian. Vì say mê nghề, và cả vì còn khó khăn mà quên cả chuyện riêng tư của bản thân…”, cô giáo Ngô Thị Hiền trao đổi.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Yên Thành, tôi cũng về xóm Xuân Tiêu, xã Hợp Thành để thăm bố mẹ của thầy giáo Trần Văn Hiếu. Người thương binh nặng Trần Quốc Tấn năm nay đã 83 tuổi. Chịu cảnh mù lòa, đôi tai đã rất khó để nghe, ông lại thường xuyên chịu đau đớn do những vết thương trên đầu, trên thân thể tái phát. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hiển, ở độ tuổi 73, cũng không còn khỏe nữa. Biết có khách đến thăm hỏi chuyện nhà, bà hối hả vào gian buồng chật hẹp giục Hiếu thay cho bố áo quần tươm tất để ông được ra tiếp chuyện cùng.

Bà Hiển từng là thanh niên xung phong, hết chiến tranh trở về quê một thời gian thì gặp ông Tấn. Khi ấy, ông là thương binh nặng về làng. Trên đầu, trên thân thể ông đầy những vết thương, mắt phải đã thành cái hõm sâu, còn mắt trái chỉ thấy lờ mờ. Thế nhưng ông bà vẫn nên duyên chồng vợ. “Tui khi đó 37 tuổi, ông Tấn thì đã xấp xỉ 50. Ở với nhau một thời gian, bà tui có 2 mặt con. Hiếu là con đầu, còn em nó từng đi lính đảo Trường Sa 3 năm. Giải ngũ, hắn theo học đại học nhưng sau khi tốt nghiệp lại không xin được việc làm. Rứa là hắn ra Hà Nội, bám trụ ngoài nớ làm thuê. Thành thử ở đây mọi sự trông cậy vô Hiếu…”, bà Hiển kể. Rồi bà nói rằng mong Hiếu lấy vợ, lấy ai cũng được để “bố mẹ được trông thấy cháu khi còn sống”. Rồi lại thở dài, mong Hiếu được ổn định công việc, vì có như thế mới thuận lợi được mọi bề…

Còn ông Tấn, chỉ khi Hiếu ghé sát tai nói “anh chào bố để về” thì mới mở lời “cho được gửi lời hỏi thăm chúc sức khỏe gia đình”. Học Hiếu, tôi ghé tai ông hỏi “Bác có điều mong gì cho Hiếu hay không?”. Ông nắm tay tôi lặng đi một lúc, rồi nghèn nghẹn chẳng trọn câu: “Tôi có một điều mong duy nhất là con mình được vào biên chế nhà nước, được đứng vào hàng ngũ…”. “Là bố mong em trở thành Đảng viên…”, Hiếu giải thích.

Rời xóm Xuân Tiêu, tôi đã nghe thêm nhiều những thiếu thừa giáo viên và tuyển dụng đặc cách ở huyện Yên Thành. Thấy ngổn ngang trăm mối tơ vò, đầy những băn khoăn đến day dứt. Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước là thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục. Đã tròn 2 năm Công văn số 5378/BNV-CCVC có hiệu lực thi hành, sao vẫn còn những trường hợp như Hiếu?