Tân Chủ tịch Interpol: Tâm điểm giằng co Nga - Mỹ

(Baonghean) - Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới cho tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế - Interpol thay cho cựu Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ vốn sẽ không trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nếu hai ứng cử viên hàng đầu không phải là công dân Nga và Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ.

Bất ngờ hơn, dư luận trước bỏ phiếu vẫn chắc chắn về chiến thắng của ông Alexander Prokopchuk người Nga, nhưng đến phút chót, ứng viên được chọn cho chức Chủ tịch Inperpol lại là ông Kim Jong Yang người Hàn Quốc. Chưa nói đến khả năng hay trình độ của các ứng cử viên, thắng lợi này đã cho thấy một cuộc đua ngầm gay gắt của hai “ông lớn” Nga - Mỹ trên mọi mặt trận.

Trụ sở Interpol
Trụ sở Interpol. Ảnh: Sputnik
Từ làn sóng “K-cop” đến Chủ tịch Interpol

Tại phiên họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 87 vừa diễn ra tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Kim Jong Yang người Hàn Quốc đã được bầu chọn làm Chủ tịch mới của tổ chức này. Ông Kim Jong Yang vốn đang đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Interpol sau khi ông Mạnh Hoành Vĩ từ chức, do bị chính quyền Trung Quốc cáo buộc nhận hối lộ và một số tội danh khác. Ông Kim Jong Yang sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Interpol trong vòng 2 năm - thời gian còn lại của nhiệm kỳ hiện tại vốn sẽ kết thúc vào năm 2020.

Thực tế về trình độ, ông Kim Jong Yang không nổi bật hơn so với ứng viên người Nga là ông Alexander Prokopchuk - cũng là 1 trong 4 vị đương kim Phó Chủ tịch Interpol. Dù vậy về mặt kinh nghiệm, tân Chủ tịch Kim Jong Yang cũng đã chứng minh là người lâu năm hoạt động trong ngành cảnh sát và tội phạm.

tân chủ tịch Interpol Kim Jong Yang. Ảnh Internet
Tân chủ tịch Interpol Kim Jong Yang. Ảnh Internet

Ông Kim Jong Yang, sinh ngày 30/10/1961 tại Changwon của Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và ngay sau khi ra trường, ông đã phục vụ trong ngành cảnh sát từ năm 1992. Ông từng kinh qua nhiều vị trí ở các đơn vị khác nhau như Bộ phận Phòng chống tội phạm thuộc Sở Cảnh sát Pusan Nambu, Sở Cảnh sát Gyeongnam Gosung, Cơ quan Cảnh sát Metropolitan Ulsan, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Los Angeles, Mỹ… Về sau này, vào năm 2010, ông Kim giữ chức Tổng Giám đốc Cục An ninh Quốc gia. Đến giai đoạn 2014-2015, ông Kim giữ chức Giám đốc Cơ quan Cảnh sát tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc kiêm Trưởng Văn phòng Interpol tại Seoul và thành viên của Ủy ban Điều hành Interpol.

Quá trình làm việc trong ngành cảnh sát tại Hàn Quốc, ông Kim Jong Yang đã đây ấn tượng với đề xuất và thúc đẩy chiến lược “làn sóng K-cop” - “K-cop wave” hay “K-police” với thông điệp về sức mạnh và tạo dựng niềm tin của người dân đối với lực lượng cảnh sát Hàn Quốc, sau những ký ức không được tốt đẹp trong quá khứ. Nổi bật như hồi năm 1999, một chiếc dịch cải cách sâu rộng trong khối cảnh sát cũng như một chiến lược PR rầm rộ đã được giới chức ngành cảnh sát triển khai. Một trong số những nhân tố nòng cốt của chiến lược này chính là ông Kim Jong Yang.

Vào tháng 11/2015, ông Kim Jong Yang được bầu làm Phó Chủ tịch của Interpol. Đến ngày 7/10/2018, sau khi cựu Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ từ chức, ông Kim đã đảm nhận vai trò quyền Chủ tịch cho đến ngày 21/11, ông chính thức được bầu làm tân Chủ tịch Interpol đến năm 2020. Theo hãng tin Yonhap, đây là lần đầu tiên, một người Hàn Quốc đảm nhận vị trí này.

“Thông báo đỏ” và lá bài chính trị

Vai trò của Chủ tịch Interpol từ trước đến nay vốn chủ yếu mang tính hình thức và biểu tượng với nhiệm kỳ 4 năm. Thực tế, nhân vật này chỉ có nhiệm vụ chủ trì các kỳ họp để bàn thảo về các chính sách cũng như đường lối hoạt động của tổ chức. Theo giới quan sát, Chủ tịch Interpol không có nhiều quyền lực và cũng không có vai trò trong việc ra các “thông báo đỏ” - “Red Notice” tức các lệnh bắt khẩn cấp quốc tế. Thế nhưng, thực tế này không đồng nghĩa Chủ tịch Interpol hoàn toàn không có tiếng nói và tác động trong các quyết sách lớn của tổ chức. Theo các chuyên gia về tội phạm học, Interpol hoàn toàn có thể trở thành một công cụ chính trị nếu các cá nhân điều hành muốn điều đó.

Phó Chủ tịch Interpol Alexander Prokopchuk người Nga - một trong hai ứng cử viên cho chức Chủ tịch. Ảnh: Getty
Phó Chủ tịch Interpol Alexander Prokopchuk người Nga - một trong hai ứng cử viên cho chức Chủ tịch. Ảnh: Getty
Đây cũng là lý do mà các nước phương Tây cáo buộc, nếu ứng cử viên người Nga - Thiếu tướng cảnh sát Alexander Prokopchuk được chọn làm Chủ tịch Interpol, rất có khả năng nhân vật này sẽ lạm dụng công cụ “Thông báo đỏ” nhằm bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến với Nga đang cư trú trong phạm vi các nước thành viên. Thậm chí, các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp còn lo ngại rằng, nếu người Nga giữ chức Giám đốc Interpol, hàng loạt các bí mật của các nước này sẽ sớm bị phơi bày - là con bài mà Nga có thể mặc cả hoặc gây sức ép trong hàng loạt vấn đề đang mâu thuẫn khác giữa hai bên. Đó là vấn đề Ukraine, hồ sơ Syria hay vấn đề hạt nhân Iran… Tất nhiên trong bối cảnh như vậy, ứng cử viên Hàn Quốc là ông Kim Jong Yang đã có được nhiều lợi thế hơn hẳn so với ông Prokopchuk.

Các nước phương Tây lo lắng là dễ hiểu, bởi lẽ, Interpol là một tổ chức điều tra có đặc quyền được thâm nhập, tiếp cận vào mạng lưới hình sự của các quốc gia, từ đó truy tìm những bí mật mà nhiều nước muốn che giấu. Chẳng thế mà một ngày trước phiên bỏ phiếu, người ta thấy phía Mỹ dồn dập có các động thái bày tỏ thái độ với sự kiện này.

Trong bài phát biểu hôm 20/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện sự ủng hộ đối với ứng viên Hàn Quốc Kim Jong Yang. Trước đó, các nghị sĩ Mỹ cũng đã vận động chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối ứng cử viên Nga là ông Prokopchuk, đồng thời cáo buộc Nga “lợi dụng” Interpol để trả đũa.

Không ai chịu ai

Không chỉ Mỹ, các đồng minh và đối tác cũng nhân cơ hội bày tỏ sự ủng hộ với ứng viên Hàn Quốc Kim Jong Yang. Ngoại trưởng Anh Harriet Baldwin hôm 20/11 phát biểu trước quốc hội rằng, nước này ủng hộ ông Kim trở thành tân chủ tịch Interpol. Chính phủ Ukraine cũng không ngại chỉ trích gay gắt rằng, việc Thiếu tướng cảnh sát Nga Prokopchuk được đề cử cho vị trí Chủ tịch Interpol là một sự tấn công vào trật tự thế giới của Nga. Nước này thậm chí còn đe dọa sẽ rút khỏi Interpol nếu ông Prokopchuk giành chiến thắng. Một nước khác là Lithuania cũng cho biết sẽ cân nhắc khả năng này để bày tỏ quan điểm ủng hộ Washington và ứng viên Hàn Quốc.

Trụ sở Tổ chức Interpol đặt tại Lyon, Pháp. Ảnh: Getty
Trụ sở Tổ chức Interpol đặt tại Lyon, Pháp. Ảnh: Getty
Chưa hết, tờ Washington Post còn tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ những ngày qua đã gửi thư kêu gọi ủng hộ ứng viên của đồng minh Hàn Quốc đến từng đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài tại Mỹ. Tận dụng mọi cơ hội, tại Đại hội đồng Interpol vừa qua, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích các nước lạm dụng cơ chế ban hành “thông báo đỏ” của Interpol - điều mà Mỹ luôn chỉ trích Nga trong nhiều năm qua. Theo cáo buộc của Mỹ, trong thời gian làm Phó Chủ tịch Interpol, ông Prokopchuk đã nhiều lần chấp nhận đề nghị của Nga ra “thông báo đỏ” với các nhân vật bất đồng chính kiến hoặc chống đối chính phủ Nga.

Tất nhiên về phần mình, chính quyền Nga đã lên án các động thái từ phía Mỹ và cho rằng, Washington đang can thiệp vào quá trình bỏ phiếu của Interpol. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án việc truyền thông nước ngoài “có chiến dịch nhằm hạ uy tín ứng cử viên của Nga”. Với những diễn biến như vừa qua, có thể thấy, cuộc khẩu chiến giữa Nga và Mỹ liên quan đến các cáo buộc việc lạm quyền tại tổ chức Interpol chắc chắn sẽ còn chưa dừng lại.

Chủ tịch Interpol
Chủ tịch Interpol Kim Jong Yang. Ảnh: AFP
Bất chấp sau cuộc bỏ phiếu vừa qua, đại diện Ban bỏ phiếu trả lời báo chí rằng, tính trung lập và vai trò độc lập của Chủ tịch Interpol cũng như tổ chức này sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ nguyên nhân hay tác động nào. Tân chủ tịch Interpol Kim Jong Yang cũng khẳng định: “Thế giới cần có một tầm nhìn chung và cần xây một cây cầu cho tương lai để cùng vượt qua những thách thức an ninh to lớn hiện nay”. Thế nhưng với những cuộc đua ngầm không có điểm dừng giữa các “ông lớn” như Nga và Mỹ, việc Interpol có trở thành công cụ để các bên tranh giành ảnh hưởng sẽ chỉ là ít hay nhiều, công khai hay không mà thôi!. 

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.