(Baonghean.vn) - Những ngày cuối năm, nhân dân các xã Tân Hương, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành…của huyện Tân Kỳ nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch mía và sản xuất mật phục vụ tết Nguyên Đán. Đây là loại cây được đưa vào trồng từ những năm 2000 và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân.
Tân Kỳ là một huyện có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh. Thương hiệu mía và mật mía Tân Kỳ từ lâu thuộc vào hàng nổi tiếng khắp các vùng gần xa trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, nhà máy Đường Sông Con đang tập trung thu mua mía cho bà con để kịp phục vụ cho nhu cầu thị trường ngày Tết.
Nói tới mía Tân Kỳ phải nói tới nghề thủ công sản xuất mật của nhân dân các xã Tân Hương, Kỳ Sơn. Hàng ngàn lít mật mía chất lượng được bán ra thị trường trong dịp Tết được khách hàng ưa chuộng. Ông Hoàng Thanh An, một hộ sản xuất mật mía trên địa bàn xã Tân Hương cho hay, mỗi ngày gia đình ông sản xuất được 400 lít mật, lượng mật sản xuất ra không đủ cung ứng cho thị trường. Tính đến hết đợt này, gia đình ông cho ra hơn 3000 lít mật. Mỗi lít mật hiện nay có giá 20.000 đồng. Đây là nguồn thu chính của gia đình cũng như các hộ trong xã.
Xã Tân Hương hiện có hơn 30 gia đình còn giữ được nghề thủ công gia truyền này. Tuy nhiên, theo ông An, để sản xuất ra được những giọt mật mía thơm ngon không đơn giản chút nào, từ khâu ép mía đến khâu ra mật. Điều quan trọng nhất là lúc nấu, luôn luôn phải giữ lửa cho đều. Lửa nấu mật phải là lửa ngọn được lấy từ bã mía, lửa bằng than củi không sử dụng được. Do vậy, bã mía là nguồn nhiên liệu quan trọng được người dân bảo quản rất công phu. Mỗi lần nấu phải mất 4-5 giờ đồng hồ.
Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi tại các xã sản xuất mật mía của huyện Tân Kỳ:
|
Thu hoạch mía |
|
Tập kết mía |
|
Dùng xe kéo đưa mía về |
|
Tập trung ép mía |
|
Ép mía |
|
Đun lửa nấu mật |
|
Đổ mật đã nấu xong |
|
Khách hàng mua mật bên đường Hồ Chí Minh |
Đào Thọ