Tan vỡ những giấc mộng đổi đời

Hoàng Bách 01/07/2022 17:08

(Baonghean.vn) -  Vụ việc hơn 50 người di cư thiệt mạng trong chiếc xe đầu kéo bị bỏ lại trên một con đường hẻo lánh ở phía Tây Nam San Antonio, bang Texas đầu tuần này có thể xem là thảm kịch kinh hoàng nhất trong nhiều chục năm qua liên quan đến vấn đề di cư dọc biên giới Mỹ-Mexico. Các nạn nhân xấu số tuy xuất thân từ những gia đình, hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là đều muốn mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, dù cái giá phải trả lại quá đắt…

Bà Karen Caballero có 2 con tử nạn trong chiếc xe tải chen chúc người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ hôm 27/6. Ảnh: AP

Những đứa trẻ lên đường với hy vọng kiếm đủ tiền giúp đỡ cha mẹ và các em thơ. Thanh niên mới lớn từ bỏ giảng đường để tìm hướng khác dẫn đến thành công, ly hương mang theo giấc mơ vụn vỡ. Một người chồng, người cha đang làm việc tại “miền đất hứa” trở về nhà thăm vợ con rồi quyết định đưa theo họ hàng quay trở lại Mỹ…

Theo hãng tin AP, đó là những mảnh đời bất kể gốc gác từ Honduras hay Mexico, nhưng có chung khao khát theo đuổi, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại xứ cờ hoa. Và thật không may, họ nằm trong số hơn 60 người di cư chen chúc nhau trong chiếc xe đầu kéo ở Texas, trong đó đến ngày 29/6 đã có 53 trường hợp tử vong, số còn lại vẫn đang được theo dõi, điều trị. Lực lượng chức năng đang tiến hành xác định danh tính các nạn nhân, nhưng nhiều gia đình đã đau đớn xác nhận nỗi mất mát không gì bù đắp nổi.

Theo Francisco Garduño, người đứng đầu Viện Nghiên cứu nhập cư Quốc gia Mexico, trong số những người thiệt mạng có 27 người từ Mexico, 14 người từ Honduras, 7 người từ Guatemala và 2 người từ El Salvador.

Mỗi một nạn nhân xấu số đều đặt cược mạng sống trong tay những kẻ buôn người. Để rồi tin tức về chiếc xe đầu kéo chất đầy thi thể gieo cảm giác kinh hoàng khắp các thành phố, làng mạc, nơi vốn đã quen với việc nhìn những người trẻ, trai tráng ra đi, hòng tránh cảnh nghèo đói hay bạo lực ở Trung Mỹ và Mexico.

Cảnh sát chặn hiện trường nơi tìm thấy nhiều thi thể trong xe đầu kéo tại San Antonio hôm 27/6. Ảnh: AP

Tại Las Vegas, một thị trấn 10.000 dân ở Honduras, Alejandro Miguel Andino Caballero, 23 tuổi và Margie Tamara Paz Grajeda, 24 tuổi đều tin rằng, những tấm bằng marketing và kinh tế học sẽ giúp họ có được thu nhập ổn định. Cặp đôi trẻ này mấy năm qua vẫn cần mẫn nộp đơn xin việc, nhưng hết lần này lượt khác đều bị các doanh nghiệp từ chối. Rồi đại dịch ập đến, những cơn bão lớn tàn phá khu vực miền Bắc đất nước, khiến họ dần cảm thấy vỡ mộng.

Vì thế, khi một người họ hàng của Andino Caballero hiện đang sống tại Mỹ muốn giúp đỡ cậu cùng người em trai 18 tuổi Fernando José Redondo Caballero “Bắc tiến”, họ sẵn sàng ngay. Karen Caballero, mẹ của 2 anh em, chẳng có lý do gì để giữ chân con cái, kể cả cô con dâu tương lai Paz Grajeda. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi đã nghĩ chúng có thể có một cuộc sống khác, có thể chạm tới mục tiêu, ước mơ”.

Và khi bộ 3 rời Las Vegas hôm 4/6, Caballero đã đi cùng các con tới Guatemala. Từ đó, 3 người trẻ được bọn buôn người đưa đi khắp Guatemala và rồi Mexico trong thùng những chiếc xe đầu kéo. Bà chắc mẩm rằng, mọi chuyện sẽ suôn sẻ, kể cả khi Alejandro Miguel bộc lộ cảm giác lo lắng hỏi rằng “Nhỡ có chuyện gì xảy đến với chúng con thì sao hả mẹ?”, bà đã đáp: “Chẳng có chuyện gì đâu, con không phải người đầu tiên, cũng chẳng phải người cuối cùng đi tới Mỹ”.

Những ngôi nhà được xây từ kiều hối của người di cư gửi về tại Tzucubal, Guatemala. Ảnh: AP

Lần cuối Caballero liên lạc được với các con là sáng 25/6, nghe chúng nói rằng, đã vượt sông Rio Grande ở Roma, Texas, đang đi đến Laredo và ngày 27/6 sẽ di chuyển lên phía Bắc đến Houston. Tối 27/6, khi bà vừa về đến nhà thì có người bảo bà hãy mở ti vi lên. Xem bản tin về xe đầu kéo tại San Antonio, thoạt đầu bà cảm thấy không hiểu, nhưng sau đó nhớ lại cách thức di chuyển của các con trai, rằng chúng đã đi bằng xe tải từ lúc còn ở Guatemala và suốt dọc Mexico. Bà Caballero xác nhận cái chết của những đứa con vào ngày 28/6, sau khi gửi thông tin cùng ảnh chụp của chúng tới San Antonio…

Cách đó chừng 650 km, người ta lại kể về câu chuyện của 2 anh em họ cùng 13 tuổi Wilmer Tulul và Pascual Melvin Guachiac, sống tại Tzucubal - cộng đồng khoảng 1.500 người bản địa trên những dãy núi cách Thủ đô Guatemala 160 km, chủ yếu dựa vào canh tác tự cung tự cấp.

Tin nhắn cuối cùng mà Wilmer gửi cho mẹ - bà Magdalena Tepaz là vào hôm 27/6, sau khi những đứa trẻ rời nhà hôm 14/6. Vài giờ đồng hồ sau khi nghe bản tin phát thanh, một người láng giềng nói với gia đình rằng có tai nạn tại San Antonio và họ sợ rằng điều xấu nhất đã xảy ra.

Theo bà María Sipac Coj, mẹ của Melvin, 2 đứa trẻ lớn lên cùng nhau, cùng chơi đùa, cùng ấp ủ kế hoạch tới Mỹ để học, rồi đi làm và xây nhà cho mẹ. Bà nhận được tin nhắn thoại từ con trai hôm 27/6, thông báo chúng sắp rời đi, nhưng giờ đây bà phải xóa đi vì không thể chịu đựng nổi nỗi đau khi nghe lại tin nhắn ấy.

Những người họ hàng đã giúp sắp xếp, thanh toán cho kẻ buôn người, và đợi sẵn ở Houston. Nhưng rồi họ lại phải báo tin cho người mẹ về cái chết của các cậu bé, sau đó Chính phủ Guatemala cũng xác nhận tương tự hôm 29/6. Manuel de Jesús Tulul, cha của Wilmer cứ khóc mãi không thôi. Dù không biết những đứa trẻ tới Houston bằng cách nào, nhưng ông chưa bao giờ tưởng tượng rằng chúng sẽ bị nhốt trong xe đầu kéo.

Con trai ông đã bỏ học và phụ cha việc đồng áng, nhưng Wilmer không nhìn thấy tương lai ở thị trấn nơi những ngôi nhà nhỏ được xây từ kiều hối gửi về từ Mỹ. Cậu bé muốn giúp cha mẹ nuôi 3 đứa em, và một ngày nào đó có được ngôi nhà và mảnh đất của riêng mình.

Kẻ buôn người đã đòi khoản tiền 6.000 USD, và gia đình Wilmer đã trả khoảng một nửa. Giờ đây, Tulul chỉ nghĩ đến việc đưa thi thể con trở về và hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ chi phí.

Bà Maria Sipac Coj cầm ảnh chân dung con trai Pascual Melvin Guachiac tại Tzucubal, Guatemala. Ảnh: AP

Trong khi đó, tại Mexico, Javier Flores López và Jose Luis Vásquez Guzmán, là anh em họ, cũng đã rời cộng đồng Cerro Verde gồm 60 người ở bang phía Nam Oaxaca với hy vọng có thể giúp đỡ gia đình. Họ hướng về Ohio, nơi công việc xây dựng và các công việc khác đang chờ đợi. Gia đình cho biết, Flores López đang mất tích, còn Vásquez Guzmán đang được điều trị trong bệnh viện tại San Antonio.

Cerro Verde không giữ được chân người trẻ, những người còn trụ lại đây kiếm sống bằng cách nhặt nhạnh từng đồng từ công việc đan lá cọ thành mũ, chiếc, chổi và các vật dụng khác. Nhiều người sống dựa vào số tiền chưa tới 2 USD/ngày.

Đây cũng không phải chuyến đi đầu tiên tới biên giới Mỹ - Mexico của Flores López. Người đàn ông khoảng 35 tuổi này đã rời Cerro Verde nhiều năm trước và tới Ohio, nơi cha và anh trai đang sống. Theo người họ hàng Francisco López Hernández, lần này Flores López tranh thủ trở về nhà thăm vợ và 3 con nhỏ. Vásquez Guzmán, 32 tuổi, quyết định đi cùng người anh họ để lần đầu vượt biên, hy vọng tới được chỗ người anh cả tại Ohio.

Tuy rằng ai cũng hiểu rõ những rủi ro, song đã có rất nhiều người từ Cerro Verde bình an qua biên giới Mỹ - Mexico với sự tiếp tay của những kẻ buôn người. Vì thế, tin tức về người di cư trong chiếc xe đầu kéo là một cú sốc kinh hoàng với gia đình Flores López, và giờ đây họ đang thấp thỏm chờ đợi thông tin với dự cảm “lành ít dữ nhiều”.

Mẹ của Vásquez Guzmán đã định xin visa để đi chăm con đang nằm viện, nhưng hôm 29/6, anh đã được đưa ra khỏi khu chăm sóc tích cực và bà có thể nói chuyện với con qua điện thoại. Bà quyết định ở lại Mexico chờ con bình phục.

López Hernández nói rằng, hầu hết người dân dựa vào những người đã thành công tới Mỹ, gửi tiền về cho họ bắt đầu chuyến hành trình với chi phí dao động quanh mức 9.000 USD. Dẫu rằng rủi ro rình rập, nhưng với những người may mắn, cơ hội đổi đời, tiền tài ở ngay trước mắt, khi có có thể tìm việc và kiếm sống ở “miền đất hứa”.

Mới nhất

x
Tan vỡ những giấc mộng đổi đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO