Tăng chế tài xử phạt hành vi cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên
(Baonghean) - Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ người và phương tiện tham gia giao thông phải nhường đường cho xe ưu tiên. Tuy nhiên trong thực tế, thay vì chủ động và phải nhường đường cho xe ưu tiên, nhiều lái xe đã cố tình không chấp hành, gây cản trở.
Phạm luật vì ý thức kém
Dù sự việc đã trôi qua hơn nửa tháng, song dư luận vẫn chưa hết bức xúc mỗi khi nhắc lại vụ việc chiếc xe Lexus chạy trên đường Quang Trung, TP Vinh không nhường đường cho xe chữa cháy. Đó là trưa ngày 4/10, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh xe chữa cháy đang hú còi, phát loa thông báo yêu cầu ô tô Lexus đi trước nhường đường nhưng tài xế không hợp tác.
Clip được chia sẻ trên mạng trưa ngày 4/10. |
Cụ thể, đoạn clip ghi lại cảnh xe cứu hỏa đang trên đường đến chữa cháy tại một kho phế liệu thuộc xã Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An). Khi xe đi trên đường Quang Trung, TP Vinh, trong khi các phương tiện đều chủ động nhường đường thì ô tô Lexus BKS 38A - 176.36 vẫn ngênh ngang chặn đầu xe cứu hỏa.
Lúc này, lực lượng cảnh sát PCCC trên xe liên tục phát loa thông báo “Đề nghị xe 38A - 176.36 dẹp vào lề đường bên phải, nhường đường xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ” nhưng tài xế xe Lexus vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngã tư, được một lái xe khác ra hiệu, lái xe Lexus mới chịu đánh lái sang bên phải tại ngã tư đường Quang Trung giao Lê Hồng Phong để xe chữa cháy làm nhiệm vụ.
Hành vi của lái xe vi phạm đã khiến không chỉ lực lượng thực thi nhiệm vụ mà cả người dân, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc. Ngay sau đó, ông Nguyễn Bắc Vĩnh (trú tại Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), người lái xe vi phạm nói trên đã bị CSGT triệu tập xử lý theo quy định của pháp luật.
Song phần lớn đều cho rằng với mức phạt 2,5 triệu, cộng với tước bằng lái 2 tháng còn quá nhẹ cho hành vi cản trở xe cứu hỏa, dù bất kể là lý do gì. Bởi thực tế, vụ cháy nói trên trong trường hợp xe bị cản trở không đến kịp thì đám cháy sẽ lây lan và gây thiệt hại lớn hơn.
Chiếc xe Lexus không nhường đường xe cứu hỏa trưa ngày 4/10. Ảnh cắt từ clip |
Ngoài xe cứu hỏa, xe CSGT dẫn đường cũng thường xuyên bị các phương tiện tham gia giao thông không nhường đường.
Mới đây nhất, ngày 11/9/2019 quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1A, tại km 397+600, chiếc xe ô tô dẫn đoàn của phòng CSGT dù đã bật tín hiệu còi hụ, phát loa từ xa yêu cầu lái xe ô tô mang BKS 37C- 220xx. đi cùng chiều phía trước giảm tốc độ, áp sát vào lề đường bên phải để nhường đường cho xe ưu tiên. Tuy nhiên, chiếc xe ô tô nói trên vẫn thản nhiên đi chắn phía trên, không chịu chuyển làn, mặc cho tiếng loa của CSGT vang lên phía sau.
Không chỉ xe cứu hỏa, xe CSGT, mà nhiều phương tiện ưu tiên khác cũng không được nhường đường khi tham gia giao thông trên đường. Thậm chí, tình trạng chen lấn, chặn đầu các xe ưu tiên càng trở nên nghiêm trọng hơn vào những giờ cao điểm. Thực tế, đã có không ít trường hợp bệnh nhân cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng vì lý do xe cứu thương bị tắc đường đến chậm.
Chị Ngô Thị Hoài ở xã Diễn Kỷ, Diễn Châu chia sẻ: Có trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” mới thấy ý thức của người đi đường quá tồi. Hơn một năm trước em tôi vô tình uống nhầm thuốc, phải gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Dù xe cấp cứu liên tục hú còi nhưng nhiều người vẫn cố tình chen lấn, không chịu nhường đường. Do vậy dù được súc rửa đường ruột và may mắn qua khỏi nhưng hiện vẫn để lại di chứng, bác sĩ nói chỉ chậm một chút nữa thôi là có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Cần tăng chế tài xử phạt
Theo thống kê của riêng phòng CSGT tỉnh trong triển khai Kế hoạch số 1000/KH- PC08 ngày 2/8/2019 về Tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 1A.
Từ ngày 5/8/2019- 20/9/2019 đã xử lý 121 trường hợp, trong đó có 3 xe khách, 113 xe tải, 3 xe con, 2 xe taxi.
Trung tá Nguyễn Văn Đường - Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT tỉnh cho biết: Trong thực tế, lực lượng CSGT hàng ngày ngoài nhiệm vụ phân luồng, xử lý vi phạm, hướng dẫn giao thông còn có rất nhiều những công việc khác. Một trong số đó phải kể tới nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là công tác đón, dẫn các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm, làm việc và đi qua địa bàn Nghệ An.
Để đảm bảo được đoàn dẫn tuyệt đối an toàn, thì CSGT phải có những kế hoạch, phương án hết sức chi tiết, chặt chẽ. Bởi vậy, những trường hợp lái xe vi phạm không chấp hành tín hiệu, yêu cầu của CSGT, của đoàn xe ưu tiên, đều nhanh chóng bị CSGT khống chế, xử lý kịp thời.
Lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an thành phố Vinh trao đổi với lái xe không nhường đường xe cứu hỏa. Ảnh tư liệu Đ.C |
Nếu như việc không nhường đường cho xe đón, dẫn đoàn của CSGT, ngoài ảnh hưởng yếu tố chính trị, không xây dựng được hình ảnh giao thông đẹp, tạo ra sự thân thiện, thể hiện tính hiếu khách, thì với xe chữa cháy, xe cứu thương việc không nhường đường còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Mỗi khi lái xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, mỗi tài xế đều phải tập trung cao độ, vừa phải xử lý những tình huống trên đường hòng tránh tai nạn, vừa phải tính toán đường đi đến đám cháy nhanh nhất để kịp thời dập tắt đám cháy, cứu tài sản, cứu người bị nạn.
Bởi những phút đầu tiên kể từ khi xảy ra cháy được gọi là “thời gian vàng”. Do đó, khi thấy xe cứu hỏa hay bất cứ loại phương tiện nào phát tín hiệu ưu tiên thì lái xe tham gia giao thông phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với việc phải nhường đường cho xe ưu tiên.
Một tài xế vận chuyển xe cấp cứu bức xúc “Mọi người hãy thử đặt mình vào vị trí có người thân đang trên xe vận chuyển đưa đi cấp cứu, vậy mà trên đường di chuyển, mặc cho còi hụ inh ỏi nhưng các phương tiện khác cứ thản nhiên, xem như không nghe, lúc ấy cảm giác của bạn sẽ như thế nào.
Ở đây không còn là việc tuân thủ pháp luật, mà việc nhường đường cho xe cấp cứu còn thuộc về phạm trù đạo đức, là trách nhiệm với cộng đồng, bởi chỉ cần sớm hơn một vài phút là đã có thể cứu sống được một mạng người, ngược lại sẽ không có cơ hội”.
Trên thực tế, nhiều xe ưu tiên bị mắc kẹt giữa các phương tiện lưu thông trên đường. Ảnh: Đ.C |
Xét về nguyên nhân, hầu hết các tài xế bị CSGT xử lý đều trình bày do xe dài, đóng kín cửa nghe nhạc, sử dụng điện thoại nên không nghe còi của xe ưu tiên, số ít trường hợp khi gặp xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ thì mất bình tĩnh và không biết xử lý như thế nào cho đúng...
Tuy nhiên, tất cả dường như chỉ là ngụy biện. Bởi trước tiên, việc nhường đường cho xe ưu tiên, gồm: xe chữa cháy, cứu nạn, hộ đê, cứu thương và phương tiện của các lực lượng chức năng khác đi làm nhiệm vụ đã được Luật Giao thông đường bộ quy định. Tiếp đến, người tham gia giao thông chưa thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang có người nhà trên đường cấp cứu trong cơn nguy kịch, những người đang vật lộn với ngọn lửa rừng rực trong các ngôi nhà bị cháy,…
Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, để mọi người coi việc nhường đường cho xe ưu tiên như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông, cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm một cách nghiêm khắc.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét tăng chế tài xử phạt cũng như tăng chế tài liên quan áp dụng biện pháp hình phạt bổ sung với những người có hành vi tái phạm, hoặc cố tình cản trở xe ưu tiên. Bởi thực tế, nếu không xử lý nghiêm người tham gia giao thông sẽ nhờn luật, để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo Nghị định 46/2016, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng. Đồng thời, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.