Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển mô hình trường trọng điểm, chất lượng cao
(Baonghean.vn) - Với những trường trung học trọng điểm chất lượng cao xây dựng thí điểm sẽ có một cơ chế riêng để phát triển, nhưng việc đánh giá hiệu quả cần phải thực hiện nghiêm túc, đúng với thực tế.
Chiều 3/5, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4/2019. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mỹ Hà |
Xây dựng trường chất lượng cao nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện
Mở đầu cuộc họp các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành, việc thí điểm xây dựng trường trung học trở thành một số trường trọng điểm chất lượng cao nhằm mục đích xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và xã hội, tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế, đảm bảo bản sắc dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà. |
Để xây dựng mô hình này, bước đầu ngành sẽ triển khai thí điểm ở 14 trường (trong đó có 5 trường THPT và 9 trường THCS).
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao được phát triển theo mô hình trường tiên tiến và hoàn toàn khác với mô hình trường chuyên lớp chọn. Theo triết lý trường chuyên, chủ yếu dạy học sinh giỏi một môn chuyên".
Nhưng ở mô hình trường tiên tiến, học sinh sẽ được giáo dục toàn diện, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Hiện, theo tính toán, tổng kinh phí để đầu tư cho giai đoạn thí điểm là 85,692 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành báo cáo về dự thảo kế hoạch thí điểm trường trọng điểm, chất lượng cao. Ảnh: Mỹ Hà. |
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị các đại biểu cần hiểu rõ khái niệm “thí điểm” để tránh những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình triển khai. Ngoài ra, do đang trong quá trình thí điểm nên Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với kiến nghị của Sở cần có một cơ chế “mở” nhưng phải có đánh giá lại sau khi hoàn thành chương trình để tiếp tục nhân rộng, hoặc có những điều chỉnh cần thiết sao cho phù hợp với thực tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đồng ý với danh sách các trường đã được lựa chọn thí điểm vì đây đều là những trường có bề dày về chất lượng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh băn khoăn về việc đầu tư nguồn lực, và yêu cầu Sở cần chỉ đạo các nhà trường tránh tình trạng lạm thu xã hội hóa đầu tư xây dựng trường (nhất là ở những trường không nằm trong khu vực thành phố).
Với những trường trọng điểm, chất lượng cao, nhà trường sẽ được ưu tiên, đầu tư về cơ sở vật chất. Ảnh: Mỹ Hà |
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch xây dựng trường trọng điểm, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch, có lộ trình kiểm tra đánh giá thường xuyên từ nay đến năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu thêm một số ý kiến của các ban, ngành để hoàn thiện kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo viên và quan tâm đến đầu ra của học sinh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng tình với dự thảo Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Đây cũng là một bước đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì trong những năm tới quy mô học sinh trên toàn tỉnh sẽ tăng rất lớn, trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường học chưa đảm bảo với hơn 1.200 phòng học tạm mượn. Tổng nhu cầu kinh phí để thực hiện đề án là 8.552 tỷ đồng.
Việc hợp nhất các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng là thiết yếu
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình về việc lấy ý kiến đặt tên đường ở thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Mỹ Hà |
Trong buổi chiều nay, các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đồng ý với Dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao của Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Nghĩa Đàn; Dự thảo Quyết định quy định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2019 – 2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ –TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng về dự thảo Đề án Hợp nhất các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật do các sở đang quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc sáp nhập là điều thiết yếu trong giai đoạn hiện nay.
Việc sáp nhập các ban quản lý dự án xây dựng nhằm mục đích thu gọn đầu mối và tạo sự chuyên nghiệp trong việc thực hiện các dự án (trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa). Ảnh: Mỹ Hà |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo quy định rõ bộ máy (giám đốc, các phó giám đốc và các ban chức năng). Quan trọng hơn là phải sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ của 5 ban đang hiện hành sao cho hợp lý. Đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu việc triển khai phải khẩn trương, đảm bảo đến tháng 8 năm nay phải đi vào thực hiện và có hình thức chuyển tiếp.
Đây cũng là chủ trương của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan phải thực hiện khẩn trương, đảm bảo đúng kế hoạch và lộ trình đề ra.