Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba

17/09/2015 19:30

(Baonghean) - Ngày 16/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn đại biểu Cuba, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính và Vật giá Cuba đã có buổi làm việc về hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba. Nội dung chính của chương trình làm việc là nhằm trao đổi, đánh giá và phương hướng tăng cường hợp tác; trao đổi tình hình kinh tế - tài chính của hai nước; chia sẻ kết quả đánh giá 30 năm đổi mới ở Việt Nam trên lĩnh vực tài chính; các trọng tâm - định hướng chiến lược tài chính đến 2020 và hai Bộ trưởng ký biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016 - 2020.

Tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư

Chào mừng đoàn đại biểu Bộ Tài chính đến từ đất nước xã hội chủ nghĩa anh em, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: quan hệ hai nước Việt Nam - Cuba rất đặc biệt và là đối tác truyền thống của nhau. Tình cảm của hai nước là tình cảm giữa những người anh em chung một lý tưởng cách mạng. Đối với Bộ Tài chính Việt Nam, các cán bộ của Bộ Tài chính và Giá cả Cuba là những người vừa là đồng chí, vừa là anh em, và năm nay cũng là năm đặc biệt với kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chúc mừng đất nước Cuba anh em đã đạt được trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế-xã hội, cũng như những thắng lợi trên lĩnh vực đối ngoại trong thời gian vừa qua, cụ thể nhất là Cuba và Hoa Kỳ đã từng bước thực hiện các bước đi bình thường hóa quan hệ, thành lập sứ quán tại mỗi nước. Trong bối cảnh chung quan hệ của hai nước, hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba luôn được Bộ Tài chính chú trọng, và đánh giá là chương trình hợp tác lâu dài, thiết thực, hiệu quả.

Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động hợp tác giữa hai bộ dựa trên cơ sở thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam và Cuba (được chính thức ký kết vào tháng 6/2007). Từ đó đến nay, mỗi năm hai bên đều trao đổi đoàn cấp cao và tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn - tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của nhau hiệu quả và thiết thực. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước, hai bên cần quan tâm cụ thể hóa các hoạt động hợp tác cụ thể, thực chất, tập trung vào thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên.

Theo đó, trong thời gian tới, một mặt tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện biên bản ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa hai bộ; đồng thời quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy việc đàm phán tiến tới sớm ký kết hiệp định thương mại giữa hai nước; khai thông các cơ chế bền vững để triển khai các nội dung, dự án cụ thể trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Cuba (kỳ họp lần thứ 33 sắp tới tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 11/2015) - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 giữa hai nước.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 giữa hai nước.

Trong chuyến thăm lần này, Bộ Tài chính và Vật giá Cuba sẽ trao đổi về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, Hệ thống chỉ số đánh giá kinh tế vĩ mô và hiệu quả chính sách tài khóa, Công tác quản lý nợ công và bảo đảm cân đối ngân sách, về quản lý NSNN và quan hệ ngân sách TW - địa phương, về hệ thống thanh tra, kiểm tra giám sát ngân sách, về chính sách thuế và Kho bạc Nhà nước.

Chia sẻ kinh nghiệm điều hành tài chính - ngân sách của Việt Nam với đoàn công tác Cuba, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau 30 năm đổi mới lĩnh vực tài chính, hệ thống chính sách động viên ngân sách được rà soát và hoàn thiện, giúp cho việc điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Tiềm lực tài chính - ngân sách được tăng cường: quy mô thu NSNN đã tăng dần theo các năm. Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực và bền vững. Việc phân bổ các nguồn lực tài chính được bảo đảm theo các ưu tiên, hướng tới việc bảo đảm tính hiệu quả, tính công khai, minh bạch và công bằng; xóa bỏ dần tình trạng bao cấp của NSNN.

Không những vậy, Việt Nam đã hình thành kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thị trường tài chính và thị trường dịch vụ tài chính đã được nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền ban hành. Quy mô thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, từng bước đóng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính được tăng cường, góp phần phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Đặc biệt, phải kể đến những cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Tiếp tục cải cách kinh tế

Trong buổi làm việc, hai bộ cũng rất quan tâm tới các trọng tâm cải cách kinh tế, tài chính mà Việt Nam đang thực hiện. Theo đó, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thực hiện chính sách kinh tế nhất quán, điều hành kinh tế theo cơ chế thị trường, Việt Nam còn phải bảo đảm thực hiện tốt các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các cam kết về lộ trình cắt giảm thuế theo các hiệp định song phương, đa phương đã ký.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ thực hiện các trọng tâm cải cách chủ yếu, trong đó, đầu tiên là sẽ tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp theo hướng bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng nhằm giải phóng, phát triển mạnh sức sản xuất của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính, thị trường dịch vụ tài chính, vận hành an toàn, được quản lý và giám sát hiệu quả, để động viên tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển KT-XH.. Nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát các nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia, ổn định thị trường, an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, cần phải tiếp tục CCHC trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm hoạt động tài chính thông suốt, chất lượng và hiệu quả. Thực hiện hiện đại hoá nền tài chính quốc gia, hoàn thiện thể chế tài chính, phương thức và cách thức điều hành chính sách tài chính, tiền tệ theo hướng đồng bộ, thống nhất, ổn định và minh bạch, phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế và tái cấu trúc nền tài chính quốc gia. Nâng cao năng lực phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách tài chính.

Định hướng chiến lược tài chính đến 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đó là các định hướng thực hiện tái cơ cấu nền tài chính quốc gia trên cả 3 mặt: tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi của nền kinh tế đạt đến giai đoạn phát triển cao hơn. Tập trung xác định rõ vị trí, vai trò, phạm vi, phương thức hoạt động của tài chính nhà nước trong nền kinh tế, tạo động cơ, động lực đúng đắn cho khu vực kinh tế nhà nước và môi trường đầu tư thực sự bình đẳng cho mọi chủ thể trong nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế tài chính theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với trọng tâm là nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển KT-XH, tiến tới xoá bỏ cơ bản tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, thiếu tính chiến lược. Thực hiện kế hoạch hoá nền kinh tế trong trung hạn, tăng cường khả năng điều tiết nền kinh tế trước các biến động KT-XH trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng.

Phát huy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống

Nhìn lại chương trình hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba trong những năm qua, có thể thấy, trong giai đoạn từ 2012 - 2015, hai nước đã trao đổi về quản lý thu chi NSNN, chính sách thuế và quản lý thuế, quản lý Kho bạc Nhà nước, quản lý giá, kế toán, chính sách tài chính hỗ trợ an sinh xã hội, phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, quản lý rủi ro thông qua bảo hiểm và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm. Hai bên cũng đã thực hiện các hoạt động hợp tác song phương một cách hiệu quả và nhiều ý nghĩa. Các nội dung phía Cuba cần tìm hiểu được phía Việt Nam nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cả những thành công và không thành công để làm bài học kinh nghiệm cho Cuba. Đây là sự hợp tác được Chính phủ hai nước đánh giá là một chương trình hợp tác hiệu quả, đáp ứng đúng nguyện vọng tìm hiểu kinh nghiệm của Bộ Tài chính Cuba trong lĩnh vực tài chính giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế. Bộ Tài chính Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm có thể vận dụng kinh nghiệm quản lý tài chính công đã từng được áp dụng và kiểm nghiệm qua giai đoạn nền kinh tế chuyển đổi và giai đoạn thiết lập hệ thống quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN để giúp bạn tiếp cận với cách thức mà Việt Nam đã làm và đang làm. Theo đó, bạn tự xác định các phương án để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra khi phải đối diện với những vấn đề tương tự như Việt Nam đã trải qua.

Riêng với những thách thức và yêu cầu của quá trình tái cơ cấu Bộ Tài chính Cuba, Bộ Tài chính Việt Nam đã tích cực trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ bạn thực hiện tốt nhiệm vụ cân đối thu, chi ngân sách, cân bằng kinh tế vĩ mô và tăng cường sử dụng hữu hiệu các công cụ tài chính khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện sản xuất, thương mại, đầu tư gặp khó khăn do bị cấm vận trong nhiều năm qua. Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Cuba, đặc biệt là hợp tác tài chính giữa hai nước, hai bộ - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Tăng cường hợp tác tài chính Việt Nam - Cuba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO