Xử lý ổ bệnh kịp thời
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm lây chung giữa người và động vật. Chó, mèo là nguồn lưu hành và lây bệnh cho con người. Người mắc bệnh dại khi đã phát bệnh sẽ không chữa trị được.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay (tháng 11/2024), trên địa bàn Nghệ An xuất hiện 14 ca phát bệnh dại chó, tại 14 xã ở các huyện: Quỳ Châu, thị xã Thái Hoà, Tân Kỳ, Yên Thành, Nghĩa Đàn và Nam Đàn. Tổng số chó bị mắc bệnh dại 16 con.
Xác định để loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng thì việc kiểm soát virut gây bệnh trên chó, mèo là yếu tố quan trọng nhất. Cơ quan chuyên môn là Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống bệnh dại, hàng năm cấp kinh phí triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 14/3/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh dại động vật và bệnh cúm gia cầm.
Cùng đó, ngay từ đầu năm, ngành chuyên môn đã thực hiện các giải pháp về tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, tài liệu, sổ tay, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại tại cơ sở…; tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y cho thú y cơ sở, giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh dại; các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác phòng, chống bệnh dại và kỹ năng bắt chó để tiêm phòng, xử lý ổ dịch dại và điều tra ổ dịch…
Từ đó, người dân đã nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dại, nên việc tiêm phòng bệnh dại chó, mèo dần được nâng lên, tỷ lệ được tiêm phòng năm sau cao hơn năm trước.
Năm nay, tính đến tháng 11/2024, số lượng chó, mèo đã tiêm phòng trên 200 nghìn con, đạt hơn 70% tổng đàn.
Nhờ nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và tỷ lệ tiêm phòng cao, nên bệnh dại trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch quy mô lớn, một số trường hợp bệnh dại nhỏ, lẻ xảy ra đã được thú y phường, xã, chính quyền địa phương xử lý. Khi có thông tin dịch bệnh từ cơ sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với địa phương xử lý ổ dịch và tiêm phòng bao vây ổ dịch được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Công tác lấy mẫu giám sát bệnh dại được thực hiện thường xuyên tại các huyện, thành, thị.
Chủ động phòng chống bệnh dại
Bệnh dại do virus dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm virus cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc mắt, mũi. Chẳng hạn như động vật bị nhiễm bệnh dại nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh liếm lên vết thương trên da bạn là bạn đã có thể bị nhiễm bệnh.
Có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến chó, mèo bị bệnh dại là do mầm bệnh lưu hành trong quần thể chó lớn. Đàn chó chưa được tiêm phòng vắc-xin không có miễn dịch chủ động bị mắc bệnh. Trong khi đó, người dân còn chủ quan với bệnh dại khi bị chó mắc bệnh cắn không tới các cơ sở y tế để phòng bệnh dại kịp thời.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại đạt được những thành tựu nhất định. Các cấp chính quyền đã thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là tuyến cơ sở trước đây thường bỏ ngỏ cho lực lượng thú y thì nay đã quán triệt, chỉ đạo các ban, ngành cùng phối hợp vào cuộc, cùng chung tay loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng. Chủ động phát hiện sớm, bao vây trong diện hẹp các ổ dịch bệnh dại trên động vật, hạn chế thiệt hại và lây lan sang người.
Ông Trần Võ Ba - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh
Người dân hiểu được bệnh dại là bệnh bắt nguồn từ động vật; xác định được chó nuôi là mối nguy cơ cao dẫn đến bệnh dại ở người, từ đó nâng cao ý thức trong phòng, chống bệnh dại, trong công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, trong công tác quản lý đàn chó nuôi, người khi bị chó cắn yêu cầu bắt buộc là phải đi điều trị dự phòng bệnh dại ngay, không sử dụng các phương pháp khác để điều trị bệnh dại.
Do phần lớn các trường hợp bị dại là do chó cắn nên để phòng ngừa bệnh thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là tiêm vắc xin để phòng bệnh cho chó, mèo. Đây là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả cao và được khẳng định là hiệu quả rất tốt nhất với động vật nuôi và con người.
Bệnh dại là căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, vì thế, cần đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của bệnh và sự quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Mỗi gia đình có vật nuôi lại càng cần chú ý về vấn đề này, đồng thời cũng cần tìm hiểu thông tin về việc phòng tránh chó cắn hay sơ cứu khi bị chó cắn,… Phòng tránh chó cắn bằng những phương pháp, như: Không thả rông; đeo rọ mõm cho chó, xích chó lại khi dắt ra đường…
Để hạn chế đến mức thấp nhất do bệnh dại gây ra, thời gian tới, UBND các cấp cần chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phòng, chống bệnh dại hàng năm, bố trí ngân sách để đảm bảo triển khai các hoạt động. Huy động các nguồn lực tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại của địa phương.
Đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác phòng dịch. Quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn, hàng năm, tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó đạt từ 80% tổng đàn trở lên”.
Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong phòng, chống dịch và quản lý chó, mèo nuôi. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tăng cường giám sát, kiểm soát bệnh dại, phát hiện, xử lý ngay các trường hợp chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng qua nhiều hình thức, để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng, chống bệnh dại. Tăng cường kiểm soát, kiểm dịch, vận chuyển chó và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó bất hợp pháp theo quy định của pháp luật về thú y...