Tăng cường quản lý sau đầu tư
(Baonghean) - Phần lớn các công trình cấp nước tự chảy ở huyện miền núi chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và tạo nên sự bức xúc cho người dân tại những nơi thiếu nguồn nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó, là do chưa làm tốt công tác quản lý sau đầu tư.
(Baonghean) - Phần lớn các công trình cấp nước tự chảy ở huyện miền núi chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và tạo nên sự bức xúc cho người dân tại những nơi thiếu nguồn nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó, là do chưa làm tốt công tác quản lý sau đầu tư.
Tại khu tái định cư Piêng Cu 1, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong - bản di dời đầu tiên khỏi khu lòng hồ Thủy điện Hủa Na, được đầu tư công trình cấp nước tự chảy, nhưng sau một thời gian sử dụng đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân là hệ thống ống dẫn bị hư hỏng và không được sửa chữa kịp thời.
Ông Hà Văn Phòng ở bản Piêng Cu 1, cho hay: “Từ nguồn nước của hệ thống tự chảy dẫn về đến bể chứa nước dài gần 7 km, khi hư hỏng rất khó sửa chữa vì thiếu kinh phí, vật tư…”. Tại bản Piêng Cu 2, công trình cấp nước tự chảy cũng không phát huy được hiệu quả do hệ thống ống nước hư hỏng và không được sửa chữa, nên bà con ở bản Piêng Cu thiếu nước sinh hoạt. Hay tại bản tái định cư Huôi Siu – Huôi Lạn (xã Tiền Phong) và bản Khủn Na (xã Đồng Văn) cũng xẩy ra tình trạng công trình cấp nước tự chảy bị hư hỏng.
Công trình cấp nước tự chảy không sử dụng được tại bản Piêng Cu (Quế Phong) thuộc khu tái định cư Thủy điện Hủa Na. |
Thực tế tại các huyện miền núi, công trình cấp nước đều tận dụng chênh lệch độ cao giữa nguồn nước và địa bàn dân cư để lắp đặt hệ thống dẫn nước về khu vực dân cư (cấp nước đến bể chứa công cộng). Tại huyện Kỳ Sơn có đến 140 công trình áp dụng hình thức cấp nước tự chảy, huyện Tương Dương 123 công trình, Quế Phong 33 công trình… Được biết, hoạt động tổ chức quản lý vận hành, khai thác sử dụng, duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư tại các huyện miền núi chủ yếu thực hiện theo các mô hình cộng đồng tự quản lý, bởi vậy không giao trách nhiệm cho người chuyên trách, hoặc phân công nhưng chưa đảm đương được công việc, vì không có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này, đồng thời lại không vận động thu tiền sử dụng nước của bà con… nên khi hư hỏng không có vốn để sửa chữa. Thậm chí tại một số công trình cấp nước sạch ở các khu tái định cư Thủy điện Hủa Na (Quế Phong) vừa mới đưa vào sử dụng, nhưng sau đó không lâu lại không hoạt động nữa. Chính vì vậy, theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay phần lớn các công trình cấp nước tự chảy (gồm 394 công trình) quản lý theo mô hình này đều chưa phát huy được hiệu quả.
Với sự phát triển đa dạng về lĩnh vực đầu tư cấp nước, hiện nay tại vùng nông thôn tỉnh ta có 445 công trình cấp nước, với tổng nguồn vốn đầu tư 751.575 triệu đồng (không bao gồm cả các dự án, các nhà tài trợ riêng lẻ), trong đó, vốn đóng góp của người hưởng lợi là 470.350 triệu đồng. Như vậy, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn là rất lớn và đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có các giải pháp để khôi phục, khai thác hiệu quả công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy.
Ông Nguyễn Ích Xuân, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT Nghệ An cho biết: “Việc đầu tư đổi mới mô hình quản lý sau đầu tư tại công trình cấp nước tự chảy là rất cần thiết, nên từ nay đến hết năm 2014, các cấp, ngành liên qua sẽ tiến hành xong việc rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng đầu tư, quản lý sử dụng sau đầu tư và lập phương án đề xuất xử lý cụ thể từng công trình, đồng thời tiến hành đầu tư, cải tạo lại những công trình cấp nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, song song với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đầu tư công trình và quản lý sau đầu tư. Đặc biệt, quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành công trình cấp nước”.
Vĩnh Hoàng