Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC
(Baonghean.vn) - Chiều 24/5, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.
Dự chỉ đạo hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an.
Tại điểm cầu Nghệ An, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì. Ảnh: Đ.C |
Toàn quốc xảy ra 850 vụ cháy nhà
Theo thống kê từ ngày 15/4/2021 đến 15/4/2022, toàn quốc xảy ra 1.908 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 826,539 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 850 vụ cháy nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 44,5%), làm chết 70 người (chiếm 87,5%), bị thương 52 người (chiếm 46%), thiệt hại về tài sản 73,83 tỷ đồng (chiếm 8,9%).
Cụ thể, có 659/850 vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình (31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người), làm chết 45 người, bị thương 40 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 35,86 tỷ đồng; có 191/850 vụ cháy tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (8 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người), làm chết 25 người, bị thương 12 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 37,97 tỷ đồng.
So với 1 năm trước khi triển khai cao điểm (15/4/2020 đến 15/4/2021), số vụ cháy xảy ra tại loại hình này giảm 277 vụ (850/1.127 vụ, giảm 24,6%), số người chết tăng 6 người (70/64 người, tăng 9,3%), số người bị thương giảm 28 người (52/80 người, giảm 35%), thiệt hại về tài sản tăng 18,58 tỷ đồng (73,83/55,25 tỷ đồng, tăng 33,1%).
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An có mặt chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy phòng trà Fill. Ảnh tư liệu |
Theo đánh giá, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đợt cao điểm, quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC.
Sau thời gian tiếp tục triển khai cao điểm (từ 15/11/2021 đến 15/4/2022), các địa phương đã quyết liệt trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu được lãnh đạo bộ giao. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại địa phương, UBND cấp xã đã từng bước nắm bắt được trách nhiệm và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh và người dân, người lao động đã có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã kiềm chế về số vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC
Tại hội nghị, công an các địa phương đã có nhiều tham luận, trong đó tập trung chỉ rõ: Một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm PCCC của mình: Không khắc phục các tồn tại, vi phạm đã được cơ quan quản lý kiểm tra, kiến nghị hoặc thực hiện hình thức, đối phó; không quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH hoặc có trang bị nhưng không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến hư hỏng...; không chủ động tham gia các hoạt động PCCC tại khu dân cư (tham gia các buổi tuyên truyền, lực lượng dân phòng, mô hình, phong trào PCCC); còn xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây dư luận quan tâm, lo ngại trong xã hội…
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho người dân. Ảnh: PCCC |
Kết luận hôi nghị, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh những nội dung trọng tâm các địa phương cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục tham mưu hoàn thiện các quy định về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ. Triển khai, giám sát việc thực hiện quy định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện nghiêm túc công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, bảo đảm 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC được lập hồ sơ quản lý theo quy định; xác định, lập danh sách địa bàn, khu vực trọng điểm, cơ sở có khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi xảy ra cháy, nổ trong khu dân cư để tăng cường các biện pháp quản lý về PCCC và CNCH.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH sâu rộng, trực tiếp đến người dân thông qua nhiều hình thức, nội dung dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng; Rà soát, lập danh sách, xây dựng và nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, các mô hình hoạt động hiệu quả tại khu dân cư theo phương pháp mỗi cấp huyện chọn 1 cấp xã, tại cấp xã chọn 1 khu dân cư, tổ liên gia, tự quản làm điểm trong xây dựng mô hình PCCC, phong trào tự trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH.
Đặc biệt, hướng dẫn, vận động 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc diện phải có 2 lối ra thoát nạn phải bảo đảm và duy trì có 2 lối ra thoát nạn (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt...); trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn…
Cùng với đó, thực hiện kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị…
Dịp này, Bộ Công an đã trao Bằng khen cho 11 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc.