Tăng hiệu quả đầu tư từ vùng nguyên liệu tập trung

02/11/2017 09:38

(Baonghean) - Công ty CP mía đường Sông Con đang phối hợp với nông dân tạo những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để tăng hiệu quả đầu tư.

Đầu tháng 11 này, bà con huyện Tân Kỳ sẽ thu hoạch mía nguyên liệu nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Đầu tháng 11 này, bà con huyện Tân Kỳ sẽ thu hoạch mía nguyên liệu nhập cho nhà máy. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhân rộng mô hình

Là cây trồng chủ lực ở địa phương, những năm qua, hiệu quả kinh tế của cây mía ở nhiều xã tại huyện Tân Kỳ chưa cao do tập quán sản xuất theo truyền thống lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ nên việc cơ giới hóa, thực hiện quy trình chăm sóc đầu tư chưa đồng bộ và gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng mía nguyên liệu theo mô hình sản xuất mía tập trung đã đưa năng suất, chất lượng mía từng bước tăng cao.

Gia đình ông Trương Văn Thúy, ở xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân (Tân Kỳ) trồng hơn 1 ha mía trong vùng sản xuất mía tập trung của xã, chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, xã thực hiện sản xuất cánh đồng mía tập trung theo chính sách hỗ trợ của Công ty CP Mía đường Sông Con, bằng cách thay thế giống mía mới KK2, làm đất bằng máy cày sâu và hỗ trợ phân bón, mùn mía nên hiệu quả tăng cao.

Sau khi tham gia trồng mía theo cánh đồng lớn không những giảm được chi phí đầu tư, chăm sóc, công lao động mà năng suất mía còn tăng lên từ 80 đến 90 tấn/ha; trung bình mỗi ha, gia đình lãi khoảng 30 triệu đồng/năm.

Ông Lê Hồng Văn - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết thêm: Từ hiệu quả của mô hình sản xuất mía tập trung 50 ha tại xóm Thanh Trà, được bà con đồng thuận cao, xã đã đăng ký với nhà máy và UBND huyện thực hiện thêm mô hình 50 ha tại xóm Xuân Yên và Hoàng Xuân trong niên vụ tới. Tân Xuân có hơn 422 ha mía, hiện địa phương đang tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa, thực hiện đến đâu, xã chỉ đạo bà con sản xuất mía tập trung.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Công Trung, cho biết: Từ mô hình sản xuất mía tập trung tại các xã Giai Xuân, Tân Hợp, Nghĩa Đồng năng suất đạt 80 - 90 tấn/ha/năm, người trồng mía thu lãi 30 triệu đồng/ha, nhiều địa phương đã đăng ký trồng mía tập trung cho năng suất cao, sẽ áp dụng trong niên vụ 2018 - 2019.

Theo đó, xã Giai Xuân đăng ký thực hiện mô hình 61 ha, Tân Xuân 50 ha, Kỳ Sơn 60 ha, Nghĩa Hành 60 ha, Nghĩa Bình 30 ha, Đồng Văn 20 ha. Các xã chưa đăng ký, UBND huyện giao cho mỗi xã phải thực hiện 1 mô hình mía tập trung quy mô tối thiểu 5 ha trở lên. Các giống mía được đưa vào trồng tại các mô hình tập trung là LK92-11 và KK3.

Huyện Tân Kỳ hiện có 5.872 ha mía nguyên liệu. Nhằm nâng cao năng suất mía, huyện Tân Kỳ giao cho mỗi xã thực hiện một mô hình thâm canh mía năng suất cao quy mô 5 ha trở lên. Những mô hình này sẽ được hỗ trợ bằng các nguồn đầu tư theo hình thức sản xuất chuỗi giá trị, vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM và một số chính sách của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con.

Hướng đầu tư máy thu hoạch mía

Những năm qua, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã tập trung nguồn lực để thay đổi tập quán sản xuất của người trồng mía trên vùng nguyên liệu theo nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau như máy làm đất, phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc…

Nhà máy đang triển khai có hiệu quả việc quy hoạch các vùng mía nguyên liệu theo cánh đồng lớn, góp phần đưa năng suất mía ngày càng tăng cao.

Ông Trương Văn Thúy, xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân chăm sóc mía.
Ông Trương Văn Thúy, xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân chăm sóc mía. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con: Nếu như niên vụ mía 2014 - 2015, toàn vùng nguyên liệu của nhà máy mới có 100 ha sản xuất mía tập trung ở Nghĩa Đồng và Tân Xuân, thì đến niên vụ 2016 - 2017 đã tăng thêm 117 ha ở xã Giai Xuân, dự kiến năng suất đạt trên 80 tấn/ha.

Qua đó cho thấy, việc nhân rộng mô hình trồng mía tập trung còn khiêm tốn. Từ thống kê các năm, năng suất bình quân mía thuộc cánh đồng sản xuất tập trung đều cao hơn diện tích sản xuất đại trà từ 20 đến 30%; trong khi đó, chi phí sản xuất giảm hơn so với sản xuất đại trà.

Hiện Công ty đã tính đến việc đầu tư mua máy thu hoạch mía để phục vụ bà con, vấn đề mà lâu nay người trồng mía băn khoăn do phải thuê mượn nhân công chi phí cao. Tuy nhiên để máy thu hoạch mía hoạt động hiệu quả thì cần phải có diện tích đủ lớn từ hàng trăm ha trở lên.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế và hướng đến mở rộng mô hình cánh đồng sản xuất mía tập trung, theo ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con: Để người trồng mía yên tâm sản xuất, ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà máy thì các cấp chính quyền trên địa bàn cũng đang vào cuộc mạnh mẽ, khuyến khích người dân tham gia sản suất mía theo hình thức tập trung.

Niên vụ 2017 - 2018, bà con huyện Tân Kỳ trồng mới 3.000 ha mía/tổng số gần 6.000 ha. Các giống mía mới đưa vào sản xuất như: KK3, LK9211, Việt đường 00236 và Việt đường 95. Công ty CP Mía đường Sông Con sẽ hỗ trợ tiền công làm đất cho những mô hình trồng mía tập trung từ 50 ha trở lên. Đồng thời khuyến cáo: Bà con cần sử dụng máy cày 3 chảo để khai thác tầng đất sâu; nên bón phân đặc chủng do công ty sản xuất; sử dụng các giống mía mới và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tăng hiệu quả đầu tư từ vùng nguyên liệu tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO