Tăng năng lực, trách nhiệm phản biện xã hội
(Baonghean) - Công tác Mặt trận đã từ trạng thái “hành chính” sang trạng thái “hành động”, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được trí tuệ của các tổ chức thành viên, nhân sỹ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động phản biện xã hội. Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
P.V: Giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng, mang tính “chiều sâu” của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vậy hoạt động này thời gian qua ở Nghệ An như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Bộ Chính trị cụ thể hóa quyền, trách nhiệm, cơ chế hoạt động, phối hợp của các bên liên quan đến nội dung này tại Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW. Đối với Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch 119-KH/TU về triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh thăm hỏi, trò chuyện với đảng viên Chi bộ bản Xiềng. Ảnh: Bá Hậu |
Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp ở địa phương. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn về quy trình, cách thức tổ chức giám sát, phản biện, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ MTTQ cấp huyện và cơ sở. Định kỳ quý 4 hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp tiến hành hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, MTTQ các cấp đã thành lập và phát huy tối đa vai trò, trí tuệ của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học trên từng lĩnh vực liên quan.
P.V: Dù đã có nhiều chuyển biến, đi vào chiều sâu, song hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là phản biện ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Đồng chí nhận định như thế nào về vấn đề này?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Đây cũng chính là trăn trở của những người làm công tác Mặt trận với vai trò chủ trì, hiệp thương dân chủ. Có rất nhiều nguyên nhân, trước hết do các quy định của pháp luật chưa nêu rõ loại văn bản dự thảo nào thì bắt buộc phải có phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể; nội dung nào thì phản biện theo nhu cầu, nhất là chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, tiếp thu, trả lời và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.
Thường trực Ủy ban MTTQ huyện trao đổi, thảo luận trước khi thực hiện nội dung giám sát, phản biện xã hội. Ảnh: Nguyễn Hải |
Mặt khác, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, đôi khi còn có biểu hiện xem nhẹ công tác giám sát, phản biện xã hội, chưa có sự quan tâm sâu sát trong chỉ đạo thực hiện. Nhiều cơ quan soạn thảo còn có biểu hiện ngại được phản biện, thậm chí còn cho rằng phản biện là chỉ để tìm điểm yếu, lỗ hổng, bất cập của cơ quan soạn thảo.
Cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức thành viên trong thực hiện chức năng phản biện xã hội còn chưa rõ, nhất là cơ chế phối hợp giữa chủ thể phản biện với các cơ quan, tổ chức với tư cách bên nhận sự phản biện còn chưa được xác định đầy đủ. Một số địa phương chưa phân biệt rõ giữa phản biện xã hội và hoạt động góp ý kiến văn bản và chủ yếu mới thực hiện ở hoạt động góp ý kiến văn bản nhưng vẫn quan niệm và báo cáo kết quả là phản biện xã hội.
Về nguyên nhân chủ quan đó là quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, tham mưu sâu về nội dung lĩnh vực phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể còn hạn chế, việc huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học chưa nhiều. Bên cạnh đó, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác MTTQ và các đoàn thể các cấp nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phản biện xã hội cả về cơ sở lý luận, cũng như kinh nghiệm thực tiễn.
Cán bộ Mặt trận thị xã Cửa Lò giải đáp thắc mắc của người dân tại phường Nghi Hòa. Ảnh: Thanh Quỳnh |
P.V:Để hoạt động phản biện của MTTQ và các đoàn thể thật sự phát huy hiệu quả, theo đồng chí cần các yếu tố nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh: Theo tôi, cần phải kết hợp đồng bộ rất nhiều yếu tố, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cơ quan soạn thảo văn bản và cơ quan tổ chức phản biện.
Thứ nhất, phải xây dựng Quy chế phối hợp giữa MTTQ và UBND các cấp cho cả nhiệm kỳ, trong đó quy định cụ thể các nội dung phối hợp, trách nhiệm, cơ chế ràng buộc giữa các bên từ khi dự thảo văn bản đến khi văn bản hết hiệu lực, từ khi tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của MTTQ đến khi trả lời và thực hiện các kiến nghị sau phản biện xã hội của MTTQ; hàng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy chế để rút kinh nghiệm; đồng thời, MTTQ chủ động cụ thể hóa việc thực hiện Quy chế với UBND tỉnh thông qua ký kết Chương trình phối hợp thống nhất hành động với các ngành liên quan.
Thứ hai, MTTQ các cấp phải kiện toàn các Hội đồng tư vấn/Ban Tư vấn đảm bảo có “thực quyền”, theo hướng như sau. Về nhân sự: Ban Thường trực MTTQ các cấp chỉ lựa chọn hiệp thương người đứng đầu của các Hội đồng/Ban Tư vấn, sau đó cùng người đứng đầu lựa chọn, hiệp thương các vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn/Ban tư vấn và các thành viên. Về chuyên môn: MTTQ tôn trọng tối đa kết quả tham gia phản biện xã hội của các Hội đồng theo quy định. Về điều kiện đảm bảo hoạt động của các Hội đồng/Ban tư vấn, MTTQ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành viên có thể phát huy hết khả năng của mình.
Ủy ban MTTQ các cấp cần tăng cường hoạt động giám sát, phản biện các dự án đầu tư. Ảnh: Minh Chi |
Thứ ba, MTTQ phải tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động phù hợp với tình hình mới, khắc phục mạnh mẽ “hành chính hóa” công tác Mặt trận từ trạng thái “hành chính” sang trạng thái “hành động”, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động được trí tuệ của các tổ chức thành viên, nhân sỹ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong hoạt động phản biện xã hội.
Thứ tư, các cấp ủy đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tâm, có tầm làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời cần thực hiện việc kiểm tra, sát hạch cán bộ công chức hàng năm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống đảm bảo xây dựng được hình ảnh người cán bộ Mặt trận “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
5 năm qua, UBMTTQ các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát 4.851 cuộc chuyên đề; trong đó cấp tỉnh 17 cuộc; cấp huyện 422 cuộc và cấp xã là 4.412 cuộc. UBMTTQ các cấp cũng đã tổ chức 1.231 hội nghị phản biện xã hội; trong đó cấp tỉnh là 17 cuộc; cấp huyện 81 cuộc và cấp xã là 1.133 cuộc. Ngoài tổ chức hội nghị phản biện trực tiếp, MTTQ các cấp cũng đã tham gia góp ý phản biện vào 3.821 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền các cấp.