'Tăng sức đề kháng' cho doanh nghiệp
(Baonghean) - “Bạn không cần giàu ở xuất phát điểm nhưng phải có tầm nhìn” - TS. Lê Thẩm Dương từng nêu quan điểm. Đối với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tầm nhìn đó thể hiện ở khả năng định vị bản thân và doanh nghiệp, bắt kịp xu hướng hội nhập để từ đó hoạch định chiến lược đúng đắn để phát triển. Đó chính là “chìa khóa” giúp họ vững vàng trên vai trò đầu tàu thúc đẩy doanh nghiệp gặt hái thành công trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay.
Xác định đúng nguồn lực để đặt mục tiêu
Sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay không tách rời bối cảnh, cơ hội và thách thức trong thời đại mới. Bởi vậy, đòi hỏi người đứng đầu cần định vị đúng nguồn lực của doanh nghiệp mình, từ đó thiết lập mục tiêu phù hợp với yêu cầu phát triển. Cách đây khoảng 10 năm, trên địa bàn Nghệ An kinh doanh nhóm dịch vụ taxi, cho thuê xe tự lái và xưởng sửa chữa ô tô còn khá mới mẻ. Nhưng nhờ học hỏi cách thức phát triển của một số tỉnh thành, ông ông Trần Hồng Minh – Giám đốc công ty TNHH Hồng Minh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình này.
Ông xác định liên kết phát triển nhóm dịch vụ được coi là hướng đi mới, lợi thế so sánh của doanh nghiệp bối cảnh lĩnh vực kinh doanh dịch vụ taxi, garage phát triển ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố. Bởi, các nhóm dịch vụ này có thể bổ trợ nhau, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, sữa chữa phương tiện … tăng lợi nhuận.
Công ty TNHH Hồng Minh phát triển nhóm dịch vụ để tiết kiệm chi phí nâng cao chất lượng phục vụ và triển khai các chương trình khuyến mại |
Bên cạnh xác định được lợi thế của doanh nghiệp mình, ông còn đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt, phân tích thị trường để để ra những chiến lược phát triển phù hợp với xu thế và hiệu quả. Chia sẻ về kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, ông Minh cho biết: Kinh doanh mảng dịch vụ nên luôn chú trọng cập nhật thông tin, nghiên cứu thị trường để có những chương trình khuyến mại phù hợp, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, hậu mãi ...
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, chủ doanh nghiệp phải thường xuyên tự tìm tòi, học hỏi bổ sung kiến thức, tích cực ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành để giảm chi phí. Chúng tôi còn chủ trương đào tạo nhân viên bằng cách cử đi học các khóa học chuyên ngành và thường xuyên đánh giá năng lực của người lao động để có sự sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, để họ phát huy được thế mạnh; góp phần phát thúc đẩy công ty phát triển. Nhờ vậy mà công ty ngày càng mở rộng quy mô hoạt động, với tổng số lao động lên tới trên 200 người, mức lương trình bình từ 6-7 triệu đồng/ người.
Thu hút khách Tây và các bạn trẻ khám phá miền Tây xứ Nghệ là hướng đi mới của Công ty Di lịch Vinh Guru. |
Còn công ty Du lịch Vinh Guru thì xác định “nguồn lực” chính là đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, giỏi ngoại ngữ và các sản phẩm tours du lịch độc đáo như: Du lịch thiện nguyện, tours dành cho du khách nước ngoài và người trẻ thích khám phá trải nghiệm những vùng đất hoang sơ ở miền Tây xứ Nghệ.
Ông Võ Bá Nguyên, Giám đốc công ty chia sẻ: Hàng tháng, công ty mời những chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đến chia sẻ, đào tạo kiến thức cho các nhân viên, hướng dẫn viên công ty; đồng thời tham gia các buổi tập huấn nghiệp của ngành tổ chức. Công ty còn chú trọng đẩy mạnh marketing online để mở rộng thị trường. Nhờ vậy, mặc dù đang còn rất “trẻ” so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng công Du lịch Vinh Guru đã bắt đầu tìm được chỗ đứng cho mình trong trong hệ thống các công ty lữ hành tại Nghệ An.
Với ông Lê Quý Hoài – Giám đốc công ty CP TM xây dựng vận tải Hoài Linh, giải pháp phát triển doanh nghiệp trước tiên từ thay đổi tư duy của người lãnh đạo. Ông chia sẻ: “Trước đây, tôi quản lý cửa hàng kinh doanh nhỏ nên thiếu kiến thức quản lý, quản trị nhân lực … Để tạo nền tảng vững chắc để phát triển doanh nghiệp, tôi nâng cao kiến thức quản lý qua các lớp đào tạo quản lý doanh nhân. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, việc lập chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, ưu đãi khách hàng là yếu tố sống còn …”.
Đổi mới tư duy để hội nhập
Thực tế, đội ngũ doanh nhân Nghệ An phần lớn trưởng thành từ thực tiễn. Họ chủ yếu tham gia thương trường bằng kinh nghiệm của bản thân hoặc thừa hưởng từ gia đình, ít được đào tạo bài bản. Bởi thế, đội ngũ doanh nhân cần được đào tạo, bồi dưỡng để bắt kịp với xu thế phát triển.
Theo ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An: “Hiện trên địa bàn tỉnh, trong số trên 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký, chỉ có trên 9.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó số doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh lại chỉ có vài chục. Môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất gay gắt, bởi vậy, chủ doanh nghiệp cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phát huy vai trò đầu tàu, để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động khá độc lập, chưa tích cực tham gia vào các Hiệp hội, nên khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình liên quan đến công tác bồi dưỡng doanh nghiệp, doanh nhân”.
Đông đảo doanh nhân tham gia lớp Quản trị doanh nghiệp Chuyên sâu - CEO do Trung tâm TTĐT &TVPT, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. |
Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân đồng nghĩa với nâng cao năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, bởi vậy, UBND tỉnh đã triển khai đề án “Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An, giai đoạn 2012 – 2015, có tính đến 2020”. Các khóa đào tạo được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Tham gia các lớp học, các học viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng hoặch định chiến lược, năng động, nhạy bén thích nghi với môi trường kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và tư vấn phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Theo kết quả khảo sát qua các khóa đào tạo, hơn 20% số lượng học viên sau khi học xong các lớp khởi nghiệp, có hoạt động thành lập doanh nghiệp, 30% học viên có ý tưởng kinh doanh sáng tạo... Các chương trình đào tạo của đề án còn góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần quan trọng trong sự phát triển KT – XH của tỉnh.
Xác định doanh nhân, doanh nghiệp là “hạt nhân” quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, bởi vậy mục tiêu của đề án nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về lượng và chất; thích nghi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Theo đó, từ năm 2016 – 2020, đề án sẽ tiếp tục mở rộng các đối tượng, xây dựng chương trình, chuyên đề phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, hơn hết người “chỉ huy” doanh nghiệp phải tự ý thức “tăng sức đề kháng” cho doanh nghiệp mình, đủ năng lực cạnh tranh. Đó là đổi mới tư duy trong điều hành sản xuất, kinh doanh, từ đó có những giải pháp nâng cao năng lực quản lý, quản trị, không ngừng đổi mới, tăng cường kết nối, bắt kịp với xu hướng hội nhập, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
TIN LIÊN QUAN |
---|