Tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công
(Baonghean.vn) - Việc sửa đổi một số điều trong Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công, ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí.
Đây là nội dung tại Hội nghị góp ý xây dựng Luật quản lý, sử dụng tài sản công do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức sáng 22/3.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. |
Dự thảo Luật gồm 10 chương với 136 điều quy định quản lý nhà nước về tài sản công và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công; quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên; dịch vụ về tài sản công.
Hội nghị ghi nhận 12 ý kiến đóng góp của các đại biểu về Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Mỹ Nga. |
Tại hội nghị, đa số đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi một số điều trong Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công, ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí.
Về cơ bản các quy định của Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi tên "Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước" hiện hành thành "Luật quản lý, sử dụng tài sản công".
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến bổ sung vào các điều khoản, tập trung các nhóm vấn đề chính: khái niệm tài sản công; nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quản lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; tu dưỡng, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng...
Cụ thể như, tại Điều 1 - Giải thích khái niệm Luật, các ý kiến đồng tình với nội dung "Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng Luật chỉ nên giới hạn bao quát những tài sản nào có điều kiện quản lý được, còn những tài sản nào quản lý không khả thi thì không nên điều chỉnh. Và đề nghị không loại trừ tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ ra khỏi khái niệm tài sản công.
Việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước cần được quản lý chặt để tránh thất thoát, lãng phí. Ảnh tư liệu. |
Tại Điều 2, các ý kiến đề nghị bổ sung đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các ban quản lý dự án có sử dụng vốn nhà nước vào đối tượng áp dụng.
Tại Mục 2, Chương III quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo công bằng, bình đẳng và áp dụng thống nhất về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và nên đưa ra định mức khoán, quy định chi tiết cụ thể như các nội dung về định mức xây trụ sở, chức danh sử dụng xe công, giá trị xe, tiêu chuẩn phòng làm việc…
Hay như tại Điều 33 quy định về khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng.
Kết thúc hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời các ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.
Mỹ Nga
TIN LIÊN QUAN |
---|