Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến
(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.
P.V:Thưa đồng chí, câu chuyện về người trẻ và sự dấn thân là chủ đề thu hút nhiều quan tâm của xã hội trong thời gian qua. Theo quan điểm của đồng chí, dấn thân của tuổi trẻ là gì và tuổi trẻ Nghệ An đã có sự dấn thân như thế nào?
Đồng chí Lê Văn Lương: Theo tôi, sự dấn thân của tuổi trẻ là tâm thế sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện được mục tiêu đã đề ra của mình. Dấn thân không vì lợi ích của bản thân mình mà vì lợi ích chung của tập thể, thực sự vô tư, trong sáng trong môi trường mình đang hoạt động, làm việc.
Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, mẫu số chung nhất tạo nên giá trị và sự đóng góp của tuổi trẻ là sự dấn thân.
Dấn thân phải thực sự trở thành lẽ sống, là động lực thôi thúc các bạn trẻ hành động vì nghĩa lớn. Ở một khía cạnh khác, với tâm thế sẵn sàng dấn thân, các bạn trẻ cũng tự tạo ra cho mình một môi trường để rèn luyện, tích lũy, thử thách và trưởng thành trong tư duy, nhận thức và hành động.
Chiếu theo quan điểm đó, thì tuổi trẻ Nghệ An trong thời gian qua cơ bản đã phát huy được truyền thống quê hương, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng góp trí tuệ, sức trẻ và lòng nhiệt huyết để triển khai nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó hướng về cộng đồng, xã hội.
Chỉ mới đây thôi, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Trong những lá đơn nóng hổi những khát khao được cống hiến, được trưởng thành trong quân ngũ, dù biết đó là môi trường đầy khắc nghiệt, chông gai.
Đối với phong trào thanh niên tình nguyện với trọng tâm đưa nhân lực và huy động vật lực về hỗ trợ các thôn, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn được tuổi trẻ tỉnh nhà triển khai một cách nhiệt huyết, đầy trách nhiệm.
Dưới sự nỗ lực của tuổi trẻ, đã có nhiều những chiếc cầu dân sinh, những ngôi nhà nhân ái, những phòng Tin học khang trang, quy củ được xây dựng..., hướng về con người, vùng đất khó của tỉnh. Tại các địa phương đang hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hình ảnh thanh niên cùng nhau làm đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xóa điểm đen rác thải... đã trở nên quen thuộc với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian toàn tỉnh gồng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, tuổi trẻ toàn tỉnh đã phối hợp với các lực lượng thành lập, duy trì 750 đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh tham gia phòng, chống dịch bệnh với hơn 45.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.
Trong đó, tổ chức Đoàn đã phối hợp với ngành Y tế kêu gọi tình nguyện viên, sinh viên ngành Y tham gia chống dịch. Nhiều mô hình mới, cách làm hay trong chế tạo dung dịch sát khuẩn, máy sát khuẩn, tuyên truyền cài đặt phần mềm Bluezone, Ncovi, khai báo y tế, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giãn cách xã hội… góp phần quan trọng cùng toàn tỉnh chống dịch một cách hiệu quả, an toàn.
Những nỗ lực đó đã tô thắm hình ảnh màu áo xanh tình nguyện trong những thời điểm mà xã hội cần họ. Đó là sự nỗ lực đầy tâm huyết đã được người dân và cấp ủy ghi nhận, đồng lòng.
P.V: Có thể thấy rõ sự dấn thân của tuổi trẻ Nghệ An trong các hoạt động an sinh xã hội hướng về cộng đồng. Vậy, trong lĩnh vực kinh tế thì thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Văn Lương: Có thể nói, việc tuổi trẻ dấn thân trong lập thân, lập nghiệp không chỉ là cơ hội để họ theo đuổi đam mê của mình mà còn tạo ra giá trị cho xã hội. Tại Nghệ An, không thiếu những tấm gương người trẻ vượt khó để khởi nghiệp. Đó có thể là những thanh niên khuyết tật như Hoàng Kim Vị (sinh năm 1992) ở huyện Hưng Nguyên đã mạnh mẽ vượt qua lực cản của sức khỏe để phát triển thành công mô hình trang trại tổng hợp.
Thậm chí, thanh niên khuyết tật Lê Văn Đông (sinh năm 1994) ở thị xã Thái Hòa còn xuất sắc khởi nghiệp thành công với mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và làm tròn vai một cán bộ Đoàn - Hội tại nơi mình sinh sống.
Cùng với đó, bước vào cuộc cách mạng 4.0, nhiều đoàn viên, thanh niên Nghệ An đã có tư duy nhạy bén, thích nghi nhanh chóng thời cuộc để khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số. Điển hình trong đó như thanh niên Nghiêm Tiến Viễn (sinh năm 1990) với ứng dụng GoStream hỗ trợ livestream trên nền tảng Facebook Top 30 Thế giới, và là 1 trong 6 startup được giới thiệu tại Techfest Hoa Kỳ 2019...
Tính trên bình diện toàn tỉnh, đến cuối năm 2023, tuổi trẻ Nghệ An đã có 1.655 mô hình kinh tế ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên được tổ chức Đoàn triển khai, hiện thực hóa, xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra.
Sự hoạt động hiệu quả của các loại hình kinh tế này đã cho thấy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của tuổi trẻ Nghệ An trong tình hình mới. Từ đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế toàn tỉnh, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
P.V:Rõ ràng tuổi trẻ Nghệ An đã có những quả ngọt sau nhiều nỗ lực dấn thân và cống hiến. Vậy phía sau thành quả đó, tổ chức Đoàn có là điểm tựa cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, trưởng thành?
Đồng chí Lê Văn Lương: Tổ chức Đoàn đang triển khai 3 Chương trình đồng hành và hỗ trợ cho thanh niên gồm: Đồng hành với thanh niên trong học tập; Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.
Đối với Chương trình thứ nhất, Đoàn - Hội các cấp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, khuyến khích thanh niên học tập, nâng cao trình độ, đẩy mạnh việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực cho thanh niên. Từng bước phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện tốt phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” để tạo điều kiện cho các em phát triển một cách toàn diện nhất.
Đối với chương trình thứ hai, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, kết nối, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Tại địa bàn còn nhiều thiếu thốn, các cấp bộ đoàn đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên.
Trong năm 2023, dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Đoàn Thanh niên đạt trên 2.125 tỷ đồng (tăng 17% so với đầu năm 2022), đã cho 400 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.
Xuất hiện nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập mỗi năm từ 200 đến 400 triệu đồng, tạo tiền đề tươi sáng trong phát triển kinh tế cho lực lượng thanh niên, đoàn viên toàn tỉnh.
Cuối cùng, việc tạo nên môi trường rèn luyện và tổ chức các hoạt động thiết thực để thanh niên tham gia như hỗ trợ cộng đồng, chung tay triển khai các công trình hướng về vùng khó, tham gia các hoạt động kết nối văn hóa… đã giúp đoàn viên, thanh niên được bồi đắp ý thức trách nhiệm và lòng yêu nước. Từ đó, trở thành những công dân tích cực và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
P.V:Chúng ta đã bàn đến ý nghĩa của sự dấn thân và cống hiến, vậy đồng chí có lời khuyên nào để người trẻ tỉnh nhà phấn đấu đạt được điều đó?
Đồng chí Lê Văn Lương: Các bạn trẻ có thể hiểu ý nghĩa của sự dấn thân, nhưng để thực sự có những hành động, việc làm cụ thể thì không phải ai cũng có thể làm ngay được. Theo tôi, để người trẻ có thể sống dấn thân và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, xã hội thì có 4 yếu tố mà họ cần phải xây dựng được. Đó là, nâng cấp bản thân, tin tưởng vào chính mình, dám đối mặt với nỗi sợ hãi và xây dựng kế hoạch, lộ trình hợp lý.
Việc nâng cấp bản thân là quá trình không ngừng học hỏi, phát triển kỹ năng và kiến thức. Người trẻ cần liên tục cập nhật thông tin, tham gia các khóa học, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm. Ngoài ra, họ cũng cần tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm và mở rộng tầm nhìn.
Khi bản thân đã có những kiến thức, trải nghiệm quý giá thì sự tin tưởng vào chính mình sẽ giúp họ tìm ra được giải pháp cho những vấn đề phức tạp. Đồng thời, khích lệ bản thân và người khác xung quanh dám đối mặt với nỗi sợ hãi. Đó là tiền đề để người trẻ phát triển được sức mạnh tinh thần, lòng dũng cảm và khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Cuối cùng, việc xây dựng kế hoạch và lộ trình hợp lý là quá trình lập ra các mục tiêu cụ thể và tiến hành các bước để đạt được những mục tiêu đó. Người trẻ cần phải có một kế hoạch rõ ràng và có thể điều chỉnh linh hoạt theo thời gian để tiến bước từng ngày đến thành công.
Tôi tin rằng, đó sẽ là những tiền đề vững chắc để họ có thể thực hiện được những hoài bão của mình để tạo dựng tương lai cho mình và hướng về cộng đồng, xã hội!
P.V:Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!