Tạo đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở Nghệ An

Mai Hoa 27/04/2024 07:34

(Baonghean.vn) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An dự kiến giảm 1 đơn vị cấp huyện và 49 đơn vị cấp xã. Vấn đề quan tâm sau sáp nhập là bố trí cán bộ, công chức đúng người, đúng việc và giải quyết dôi dư, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.

bna_ Cán bộ huyện Yên Thành nắm bắt tâm tư của cán bộ, công chức xã Minh Thành về chủ trương sáp nhập. Ảnh bài Mai Hoa,.jpg
Cán bộ huyện Yên Thành nắm bắt tâm tư của cán bộ, công chức xã Minh Thành về chủ trương sáp nhập. Ảnh bài Mai Hoa

Giảm 1 đơn vị cấp huyện và 49 xã

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025; Nghệ An có 3 đơn vị hành chính cấp huyện được sắp xếp, sáp nhập, gồm thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc. Trong đó, sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số thị xã Cửa Lò và 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) vào thành phố Vinh để mở rộng thành phố.

Kết quả sau sáp nhập, thành phố Vinh, từ diện tích tự nhiên 104,99 km2, tăng lên 166,25 km2 (đạt tỷ lệ 110,83%) và dân số từ 404.110 người, lên 509.713 người (đạt tỷ lệ 339,81%).

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, qua rà soát và đối chiếu các quy định, toàn tỉnh có 89 đơn vị không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số phải thực hiện sắp xếp. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố đặc thù, tỉnh đề xuất và được Trung ương chấp thuận không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 đối với 22 đơn vị.

bna_ Quang cảnh hội nghị tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại xã Hưng Tân. .jpg
Hội nghị tuyên truyền chuyên đề về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Mai Hoa

Như vậy, còn 67 đơn vị thuộc diện sắp xếp và nghiên cứu các yếu tố khác, tỉnh đã xây dựng, đưa 27 đơn vị liền kề đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số để sắp xếp, sáp nhập với đơn vị không đủ tiêu chuẩn. Nghệ An có tổng 94 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 13 huyện, thành phố thực hiện sắp xếp thành 45 đơn vị, giảm 49 đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu có 17 đơn vị sáp nhập thành 8, giảm 9 đơn vị. Huyện Thanh Chương có 16 đơn vị sáp nhập thành 7, giảm 9 đơn vị; huyện Yên Thành có 14 đơn vị sáp nhập thành 7, giảm 7 đơn vị sau sáp nhập; huyện Diễn Châu có 10 đơn vị sáp nhập thành 5, giảm 5 đơn vị; huyện Hưng Nguyên có 6 đơn vị sáp nhập thành 3, giảm 3 đơn vị.

Có 2 đơn vị là thành phố Vinh và huyện Nghĩa Đàn; mỗi đơn vị có 5 đơn vị sáp nhập thành 2, giảm 3 đơn vị. Có 4 đơn vị gồm Nghi Lộc, Nam Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, mỗi đơn vị có 4 đơn vị sáp nhập thành 2, giảm 2 đơn vị. Huyện Con Cuông có 3 đơn vị sáp nhập thành 2, giảm 1 đơn vị; huyện Đô Lương có 2 đơn vị sáp nhập thành 1, giảm 1 đơn vị.

Dự kiến sau sáp nhập, Nghệ An giảm 1 đơn vị cấp huyện, từ 21 đơn vị giảm xuống còn 20 huyện, thành, thị xã; cấp xã, từ 460 đơn vị, giảm còn 411 xã, phường, thị trấn.

bna_QL6.jpg
Công chức xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Chủ động làm tốt công tác tư tưởng

Một trong những nội dung được quan tâm sau sáp nhập đơn vị hành chính là bố trí cán bộ, công chức đúng người, đúng việc và giải quyết dôi dư tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Đây được coi là vấn đề khó, nhạy cảm, bởi liên quan đến việc làm và chế độ, chính sách của cán bộ, công chức.

Rút kinh nghiệm giai đoạn sắp xếp, sáp nhập 2019 – 2021, trong dự thảo Đề án lần này, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở từng địa phương rất cụ thể, chi tiết trong vòng 5 năm, tính thời điểm sáp nhập đến năm 2025.

bna_ QL3.jpg
Cán bộ Phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) tìm hiểu tâm tư của cán bộ, công chức xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Mai Hoa

Theo số liệu được rà soát, tổng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thuộc diện sáp nhập hiện tại có 1.748 người (không tính xã Chi Khê, huyện Con Cuông chỉ điều chỉnh một phần diện tích, không ảnh hưởng đến bộ máy); trong đó, 905 cán bộ và 843 công chức. Dự kiến bố trí tại 44 xã sau sắp xếp là 935 cán bộ, công chức (525 cán bộ, 410 công chức); sau bố trí còn dôi dư 813 cán bộ, công chức.

Cùng với xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức làm việc và giải quyết dôi dư; công tác tuyên truyền, vận động đã, đang được các địa phương chủ động triển khai nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đồng chí Hồ Xuân Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thành (Yên Thành), chia sẻ: “Dù còn 5 năm mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, tuy nhiên, trong điều kiện sắp xếp đơn vị hành chính cán bộ, công chức dôi dư, tôi sẵn sàng nghỉ hưu trước tuổi với hy vọng thế hệ trẻ với sức bật, sự bứt phá mạnh hơn để lãnh đạo tốt địa phương sau sáp nhập”.

Ở xã Minh Thành, đồng chí Phan Phúc Hảo – Bí thư Đảng uỷ xã cũng bày tỏ tâm lý rất thoải mái và sẵn sàng về hưu trước tuổi khi chúng tôi hỏi về tâm tư, nguyện vọng của mình.

bna_ MH40.jpg
Lãnh đạo xã Minh Thành (Yên Thành) tìm hiểu tình hình Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Công Thành (Yên Thành), đồng chí Hoàng Văn Tuấn – Bí thư Đảng uỷ xã Công Thành khẳng định: Cán bộ, công chức ở địa phương đồng tình cao với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; trong đó có một số cán bộ với tâm lý rất thoải mái, vui vẻ nếu sau sáp nhập, tổ chức không bố trí được công việc thì nghỉ theo chế độ dôi dư dù đang còn xấp xỉ 10 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Bên cạnh sự đồng thuận thì vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra liên quan đến công tác bố trí và giải quyết dôi dư cán bộ, công chức. Bởi hiện nay, bên cạnh cơ bản được chuẩn hoá về bằng cấp thì đội ngũ cán bộ, công chức, người có độ tuổi lớn hơn thì có độ chín và nhiều cống hiến; người trẻ hơn có sức bật và sự sáng tạo, năng động tốt hơn.

Điều đó đặt ra đối với các địa phương cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo bài bản và khoa học, nhất là lựa chọn bố trí cán bộ chủ chốt “bó đũa chọn cột cờ”, đảm bảo bố trí đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ ở đơn vị mới với quy mô diện tích và dân số tăng lên; tránh tình trạng địa phương đang có phong trào tốt nhưng sau sáp nhập lại không duy trì được phong trào như cử tri và nhân dân ở một số địa phương đang đặt ra băn khoăn hiện nay.

bna_ MH Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Hưng Nguyên kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại xã Hưng Thịnh. Ảnh bài Mai Hoa (1).jpg
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Hưng Nguyên kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri tại xã Hưng Thịnh. Ảnh bài Mai Hoa

Về giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, hiện tại các địa phương đều đã có phương án cụ thể. Như ở huyện Hưng Nguyên, đồng chí Hoàng Nghĩa An - Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: Địa phương tập trung tuyên truyền, làm công tác tư tưởng, vận động những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong khung thực hiện chế độ để nghỉ hưu trước tuổi.

Song hành với đó là đẩy mạnh thực thi nhiệm vụ công vụ, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức nghiêm túc, làm cơ sở đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, ý thức, trách nhiệm không cao; đồng thời, ưu tiên điều động, luân chuyển cán bộ, công chức ở những đơn vị sáp nhập đến các đơn vị thiếu biên chế và tuyển dụng làm công chức cấp huyện, chuyển sang viên chức…

Theo ý kiến của nhiều địa phương, giải pháp được ưu tiên nhất trong giải quyết dôi dư là tuyên truyền, vận động để những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện nghỉ hưu trước tuổi và những người có nguyện vọng chuyển đổi sang công việc khác nhằm giải quyết nhanh dôi dư, không cần chờ đợi lộ trình 5 năm theo quy định.

bna_ Công chức xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) giải quyết công việc cho người dân. Ảnh bài Mai Hoa.jpg
Công chức xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) giải quyết công việc cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho cơ sở trong công tác vận động cán bộ, công chức, nhiều cơ sở cũng cho rằng, tỉnh sớm có chính sách rõ ràng và đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thoả đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tự nguyện tinh giản biên chế ngay sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập và giải quyết dôi dư ở các đơn vị sáp nhập, một vấn đề được cơ sở quan tâm hiện nay là kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị không sáp nhập.

Đồng chí Nguyễn Danh Tuệ - Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Yên Thành phản ánh: Hiện tại, ở huyện Yên Thành có một số xã đang khuyết trưởng các đoàn thể, gồm 7 Bí thư Đoàn xã (có 3 xã không thuộc diện sáp nhập); 5 Chủ tịch Hội Nông dân (có 1 đơn vị không sáp nhập); 1 Chủ tịch Hội Phụ nữ xã không thuộc diện sáp nhập. Theo điều lệ của các đoàn thể, các chức danh trưởng các đoàn thể trước hết là đoàn viên, hội viên sinh hoạt trong tổ chức ở địa phương và được hội viên bầu; nên các chức danh này không thể điều chuyển từ xã này sang xã khác được.

Vì vậy, địa phương đề xuất tỉnh cho chủ trương bầu một số chức danh trưởng một số đoàn thể ở các xã không thuộc diện sáp nhập để đảm bảo hoạt động của bộ máy ở cơ sở.

Tạo đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO