Tạo làn gió mới trong khởi sự doanh nghiệp
(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết 35), Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động để triển khai từ tháng 7/2016. Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Văn Độ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở KH&ĐT về vấn đề này.
P.V: Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ, đến hết quý I/2017, Nghệ An đã có hơn 16.000 doanh nghiệp đăng ký. Con số này phản ánh điều gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Số lượng doanh nghiệp ở tỉnh ta phát triển nhanh, bên cạnh yếu tố khách quan là sự phục hồi của nền kinh tế trong khoảng 2 năm lại đây thì Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời vào tháng 5/2016 thực sự đã tạo làn gió mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Nghệ An nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.
Tại tỉnh ta, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 3171 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 với 35 chương trình xoay quanh 4 trụ cột lớn gồm: cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự, đổi mới công nghệ; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và cuối cùng là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất bao bì nhà máy Tân Khánh An. Ảnh Thanh Lê |
Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 đã thực sự mang lại “lửa” cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi, niềm tin cho doanh nghiệp và thổi một làn gió khởi sự doanh nghiệp trong nhân dân. Theo đánh giá bước đầu, Nghệ An có nhiều điểm nổi bật khi thực hiện Nghị quyết 35.
Trước hết là giảm bớt các thủ tục cho doanh nghiệp với việc thực hiện cải cách hành chính. Trước đây, doanh nghiệp phải đến Sở KH&ĐT làm thủ tục đăng ký rồi sang ngân hàng, thuế, bảo hiểm làm tiếp các thủ tục liên quan. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã “kéo” các ngân hàng, bảo hiểm, thuế vào làm tại Trung tâm một cửa của Sở KH&ĐT. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc với giám đốc các ngân hàng để bố trí “kho” tài khoản sẵn tại Trung tâm một cửa, doanh nghiệp đến đăng ký mới chỉ cần lựa chọn tài khoản trong “kho” có sẵn không phải sang ngân hàng để làm như trước đây.
Cùng với đó, chúng tôi đã đưa dịch vụ công tại Sở KH&ĐT hoạt động lên mức độ 4, tức là cung cấp các mẫu hồ sơ đăng ký trên mạng, từ đó doanh nghiệp có thể đăng ký hồ sơ, thủ tục qua mạng và nhận kết quả qua bưu điện; có những tháng số lượng doanh nghiệp đăng ký qua mạng chiếm đến 80% số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Một nét riêng của Nghệ An đã được thực hiện trước đây, nay tiếp tục duy trì hiệu quả là lãnh đạo tỉnh có giao ban hàng tháng với các hội doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn. Với những chuyển động đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh. Chỉ tính trong quý I/2017, tỉnh ta có 342 doanh nghiệp được thành lập, trung bình mỗi ngày có gần 4 doanh nghiệp thành lập mới; từ đó đưa tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên con số 16.349 doanh nghiệp.
P.V: Số lượng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh phản ánh tín hiệu đáng mừng đối với môi trường đầu tư, kinh doanh ở Nghệ An. Tuy nhiên, có một thực trạng là hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ; còn quá ít doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt cho nền kinh tế. Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng này? Và đâu là giải pháp để chúng ta có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ mang thương hiệu Nghệ An?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Ngoại trừ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Nghệ An nằm trong thực trạng chung như các địa phương khác trong cả nước là số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, với khoảng 98%. Điều này thể hiện tính cạnh tranh của nền kinh tế Nghệ An chưa cao, còn manh mún.
Tuy nhiên, muốn có doanh nghiệp lớn thì phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ; do đó tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa cho việc thành lập, khởi sự doanh nghiệp, không phân biệt quy mô. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 sẽ có 20.000 doanh nghiệp. Nếu tính tốc độ đăng ký doanh nghiệp mới thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số này.
Tuy nhiên như đề cập ở trên, vấn đề đặt ra là không chỉ tăng về số lượng mà phải làm thế nào để nâng cao chất lượng doanh nghiệp? Để đạt được “mục tiêu kép” nói trên, tỉnh tập trung vào các giải pháp cụ thể, trước hết là cải cách thủ tục hành chính, đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước phải có sự đổi mới thực sự; phải hướng dẫn, đỡ đầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp; tập huấn các kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nhân; trao đổi, cập nhật các cơ chế, chính sách, định hướng về phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp khi mới thành lập.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao vai trò cầu nối của các hội doanh nghiệp vì các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập còn bỡ ngỡ nhiều vấn đề, do đó rất cần vai trò hỗ trợ của các hội doanh nghiệp. Đây vừa là cầu nối giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước về chính sách đối với doanh nghiệp; đồng thời tiếp thu các ý kiến các doanh nghiệp phản ánh, trao đổi trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách.
Cùng với đó, tỉnh đang định hướng và có chính sách để khai thác tốt những tiềm năng lợi thế; từ đó hình thành và phát triển được ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn, tạo dựng thương hiệu cho Nghệ An. Làm tốt điều này cũng sẽ tạo nên chất xúc tác để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, vì theo xu hướng chung thì đứng sau các doanh nghiệp lớn luôn là các doanh nghiệp vệ tinh gắn kết theo chuỗi sản xuất.
Ươm cây giống tại Công ty CP chanh leo Nafoods, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Thành Duy |
P.V: Hiện nay phong trào khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp đang được Đảng, Nhà nước khuyến khích. Vậy với vị trí người đứng đầu cơ quan được xem như “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế tỉnh nhà, đồng chí có thể cho biết những lĩnh vực nào mà tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp?
Đồng chí Nguyễn Văn Độ: Với tinh thần khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, thì việc bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh vào bất kỳ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm đều được tỉnh trân trọng và khuyến khích.
Tuy nhiên, cần lưu ý là Nghệ An có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực miền Tây, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở mảng này còn ít, mới chủ yếu trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh ta đã có quyết định ban hành các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền Tây.
Tuy nhiên, các chính sách dường như chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh đánh thức tiềm năng trong lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã nhận ra điều này và hiện đang chuẩn bị sửa đổi lại Nghị định 210/2013 để có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn cho những doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp, nhằm xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tạo nền tảng xây dựng thành công nông thôn mới.
Dựa trên tiềm năng, nền tảng chính sách, ở Nghệ An, tỉnh rất khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ở khu vực miền Tây.
Cùng với đó là lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa phát triển xứng tầm. Phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho các Khu Kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hóa và Khu Kinh tế Vũng Áng ở Hà Tĩnh cũng là hướng đi hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Cuối cùng là dịch vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực được đào tạo chuyên sâu để cung cấp cho các Khu Kinh tế ở hai tỉnh lân cận và cho cả các khu công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như VSIP Nghệ An, Hemaraj.
P.V: Cảm ơn đồng chí!
Thành Duy
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|