Tạo nguồn lực mới cho sự nghiệp "trồng người"

22/11/2013 11:09

(Baonghean) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09- NQ/HU bằng những giải pháp đồng bộ, cụ thể về đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng GD-ĐT, Quỳnh Lưu đã có những bước phát triển căn bản: chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường, trở thành một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục. 

(Baonghean) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09- NQ/HU bằng những giải pháp đồng bộ, cụ thể về đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng GD-ĐT, Quỳnh Lưu đã có những bước phát triển căn bản: chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường, trở thành một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục.

Xác định rõ vấn đề quan trọng của giáo dục - đào tạo trong việc phát huy truyền thống hiếu học, tạo nguồn lực “sống” trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, năm 2008, BCH Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khoá XXV nhiệm kỳ 2005-2010 đã ban hành Nghị quyết số 09- NQ/HU về đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và những năm tiếp theo, với mục tiêu trở thành một trong những huyện có phong trào giáo dục đào tạo tốt nhất tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/HU đã đưa sự nghiệp GD-ĐT Quỳnh Lưu trở thành những cơ sở vững chắc, trong đó khẳng định vị thế là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục, tạo cơ sở thuận lợi để thực hiện có hiệu quả NQ T.Ư 8 khoá XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Giờ ra chơi của cô và trò Trường Mầm non xã Ngọc Sơn.
Giờ ra chơi của cô và trò Trường Mầm non xã Ngọc Sơn.

Để Nghị quyết 09-NQ/HU nhanh đi vào cuộc sống, có chuyển biến căn bản về chất, đồng chí Nguyễn Văn Quý - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy những điển hình, những cách làm hay và thành tích xuất sắc của học sinh, giáo viên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, với cách làm này đã thực sự cổ vũ phong trào thi đua từ cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ trường học, từ đó tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của hệ thống chính trị của mỗi người dân trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Từ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, các địa phương, các trường học các cấp căn cứ vào tình hình thực tế “chọn điểm, chọn mũi, chọn việc” làm trước; xây dựng làm mẫu “lớp học xã hội hoá” từ đó có sự đối chứng ngay trong một trường, từng cấp học của địa phương thông qua đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Vũ Đình Kỳ - Trưởng phòng GD- ĐT Quỳnh Lưu khẳng định: Từ thực tiễn cơ sở, phòng chỉ đạo các trường căn cứ vào điều kiện thực tế chọn việc, chọn mũi làm trước đã có hiệu quả cao trong công tác vận động xã hội hoá giáo dục tại các địa phương. Nhân dân và chính quyền địa phương các xã cũng dần xoá bỏ tư tưởng trông chờ vào nhà nước và đồng thời tăng cường công tác minh bạch, quản lý thu, chi sử dụng đúng mục đích nguồn quỹ xã hội hoá để tạo niềm tin đối với các tầng lớp nhân dân.

Về xã Ngọc Sơn hôm nay khác với những gì chúng tôi tưởng tượng về một xã nghèo vùng bán sơn địa của huyện Quỳnh Lưu. Nơi đây sự nghiệp giáo dục đã được quan tâm đầu tư đổi mới, những ngôi trường mới được đầu tư xây dựng cao tầng khang trang nằm bên con đường nông thôn mới thoáng rộng. Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi trường “xã hội hoá” thôn Đại Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Văn Lập phấn khởi cho biết: Mặc dù xã còn nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, song đảng ủy xã xác định rất rõ đầu tư chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí là kế sách thoát nghèo bền vững.

Từ đó, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo và Ngọc Sơn cũng trở thành điểm sáng về xã hội hoá giáo dục và chất lượng giáo dục của huyện Quỳnh Lưu. Điều đồng chí Hồ Minh Lập trao đổi đã được kiểm chứng tại trường mầm non vùng Đại Sơn (thuộc HTX Đại Sơn). Điểm trường này đã được nhân dân đầu tư đầy đủ hệ thống các điểm vui chơi, khu vườn cổ tích, các lớp học bán trú, nhà bếp... đảm bảo tiêu chí môi trường, cảnh quan sư phạm lứa tuổi mầm non xanh - sạch - đẹp.

Cô Trần Thị Thuỷ - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường nhớ rất rõ thời điểm ban đầu thực hiện Nghị quyết đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng giáo dục với việc đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng ăn bán trú, và đầu tư trang thiết bị dạy học, một số phụ huynh tỏ ra nghi ngờ. Nhưng rồi chất lượng thể chất các cháu dần được nâng lên nên nhân dân đã tin và yên tâm hơn. Trong vòng 5 năm, hệ thống 2 điểm trường mầm non đã được đầu tư 1,2 tỷ đồng, trong đó có hơn 350 triệu đồng đầu tư đổi mới đồ chơi, tạo cảnh quan, đồng bộ thiết bị chế biến thức ăn, bàn ghế... Nhờ sự đầu tư đồng bộ này mà từ rất sớm, năm 2008, trường đã đạt chuẩn quốc gia, số lượng huy động trẻ đến trường từ 3-5 tuổi hàng năm đạt trên 95%, gần 90% cháu đạt yêu cầu theo quy định.

Thực hiện NQ 09 - NQ/HU của Huyện ủy Quỳnh Lưu về đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Ngọc Sơn cũng chỉ đạo hội khuyến học, hội cha mẹ học sinh, hội đồng giáo dục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đảm bảo hiệu quả. Đến nay, Ngọc Sơn duy trì hoạt động 15 chi hội khuyến học, 42/45 dòng họ có quỹ khuyến học, phong trào xây dựng gia đình hiếu học được đẩy mạnh. Trường tiểu học chuyển về địa điểm mới với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng đạt chuẩn năm 2011 và ở Ngọc Sơn cả 3 cấp học đều đạt chuẩn quốc gia và đang xây dựng đạt chuẩn mức độ 2.

Không chỉ ở Ngọc Sơn, từ thực tế yêu cầu của Nghị quyết 09-NQ/HU, đảng ủy các xã, chi bộ các trường đã cụ thể hoá bằng những nghị quyết, đề án, cách làm phù hợp, hiệu quả. Như tại xã Quỳnh Châu, trên cơ sở Nghị quyết xã hội hoá giáo dục của xã, trường tiểu học đề ra mức đóng góp hợp lý: Nhà trường đóng góp 30%, phụ huynh 70% trong việc đầu tư mua sắm bảng chống loá, hệ thống điện, quạt, bàn ghế học sinh mới đạt quy chuẩn. Hay tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1, mặc dù chi bộ không ra nghị quyết chuyên đề, tuy nhiên, công tác xã hội hoá được lồng ghép vào kế hoạch hàng tháng của chi bộ, triển khai trong nhà trường bằng các chuyên đề: Phát huy dân chủ rộng rãi trong chi bộ, trong cán bộ, giáo viên, học sinh; thực hiện “3 công khai” đầu năm học: công khai chất lượng đào tạo, công khai quy hoạch xây dựng đội ngũ và công khai công tác tài chính.

Xây dựng, hoàn thiện qui chế dân chủ, qui chế nội bộ... các qui định đều tạo điều kiện để phát huy trí tuệ tập thể trong mọi hoạt động giáo dục. Cũng từ các giải pháp đồng bộ này, chất lượng giáo dục của Trường THPT Quỳnh Lưu 1 đã được nâng lên, ngày càng khẳng định thương hiệu với số lượng học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đậu đại học, cao đẳng. Năm học 2012-2013, trường được xếp thứ 4 về thành tích thi học sinh giỏi. 4 năm liên tục, trường có số lượng học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ nhiều, đứng thứ 3 trong toàn tỉnh, chỉ sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Chuyên ĐH Vinh. Thầy Vũ Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng cho biết: Bên cạnh tập trung thực hiện 6 nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết như công tác quản lý đội ngũ, quản lý chất lượng, cơ sở vật chất... nhà trường luôn xác định rất rõ chất lượng đội ngũ là yếu tố sống còn, quyết định đến chất lượng học sinh, do vậy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn ưu tiên nội dung này.

Có thể nói, từ thực tế yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có có chất lượng, NQ 09- NQ/HU của Huyện ủy Quỳnh Lưu khoá XXV nhiệm kỳ 2005-2010 đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết mà thực tế đang đặt ra. Sau 5 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống đã nâng chất lượng giáo dục lên mức cao hơn với một loạt các chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt như: tăng chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh về học sinh giỏi, giáo viên giỏi. Riêng năm học 2012-2013 xếp thứ 3 toàn tỉnh về số lượng học sinh giỏi tỉnh và giữ vị trí thứ 3 về số lượng, chất lượng học sinh đậu đại học, cao đẳng.

Cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ công tác dạy và học không ngừng được tăng cường với tổng nguồn đầu tư 5 năm đạt trên 318 tỷ đồng, trong đó phụ huynh tự nguyện đóng góp 45,6 tỷ đồng, đã thay thế 728 phòng học kiên cố, đóng mới thay thế 27.200 bộ bàn ghế và các thiết bị hiện đại khác phục vụ công tác dạy học. Cũng từ khi có nghị quyết, phong trào khuyến học, khuyến tài đã thực sự được đẩy mạnh phát triển, tạo động lực kích thích sự học lan toả khắp các địa phương với việc vận động được hơn 31 tỷ đồng quỹ khuyến học, trong đó quỹ khuyến học dòng họ cũng duy trì được gần 9 tỷ đồng... Và từ kết quả sau 5 năm thực hiện NQ 09-NQ/HU đang tạo những tiền đề, điều kiện hết sức thuận lợi để Quỳnh Lưu tới đây thực hiện tốt NQ T.Ư8 đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, chăm lo tốt hơn sự nghiệp “trồng người” ở vùng quê hiếu học.

Hữu Nghĩa

Tạo nguồn lực mới cho sự nghiệp "trồng người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO