Tạo sức bật từ cải cách hành chính

Nguyễn Xuân Đường 19/02/2018 10:58

(Baonghean) - Năm 2017 là năm đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tỉnh Nghệ An hoàn thành đạt và vượt 27/27 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,25% so kế hoạch 8 - 9%, cao nhất và hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây...

Năm 2017 là năm đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tỉnh Nghệ An hoàn thành đạt và vượt 27/27 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,25% so kế hoạch 8 - 9%, cao nhất và hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây (năm 2014 tăng 7,13%, năm 2015 tăng 6,81%, năm 2016 tăng 7,22%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (đạt 6,81%).

Thu ngân sách đạt 12.465 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán và tăng 13,3% so năm 2016. Thành quả đó là nhờ sự kết tinh trí tuệ, công sức, sự đoàn kết, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh, mà một trong những đóng góp đó chính là sự chuyển biến tích cực của công tác cải cách hành chính.

Tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An với Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan). Ảnh:  Tiến Hùng
Tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh Nghệ An với Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan). Ảnh: Tiến Hùng

Xác định cải cách hành chính là “chìa khóa” mở ra nhiều triển vọng, thành công để phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung cao cho lĩnh vực này, nhằm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Năm 2017, tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết các thủ tục về đầu tư; thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi vào đầu tư tại Nghệ An...

Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định công bố thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực: Đất đai, tài chính, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa - thể thao, dân tộc, tư pháp làm cơ sở cho việc thực hiện. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các ngành, địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến nay, cơ chế một cửa đã thực hiện tại 21/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và tương đương, tại 21/21 huyện, thành, thị và 480/480 xã, phường, thị trấn. Mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện đã triển khai tại 14/21 huyện, thành, thị (9 đơn vị đã đi vào hoạt động, 6 đơn vị đang triển khai). Trong lĩnh vực đầu tư, có 11/11 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế liên thông đã được công khai đầy đủ, đảm bảo đúng quy định tại Bộ phận một cửa liên thông tỉnh...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trao đổi với người dân xã Mường Lống, Kỳ Sơn về mô hình trồng chanh leo. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trao đổi với người dân xã Mường Lống, Kỳ Sơn về mô hình trồng chanh leo. Ảnh: Thành Duy

Nhờ những nỗ lực trong cải cách hành chính trong năm 2017, nên hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư của Nghệ An đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với việc tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân, tỉnh đã tổ chức xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài; tổ chức thành công các sự kiện lớn về xúc tiến đầu tư như: Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017, tổ chức xúc tiến đầu tư tại Australia; phối hợp VSIP Nghệ An xúc tiến đầu tư tại Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc và TP.Hồ Chí Minh...

Thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư, đã có 176 dự án được cấp mới giấy phép đầu tư vào địa bàn Nghệ An, với số vốn đăng ký gần 15 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư có tầm cỡ đã, đang và sẽ triển khai là động lực thúc đẩy tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương như: Nhà máy Hoa Sen, Nhà máy Xi măng Sông Lam; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Dự án đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp của Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan), các dự án của các tập đoàn Vingroup, Masan; Khu du lịch dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Thanh Chương)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính, tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong công tác này, đó là chỉ số cải cách hành chính của Nghệ An 2017 giảm so với năm 2015, là điều phải trăn trở, tìm giải pháp khắc phục. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ cùng các sở, ngành, các cấp liên quan rà soát, tìm nguyên nhân và xây dựng kế hoạch khắc phục, nâng chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh.

Trước mắt, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở cận trên mục tiêu HĐND tỉnh giao là 9% (cả nước phấn đấu đạt 6,5 - 6,7%); thu ngân sách phấn đấu đạt 12.691 tỷ đồng. Muốn vậy, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mà trước hết là nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần thực chất tạo chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

Trước hết, các cấp, ngành cần chú trọng việc tạo điều kiện phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cấp theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung cao việc chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch để các cấp, các ngành chủ động xử lý công việc, tránh chồng chéo, thụ động.

Tăng cường công tác chỉ đạo, đốc thúc, kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đưa vào nề nếp việc kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện chương trình công tác đã đề ra theo cơ chế điều hành. Phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ thể, toàn diện của từng cá nhân lãnh đạo. Nắm bắt thông tin và kiến nghị từ cơ sở để có phương án, biện pháp xử lý và giải quyết kịp thời.

Cụ thể, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan nhiều đến doanh nghiệp và người dân. Năm 2017 một số sở, ngành đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ví dụ như Sở Xây dựng rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng quy chế phối hợp về thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan.

Cục Hải quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch qua biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; trong lĩnh vực đăng ký và khởi sự doanh nghiệp, thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cũng cần được rút ngắn tối đa... Tôi muốn ngay từ đầu năm 2018, các cơ quan, đơn vị nói trên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này.

Cùng đó, quan tâm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các ngành, các cấp. Các cơ quan, đơn vị cần chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần; đồng thời báo cáo UBND tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật.

Cải cách hành chính cũng phải được thực hiện đối với công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn thường xuyên, chất lượng nhằm xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin theo vị trí việc làm, để đến năm 2020 đạt trên 95% CB,CCVC hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đánh giá thực chất.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm nhà máy sản xuất ngói lợp, gạch Cotto Hoàng Nguyên Tân Kỳ. Ảnh: P.V
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm nhà máy sản xuất ngói lợp, gạch Cotto Hoàng Nguyên Tân Kỳ. Ảnh: P.V

Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 10/2013/CT-UBND ngày 06/4/2013 của UBND tỉnh tại các đơn vị, địa phương nhằm tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả thực chất.

Đối với lĩnh vực cải cách tài chính công, cần thực hiện các Nghị định của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan Nhà nước; quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao tự chủ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, chủ động trong việc sử dụng biên chế, kinh phí được giao, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ có hiệu quả.

Đối với công tác hiện đại hóa hành chính, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và năm 2017, Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó lưu ý Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu phê duyệt danh mục dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu: “Tư vấn khảo sát, xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An” (Quyết định số 1473/QĐ-UBND ngày 14/4/2017) và các nội dung liên quan...

Cụ thể hóa nhiệm vụ cải cách hành chính, năm 2018, UBND tỉnh quyết định lựa chọn và yêu cầu 7 cơ quan đơn vị phải đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính, gồm các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, cùng Văn phòng UBND tỉnh và thành phố Vinh.

Đây là những “đầu mối” có vai trò, vị trí quan trọng trong thực hiện công tác cải cách hành chính; những chuyển động tích cực của các cơ quan, đơn vị này sẽ góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh, trong đó phục vụ hiệu quả công tác thu hút đầu tư. Qua đó, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, hướng đến thực hiện nền hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp...

Tôi tin rằng, với chính sách, cơ chế thông thoáng, sự chuyển động tích cực, quyết liệt của các sở, ngành, của mỗi cán bộ, công chức, năm 2018 công tác cải cách hành chính của Nghệ An sẽ đạt kết quả tốt hơn, nâng cao niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Theo - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Copy Link
Tạo sức bật từ cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO