Tập Cận Bình thăm Nga trong tuần tới; Iran đặt điều kiện đàm phán với Mỹ
(Baonghean.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga trong tuần tới; Liên minh châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "ngôi nhà chung"; Iran đặt điều kiện đàm phán với Mỹ; Pakistan tiếp tục gia hạn đóng cửa không phận ở biên giới với Ấn Độ... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga trong tuần tới
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina, ngày 30/11/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Ngày 29/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo, nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Nga từ ngày 5 - 7/6 tới. Theo ông Lục Khảng, trong thời gian ở thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 23, dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 8/6.
Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác trong khu vực và toàn cầu như Nga và các quốc gia Trung Á khi cuộc cạnh tranh địa chiến lược, đặc biệt về công nghệ, với Washington đang nóng lên.
Liên minh châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập "ngôi nhà chung"
Ảnh minh họa: Property Turkey |
Triển vọng của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đang mờ dần sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 29/5 đánh giá các điều kiện về tư pháp và kinh tế của nước này đang giảm sút. Trong báo cáo thường niên đánh giá những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập EU, EC nhấn mạnh tiến trình này hiện “đóng băng” do Ankara “tái vi phạm nghiêm trọng” một số vấn đề, trong đó có sự độc lập của ngành tư pháp và chính sách ổn định kinh tế. Theo báo cáo, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã “tác động tiêu cực” đến thị trường tài chính, trong khi tiếp tục vi phạm chính sách kinh tế khiến EC lo ngại sâu sắc về chức năng của nền kinh tế thị trường.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia tiến trình đàm phán xin gia nhập EU từ tháng 10/2005, song tiến bộ đạt được rất chậm. Một số nước EU, nhất là Đức, kịch liệt phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của khối thương mại lớn nhất thế giới này.
Iran đặt điều kiện đàm phán với Mỹ
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 29/5 tuyên bố không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Tổng thống Rouhani nêu rõ bất cứ khi nào Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công, thực thi đầy đủ các cam kết và quay trở lại bàn đàm phán mà Washington tự rời bỏ, Iran sẽ mở cánh cửa đàm phán. Tuy nhiên, theo ông, người dân Iran sẽ chỉ đánh giá phía Mỹ qua các hành động cụ thể.
Giới chức Iran đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh trước đó 1 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nếu Tehran muốn đối thoại, Washington cũng sẽ làm như vậy, đồng thời nhấn mạnh "Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran". Theo ông, hai bên có thể đạt thỏa thuận.
Venezuela công bố chỉ số lạm phát thấp hơn 10 lần ước tính của IMF
Nhà máy lọc dầu Isla của Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) trên đảo Curacao. Ảnh:Reuters. |
Ngân hàng Trung ương Venezuela hôm 28/5 lần đầu tiên công bố số liệu về kinh tế trong ba năm qua, cho thấy lạm phát của nước này năm ngoái ở mức 130.060%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó ước tính lạm phát năm 2018 của Venezuela là 1.370.000% và sẽ chạm mốc 10 triệu phần trăm trong năm 2019.
Tỷ lệ lạm phát năm 2018 theo công bố của Ngân hàng Trung ương Venezuela giảm đáng kể so với năm 2016 (274,4%) và 2017 (862,6%). Nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, vốn chiếm 96% doanh thu quốc gia, giảm mạnh xuống còn 29,8 tỷ USD trong năm 2018 do giá dầu giảm và tác động của khủng hoảng kinh tế, chính trị trong nước. Xuất khẩu dầu Venezuela đạt 85,6 tỷ USD năm 2013 và 71,7 tỷ USD năm 2014.
Hàng chục nghìn giáo viên New Zealand đình công đòi tăng lương
Hàng ngàn giáo viên biểu tình trên phố Queen ở Auckland của New Zealand. Ảnh: Getty Images |
Theo Bộ Giáo dục New Zealand, khoảng 60% trường công lập nước này đã phải đóng cửa trong ngày 29/5 trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công quy mô lớn của hàng chục nghìn giáo viên yêu cầu được hưởng mức lương và các điều kiện tốt hơn. Động thái trên ảnh hưởng tới khoảng 500.000 học sinh, khi hơn 50.000 giáo viên tiến hành cuộc "tổng đình công".
Trong một tuyên bố, lãnh đạo liên đoàn giáo dục lớn nhất ở New Zealand NZEI cho biết họ không muốn tiến hành đình công nhưng phải làm "vì tương lai của ngành giáo dục". NZEI kêu gọi Chính phủ New Zealand thực thi những hành động khẩn cấp và mạnh mẽ. Các giáo viên đang yêu cầu được tăng lương và cảnh báo lương thấp đồng nghĩa nhiều giáo viên sẽ phải nghỉ dạy chỉ sau vài năm đứng lớp.
Pakistan tiếp tục gia hạn đóng cửa không phận ở biên giới với Ấn Độ
Hành khách chờ đợi bên ngoài sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi, Pakistan, ngày 1/3 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Cục Hàng không dân dụng Pakistan ngày 29/5 cho biết không phận Pakistan tại biên giới phía Đông với Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng cho đến ngày 14/6 tới. Đây là lần gia hạn mới nhất trong nhiều tháng sau căng thẳng giữa hai nước.
Pakistan đóng cửa không phận hồi tháng Hai vừa qua sau một cuộc tấn công liều chết của một nhóm tay súng có căn cứ tại Pakistan tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, vụ việc châm ngòi dẫn tới các cuộc không kích vào lãnh thổ lẫn nhau và một cuộc không chiến trên khu vực Kashmir. Các hãng hàng không nước ngoài sử dụng không phận Ấn Độ đã buộc phải đi đường vòng tốn kém hơn do không thể bay qua Pakistan. Việc đóng cửa không phận chủ yếu ảnh hưởng tới các chuyến bay từ châu Âu đến Đông Nam Á.