Tập trung giải pháp xây dựng nông nghiệp hàng hóa
(Baonghean) - Việc xác định các cây, con chủ lực là bước đi quan trọng để tập trung quy hoạch, đầu tư nhân rộng gắn với kêu gọi thu hút đầu tư nhằm phát triển xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nhìn lại danh mục được lựa chọn còn rộng, một số loài không còn phù hợp đòi hỏi phải rà soát, xác định lại phù hợp với điều kiện hiện nay.
8 chỉ tiêu gặp khó khăn trong thực hiện
Từ năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển các cây, con chủ lực tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay nhìn lại, trong 21 chỉ tiêu cây, con chủ yếu theo đề án, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 13 chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ đạt và vượt (chiếm 62%), còn 8 chỉ tiêu có khả năng khó đạt gồm: sản lượng lạc, sản lượng chanh leo, sản lượng chè búp tươi, sản lượng cao su mủ khô, đàn bò bê sữa, sản lượng sữa tươi, tổng đàn hươu và cây dược liệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý thăm Hợp tác xã nông nghiệp cây ăn quả 1/5 tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy |
Vừa qua làm việc với đoàn kiểm tra số 2 của tỉnh do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, Sở NN&PTNT đã giải thích rõ những nguyên nhân một số chỉ tiêu khó đạt. Như, cây lạc cho sản lượng lạc năm 2018 đạt 36.598 tấn, ước đến năm 2020 đạt 41.600 tấn, không đạt mục tiêu Đề án là 56.000 tấn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Lập cho biết, phần lớn diện tích đất quy hoạch cho phát triển cây lạc, lại nằm trong quy hoạch các chương trình dự án trọng điểm của tỉnh, nên nhiều diện tích đất trồng lạc được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là vùng trọng điểm lạc của tỉnh nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp WHA (Nghi Lộc và Diễn Châu), bên cạnh đó một số diện tích chuyển sang trồng rau. Theo Sở NN&PTNT, diện tích gieo trồng lạc từ năm 2014 -2019 giảm hơn 3.800 ha.
Hay như chỉ tiêu về mủ cao su. Sản lượng năm 2018 đạt 5.216 tấn, ước đến năm 2020 đạt 14.000 tấn, trong khi mục tiêu đề án đến 2020 là 16.000 ngàn tấn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm cho hay, một trong những nguyên nhân là có khoảng 10.000 ha quy hoạch trồng cao su song do vướng Chỉ thị số 13-CT/TW nên hiện nay đang điều chỉnh quy hoạch diện tích trồng cao su.
Người dân xã Tân An (Tân Kỳ) thu hoạch sản phẩm mủ cao su. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải |
Đặc biệt đối với cây dược liệu, vốn rất được kỳ vọng song năm 2018 diện tích đạt 1.039 ha, ước đến năm 2020 đạt 1.500 ha, không đạt mục tiêu đề án là 15.400 ha. Nguyên nhân do việc phát triển cây dược liệu là một hướng đi mới bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư; chế tài, chính sách về quản lý trồng dược liệu dưới tán rừng chưa có, chưa liên kết được với người dân,…
Một mục tiêu quan trọng khác của đề án là đến 2020, đàn bò, bê sữa có 137.000 con, sản lượng sữa tươi là 850.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ tiêu này là quá cao, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã điều chỉnh lại còn 90.000 con bò, bê sữa và 450.000 tấn sữa. Dự kiến đến 2020 đàn bò, bê sữa là 70.000 con. Sản lượng sữa tươi là 450 ngàn tấn. Mặc dù có những khó khăn trong thực hiện, nhưng đây là một sự bứt phá lớn trong ngành chăn nuôi bò sữa, từ một tỉnh gần như số không đến nay đã trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng bò sữa, sản lượng sữa tươi; đặc biệt làm chuyển đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung và bò sữa nói riêng.
Trang trại chăn nuôi bò sữa tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Cường |
Rà soát, đề xuất cây, con chủ lực
Từ thực tiễn phát triển các cây, con chủ lực, không phủ nhận thành quả đạt được đã góp phần vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp Nghệ An. Tuy nhiên, để những sản phẩm này thực sự mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Viết Hùng, mặc dù sản lượng cam - sản phẩm thế mạnh của tỉnh vượt chỉ tiêu, nhưng những vùng thủ phủ trồng cam hiện nay có vấn đề về giống, chất lượng cây cam, diện tích và năng suất chất lượng cây có giảm.
Ở một bình diện chung, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng chứng chỉ VietGAP và chứng nhận GlobalGAP cho các sản phẩm nông nghiệp. “Tiềm năng của chúng ta lớn, nhưng nếu không đưa các chứng chỉ trên vào thì sản phẩm không không thể vào được siêu thị chứ chưa nói là xuất khẩu”, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nói, đồng thời đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp vào chế biến sâu, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng mạnh các công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Vì nếu không làm sản phẩm sẽ vẫn luẩn quẩn với bài toán “được mùa, mất giá”.
Người dân xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) thu hoạch cam non bán vì lo ngại tình trạng cam rụng sớm. Ảnh: Quang An |
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, phải nghiêm túc kiểm điểm để có giải pháp và hướng đi hiệu quả hơn trong thời gian tới. Vì trong quá trình xây dựng Đề án trước đây vẫn còn những chủ quan, dựa vào kỳ vọng của tỉnh và doanh nghiệp. Vì vậy, ngành Nông nghiệp sẽ xác định để tập trung chỉ đạo những trọng điểm phù hợp. Đặc biệt là cây dược liệu, mặc dù việc phát triển cây dược liệu do Sở Y tế chủ trì nhưng ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo các nội dung liên quan, đặc biệt là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Cũng tại cuộc làm việc với Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, giai đoạn hiện nay nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu của Nghệ An, vì liên quan mật thiết đến đời sống của phần lớn người dân. Tuy nhiên, nông nghiệp phải sản xuất được theo quy mô hàng hóa, là nền tảng để phát triển công nghiệp theo hướng sản phẩm đầu ra của nông nghiệp sẽ làm sản phẩm đầu vào của công nghiệp.
Các sản phẩm nông nghiệp tại Hội chợ nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn các tỉnh miền Trung và sản phẩm xanh khu vực hợp tác xã, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2018. Ảnh tư liệu: Lâm Tùng |
Trong đó, có thể thấy Đề án phát triển các cây, con chủ lực là thành tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, số lượng cây, con chủ lực đang còn nhiều và yêu cầu ngành NN&PTNT phải tiến hành rà soát, nghiên cứu, thậm chí cả tổ chức hội thảo đề xác định và đề nghị tỉnh công nhận “cây gì, con gì” thực sự là chủ lực trong giai đoạn hiện nay theo đúng nghĩa của từ này vì quá trình phát triển đã có những thay đổi so với trước đây. Qua đó, tỉnh tập trung nguồn lực, trí tuệ để phát triển, trong đó cần quan tâm và xem lại về việc nguồn lực tập trung vào một số loại cây trồng. Đặc biệt là cây dược liệu cần tập trung cao độ, đồng thời quan tâm phát triển các loại cây trồng rừng sản xuất.