Tập trung thu hoạch lúa và vệ sinh môi trường

11/09/2012 10:32

(Baonghean) Thiệt hại do mưa, lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh ta là khá lớn. Đến thời điểm này, mưa đã ngớt, trời đã hửng nắng, chính quyền và người dân các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục hậu quả.

Sáng 10/9 chúng tôi về Hưng Nguyên, trên các cánh đồng nước đã rút, người dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để tiến hành thu hoạch lúa. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thời điểm hiện tại, người dân trên toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 1/3 trên tổng 5.400 ha lúa hè thu. Kết hợp với thu hoạch lúa, các địa phương huy động người dân tiến hành nạo vét các kênh mương nội đồng, tiêu úng do bị bồi lắng sau mưa để thoát nước kịp thời, tránh ngập úng kéo dài.

Đối với các công trình hạ tầng, giao thông nông thôn bị sạt lở, các địa phương đã huy động người dân tự khắc phục tạm thời bằng cách đắp bờ, thu dọn đất, đá. Ông Hoàng Kim Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết: Đợt mưa vừa rồi đã gây sạt lở đập Khe Lốt. Trước tình hình đó, xã đã huy động 150 người dân tiến hành khắc phục bằng cách đắp bờ bằng bì đất; chỉ đạo người dân, nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh, rắc vôi xung quanh nhà để xử lý môi trường. Kế hoạch sản xuất vụ đông năm nay, xã sẽ lựa chọn các loại giống ngắn ngày.



Người dân xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) khẩn trương thu hoạch lúa tránh ngập úng.

Hiện nay ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc và Hưng Trung, các ngành, đoàn thể đang tập trung hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu thì làm vệ sinh nhà cửa đến đó, đẩy bùn đất ra khỏi sân nhà; đồng thời huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên và học sinh làm vệ sinh môi trường ở khu vực công cộng, thu gom rác thải, cây cối gãy đổ bị thối rữa; chôn lấp xác súc vật, côn trùng... Trung tâm Y tế huyện và y tế các xã tiến hành phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột tẩy uế… Ông Hoàng Kim Tấn nói: Khi nước rút, vấn đề được xã tập trung và quan tâm hàng đầu là xử lý môi trường, phun thuốc phòng dịch. Hiện tại, xã đã huy động các lực lượng làm vệ sinh môi trường, trích ngân sách mua vôi cùng với lượng vôi hỗ trợ từ huyện để xử lý ô nhiễm, khử trùng tẩy uế.

Còn tại Nam Đàn, huyện và các xã cũng đang tích cực triển khai những biện pháp để khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Hiện tại, toàn huyện còn khoảng 804 ha lúa đang bị ngâm trong nước, chủ yếu ở các xã Nam Thanh, Nam Lộc, Xuân Hòa, Nam Anh… Ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Khi nước rút, huyện sẽ chỉ đạo các xã triển khai tiến hành tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, tiêu thoát nước để chuẩn bị triển khai sản xuất vụ đông”,

Tại huyện Nghi Lộc, bên cạnh khẩn trương khôi phục sản xuất thì toàn huyện đang dốc sức khắc phục cơ sở hạ tầng bị mưa lũ làm hư hỏng như: đập Ông Thân có dung tích 0,3 triệu m3 đã bị vỡ, đập Vũng Cầu bị sạt lở và đập Lim bị hư hỏng ống dẫn nước (ở xã Nghi Văn); cầu Kiêm, cống ngăn mặn ở Nghi Thái và cầu Kiệt ở xã Nghi Xá bị nước cuốn trôi… UBND huyện đã tập trung chỉ đạo người dân thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả lũ lụt. “Đối với các công trình thủy lợi bị hư hỏng, trước mắt địa phương đã huy động sức dân tiến hành đắp đất, đá để sửa chữa tạm thời. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tiến hành khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương ở các tuyến như kênh nhà Lê, cầu Kiệt… nhằm tiêu thoát nước kịp thời, tránh ngập úng cục bộ”, đồng chi Đồng Thanh Bình, Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết.

Trong đợt mưa lớn vừa qua, nhiều trường học ở Yên Thành bị ngập lụt nặng và học sinh phải nghỉ học. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện, đỉnh điểm vào ngày 7/9, có 11 trường trên địa bàn huyện, học sinh phải nghỉ học, đó là các trường thuộc các xã vùng trũng như Liên Thành, Công Thành, Khánh Thành, Bảo Thành... Tuy nhiên, ngay sau khi nước rút, hầu hết ở tất cả các trường học ở các xã trên, các em học sinh đã đến trường. Hiện nay, chỉ duy nhất Trường Tiểu học Long Thành có 640 học sinh, thuộc xã Long Thành học sinh phải nghỉ học do trường đang bị ngập lụt khoảng 50 cm. Hiện nay, giáo viên và thanh niên tình nguyện xã Long Thành đã tiến hành lau chùi bàn ghế các lớp học, phân loại sách vở, phơi sách vở bị ướt.

Thầy Nguyễn Văn Lưu cho biết: “Nếu trời không mưa, phải đến thứ 6 tuần này, trường mới đón các em học sinh đến lớp được. Hiện nay, giáo viên nhà trường đang túc trực, chờ nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó. Đối với tài liệu, học cụ, sách giáo khoa bị ướt, nhà trường sẽ trích kinh phí chi thường xuyên để mua sắm bổ sung. Có khoảng 300 học sinh, sách giáo khoa bị ướt, trong đó có nhiều em thuộc diện gia đình khó khăn phải mượn sách của trường sẽ không có sách giáo khoa để học. Ngoài ra, sắp tới nhà trường sẽ tổ chức học bù vào cuối tuần nhằm theo kịp chương trình”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Văn Thành – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: “Ngay trong lũ, Phòng đã yêu cầu các giáo viên trực trường nhằm sơ tán tài liệu, học cụ. Sau lũ, giáo viên vận động học sinh đến lớp và tổ chức học bù nhằm theo kịp chương trình. Tuy nhiên, đối với thiệt hại do lụt gây ra, Phòng đang gặp khó khăn vì nguồn kinh phí đã giải ngân cho các trường vào đầu năm tài chính. Do vậy, việc hỗ trợ kinh phí mua sắm lại dụng cụ, tài liệu, sách giáo khoa đang gặp khó khăn”.

Về vấn đề vệ sinh môi trường, lực lượng y tế xã cũng đã ra quân kiểm tra phòng dịch. Sáng 10/9, cán bộ Trung tâm Y tế huyện đã đưa hóa chất về xử lý nước. Ông Lê Công Đẩu – Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: “Xã sẽ trích ngân sách mua phèn chua về hỗ trợ người dân xử lý nước giếng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, để đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời các loại hóa chất xử lý nước sinh hoạt và khử trùng tẩy uế môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt trên địa bàn tỉnh, bước vào mùa mưa bão, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tiến hành kiểm kê, rà soát lại các hóa chất xử lý nước và khử trùng tẩy uế môi trường tại trung tâm tuyến tỉnh và tuyến huyện. Đối với tuyến huyện, hiện đang còn khoảng 968 kg cloramin B, clorua vôi và tuyến tỉnh còn 468 kg cloramin B, 205 kg phèn chua.

Ông Trần Nguyên Truyền – Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết thêm: Trung tâm cũng đang chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị xã tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trẻ em không tiếp xúc với nguồn nước bẩn; tổ chức xử lý các giếng nước bị ô nhiễm bằng phèn chua, cloramin B hoặc clorua vôi; động viên nhân dân làm vệ sinh, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, khử trùng tẩy uế, phòng chống các dịch bệnh đau mắt đỏ, dịch tả lỵ, nước ăn chân…


Nhóm PV Thời sự- Kinh tế

Mới nhất
x
Tập trung thu hoạch lúa và vệ sinh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO